1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thế giới sẽ "soi" những lời hứa nào từ Donald Trump?

(Dân trí) - Thế giới đang chờ xem, Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ sẽ hành động như thế nào đối với những cam kết của ông trong chiến dịch tranh cử như tuyên bố trục xuất người tị nạn Syria, hủy bỏ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP)...


Tổng thống đắc cử của Mỹ, ông Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Tổng thống đắc cử của Mỹ, ông Donald Trump (Ảnh: Reuters)

“Trục xuất tất cả người tị nạn từ Syria”

Tỷ phú Trump từng làm dậy sóng dư luận thế giới khi đưa câu này vào chính sách tranh cử của mình. Ông đề xuất biện pháp "cấm cửa" tất cả người Hồi giáo nhập cảnh Mỹ, bao gồm xây tường rào để phong tỏa biên giới phía Nam của Mỹ với Mexico; gia tăng áp lực lên Canada để hạn chế số người nhập cư và tị nạn, đặc biệt là từ các khu vực Hồi giáo.

Ông Trump cũng từng nói muốn trục xuất hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp và tăng mức phạt đối với những người vi phạm quy chế thị thực.

Có ý kiến cho rằng lệnh cấm tạm thời người Hồi giáo đến Mỹ đã được suy tính cẩn thận và hình thành nền tảng của một chính sách đối ngoại hoàn toàn mới, theo đó sẽ sắp xếp lại những ưu tiên và những mối quan hệ của nước Mỹ.

Nhưng cũng có phân tích lo ngại ông có thể biến cam kết tranh cử thành chính sách thực sự. Lý do họ lo ngại là chính sách này sẽ làm mất thiện cảm của các nước đối tác của Mỹ và không loại trừ khả năng khuấy động làn sóng hận thù chống Mỹ trong cộng đồng người Hồi giáo.

Thế giới chờ xem, khi nhậm chức, tân Tổng thống Donald Trump sẽ hành động như thế nào.

“Phản đối Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)”

TPP là hiệp định thương mại bao gồm 12 quốc gia ở Thái Bình Dương với tổng dân số khoảng 800 triệu người và 40 % thương mại thế giới. TPP được ký kết hồi tháng 2/2016 tại New Zealand sau rất nhiều vòng đàm phán. Hiệp định này sẽ chỉ có hiệu lực nếu nhận được sự phê chuẩn của quốc hội tại ít nhất 6 quốc gia thành viên chiếm ít nhất là 86% GDP của tất cả các bên tham gia hiệp định. Riêng Mỹ đã chiếm tới hơn 60% GDP của 12 nước gia TPP cộng lại, do đó sự phê chuẩn của Washington có ý nghĩa quyết định đối với sự thành bại của hiệp định này.

Trong quá trình tranh cử, trước làn sóng phản đối TPP trong dư luận người dân Mỹ, ứng cử viên Cộng hòa Donal Trump lặp đi lặp lại phản đối gay gắt của ông về TPP. Lập trường này của ông không có gì lạ, vì ông ủng hộ chính sách bảo hộ.

TPP được xem là thành tố quan trọng trong chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ, với mục đích “kiềm chế” sức mạnh của Trung Quốc. Nhiều đồng minh của Mỹ trong khu vực, trong đó có Nhật Bản và Singapore, đã ủng hộ và trông chờ vào vai trò lớn hơn của Mỹ qua hiệp định này.

Cuộc bầu cử vừa diễn ra ở Mỹ không chỉ mang đến chiến thắng cho ông Trump, mà cả đảng Cộng hòa của ông, khi kết quả kiểm phiếu cho thấy đảng này sẽ tiếp tục duy trì quyền kiểm soát Hạ viện và giành chiến thắng tại Thượng viện.

“Nếu TPP không được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, tin này sẽ lan khắp châu Á. Điều này cũng đồng nghĩa với sự suy giảm vai trò của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương”, nhà phân tích Jamil Anderlini viết trên tờ Financial Times. Còn theo lời của một nhà ngoại giao cấp cao Nhật Bản, “điều này sẽ trao cho Bắc Kinh một cơ hội vàng để thiết lập một hệ thống thương mại ở châu Á dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc".

Chính phủ Mỹ của Tổng thống Barack Obama luôn thừa nhận tầm quan trọng của TPP và sẵn sàng phê chuẩn hiệp định này, nhưng chính phủ tương lai của tân Tổng thống Donald Trump sẽ có thái độ như thế nào? Đây là một khía cạnh nữa thế giới chờ xem từ ông Trump.

“Triệt phá nguồn cung cấp dầu mỏ cho Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS)”

Ông Trump không quên đưa vào chính sách ngoại giao của mình vấn đề nóng bỏng là cuộc chiến với tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.

Trong đối phó với IS, chiến lược của Tổng thống đương nhiệm Barack Obama và chính sách đối ngoại tranh cử của ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton được coi là sự tiếp nối và đều thể hiện thái độ quyết liệt hơn. Ngoài triệt phá các nguồn hỗ trợ, Mỹ còn tiêu diệt các tay súng IS bằng các cuộc không kích của quân đồng minh, bằng hỗ trợ lực lượng địa phương.

Còn ông Trump đưa ra giải pháp quyết liệt là triệt phá nguồn cung cấp dầu mỏ và truy quét cả gia đình của những thành viên IS. Tờ New York Times đánh giá đây là sách lược nghiêm túc hơn của ông, sau một loạt những tuyên bố gây sốc.

