Những phép thử đối với Thủ tướng Angela Merkel
Thủ tướng Đức Angela Merkel hiện đang đối mặt với thách thức chính trị khó khăn nhất trong sự nghiệp của mình.
Thủ tướng Angela Merkel tại một phiên họp của Hạ viện Đức ngày 13/1/2016.
Đối với nhiều người Đức, cuộc khủng hoảng người tị nạn có vẻ như đã vượt tầm kiểm soát. Những người nhập cư tiếp tục đổ vào nước này với số lượng lớn.
Các vụ tấn công tình dục và bạo lực ở Cologne và các thành phố khác vào đêm giao thừa đã làm xói mòn uy tín của Chính phủ Đức và khả năng đảm bảo trật tự của cảnh sát, đồng thời làm tăng thêm sự nghi ngờ về các chính sách hòa nhập cho người tị nạn.
Hồi đầu tháng này, một người nhập cư đã tìm cách tấn công đồn cảnh sát ở Paris. Người này được xác định đã đăng ký tị nạn tại Đức bốn lần, với bốn danh tính khác nhau, điều này cho thấy những lỗ hổng trong quản lý người tị nạn.
Chính phủ Đức cũng đang gặp khó khăn để trấn an người dân, để họ không “đánh đồng” chủ nghĩa khủng bố và người tị nạn. Cái chết của mười người Đức ở Istanbul tuần trước mà thủ phạm là một kẻ đánh bom tự sát gốc Syria càng kích động nỗi sợ hãi của dân chúng Đức.
Tuy nhiên, bất chấp những thông tin quá tiêu cực như vậy trong hai tuần qua, một số lớn người dân Đức đã không quay lưng lại với bà Merkel.
Một cuộc khảo sát của hãng ARD công bố ngày 15/1 cho thấy, 38 % số người được hỏi nói rằng họ vẫn sẽ bỏ phiếu cho đảng của bà, 44% người Đức (giảm 5% so với tháng 10/2015) nói rằng họ vẫn tin phương pháp tiếp cận của bà Merkel đối với cuộc khủng hoảng di dân đang phát huy hiệu quả.
Trong khi đó, lại có một số ý kiến của giới quan sát cho rằng, bà Thủ tướng đang ở trên bờ vực của sự mất uy tín.
Thực tế, việc bà Merkel hủy bỏ chuyến đi dự Hội nghị thượng đỉnh Davos năm nay cho thấy bà đang muốn vận dụng toàn công lực để xoay chuyển tình thế hiện tại và tham gia sâu hơn vào việc hoạch định chính sách trong nước.
Quyết định gần đây về việc cấp thẻ căn cước (trước khi vụ xảy ra vụ Cologne) cho người tị nạn và áp dụng các biện pháp cứng rắn nhằm trục xuất người nhập cư bất hợp pháp, truy tố các tội phạm nhập cư, là bước quan trọng nhằm thay đổi tình hình trong nước. Thêm vào đó, Chính phủ Đức đã cam kết sẽ dành ngân sách nhiều hơn so với năm ngoái để hỗ trợ người tị nạn hòa nhập.
Đồng thời, Berlin cũng tăng cường áp lực lên các đối tác châu Âu. Trong khi thỏa thuận phân phối việc tiếp nhận người tị nạn đồng đều cho các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) bị đình trệ, Thủ tướng Merkel và Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble đã cùng nhắc nhở các đối tác EU đóng góp tài chính để hỗ trợ các nước thứ ba - những quốc gia hiện đang có một số lượng lớn người tị nạn - như Thổ Nhĩ Kỳ.
Điều này, cộng với việc tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria, là những biện pháp quan trọng cần thiết để hạn chế dòng người di cư. Nếu số lượng người nhập cư đổ vào Đức năm 2016 giảm, đây sẽ là một yếu tố rất quan trọng để đánh giá mức độ thành công trong chính sách của bà Merkel.
Sau hơn mười năm tại nhiệm, vai trò lãnh đạo của bà Merkel ở Đức có thể bị chỉ trích, nhưng cho đến thời điểm này, bà vẫn chưa có một đối thủ nào ngang sức, kể cả trong chính đảng của mình cũng như từ các đảng khác.
Một trong những mối quan tâm chính của bà Merkel trong hoạch định chính sách châu Âu trong những năm qua là ngăn Đảng Sự thay đổi vì nước Đức - một đảng cánh tả dân túy, tham gia quốc hội và nghị viện địa phương. Quan trọng hơn, bà đã tránh được xu thế phân cực và cực đoan trong xã hội Đức, điều đã xảy ra ở các nước EU khác.
Một phép thử quan trọng về sự thành công trong các chính sách của bà Merkel sẽ là cuộc bầu cử khu vực của Đức vào tháng Ba tới. Tuy nhiên, cuộc bầu cử Quốc hội Đức, diễn ra chậm nhất vào tháng 9/2017, mới là cuộc thử nghiệm chính thức đối với sự nghiệp chính trị của bà Merkel.
Theo Châu Long/Newsweek
Thế giới và Việt Nam