Nhưng trang tin Foxnews cho rằng phát biểu này cho thấy rõ ràng là ông ngẫu hứng và thiếu hiểu biết về sự trỗi dậy và mức độ nguy hiểm của IS, không thể hiện được sự phân tích chặt chẽ về mối đe dọa từ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và một kế hoạch hành động khả thi.

Tới đây, ông Trump sẽ phải giải quyết rất nhiều thách thức toàn cầu, trong đó có các chiến dịch của Nga tại Trung Đông và Đông Âu, sự nổi lên của Iran, sự bất ổn tại Libya, Iraq, Syria và Yemen, và sự hoành hành của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

“Tìm kiếm các mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga”

Ông Trump từng tuyên bố mong muốn tìm kiếm các mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga và Trung Quốc.

Trung Quốc luôn là một đề tài nổi bật trong các phát ngôn mạnh mẽ của ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông từng cáo buộc Trung Quốc cướp đi việc làm của người dân Mỹ và có nhiều hành vi gian lận trong thương mại quốc tế. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng có những điều tích cực trong thái độ của ông với Trung Quốc, liên quan đến các tuyên bố chủ yếu xoay quanh các vấn đề kinh tế chứ không phải những vấn đề nhạy cảm khác.

Với Nga, Donald Trump từng tuyên bố rằng việc dùng vũ lực để thay đổi đường biên giới châu Âu được hình thành từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 không quan trọng bằng quan hệ Mỹ - Nga. Ông cũng cho rằng việc Nga bảo vệ vùng ảnh hưởng của mình là bình thường.

Tuy nhiên, AFP dẫn lời nhà phân tích chính trị Nga Konstantin Kalatchev cho rằng dù ông Trump từng bộc lộ quan điểm sẵn sàng thỏa thuận với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng cũng đừng hy vọng ông sẽ là một "tổng thống thân Nga" và cuộc bầu cử vào ngày 8/11 sẽ làm thay đổi thực tiễn chính trị ở Mỹ. “Ông ấy thắng cử thì chính sách đối ngoại của Mỹ cũng sẽ vẫn thế thôi”.

Trong khi đó, đài truyền hình Phượng Hoàng của Hong Kong dẫn lời nhà phân tích Wu Jun nói: “Trên thực tế, ông Trump làm tổng thống tốt hơn với Trung Quốc. Đó là bởi đảng Cộng hòa thực dụng hơn và ông Trump là một doanh nhân, người đặt lợi ích thương mại của ông trên mọi thứ khác”.

“Giảm cam kết với bên ngoài vì lợi ích của Mỹ”

Ông Trump hứa hẹn sẽ có cách tiếp cận cứng rắn mới, thậm chí kể cả với đồng minh, “tất cả là vì lợi ích của người dân Mỹ”. Moscow coi Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) là mối đe dọa chiến lược đối với Nga. Còn ông Trump cảnh báo các đồng minh NATO rằng Mỹ có thể phá bỏ hiệp ước nếu các nước này không chịu chi tiền. Tương lai của Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ (NORAD) sẽ bị lung lay bởi ông Trump cảnh báo sẽ rút bỏ cam kết đảm bảo an ninh cho hai đồng minh khu vực là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ông Trump tái nhấn mạnh cách tiếp cận theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn, mô tả cách thức ông sẽ buộc các đồng minh phải gánh chịu những phí tổn mà Mỹ đã phải trả suốt những thập niên qua. Theo ông Trump, thế giới hiện nay đang dựa dẫm quá nhiều vào ảnh hưởng và tiền bạc của Mỹ.

Trước đó, ông Trump nói rằng ông sẽ yêu cầu Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ả-rập Xê-út phải tăng tiền thanh toán cho việc Mỹ bảo trợ quân sự cho họ.

Ông Trump từng nói hai nước đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc vì chi trả cho Washington quá ít trong khi Mỹ đóng góp 50.000 binh sĩ ở Nhật Bản và 28.500 binh sĩ ở Hàn Quốc để duy trì hoà bình và an ninh. Ông cảnh báo nếu Tokyo và Seoul khước từ đòi hỏi của ông về việc gia tăng những khoản bồi hoàn an ninh cho Washington, ông sẽ xem xét việc rút quân khỏi khu vực.

New York Times dẫn ý kiến cho rằng đây là quan điểm của một doanh nhân chứ không phải của một chính trị gia, bởi vì đảng Cộng hòa Mỹ luôn chủ trương gắn bó với NATO, bảo vệ các lợi ích của Mỹ ở nước ngoài.

Lập trường của ông Trump đã khơi dậy những lời chỉ trích gay gắt từ dư luận ở châu Á và cả bên trong nước Mỹ. Họ nói rằng những thay đổi triệt để như vậy sẽ gây tổn hại rất lớn cho uy tín của Mỹ, có thể sẽ dẫn tới một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở châu Á và làm suy yếu những nỗ lực của quốc tế nhằm gây áp lực buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Gần đây, Mỹ và Hàn Quốc nhất trí triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Việc chia sẻ gánh nặng quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc cũng đang dần thay đổi.

Trở thành tổng thống Mỹ, liệu ông Trump có làm thay đổi mạng lưới đồng minh Mỹ đã xây dựng với thế giới? Dư luận cũng đang đợi phản ứng từ chính phủ của ông sau ngày 20/1 năm tới.

Tuệ An

Tổng hợp