1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thế chiến 3, chiến tranh Nga-Mỹ bùng phát từ xung đột Syria?

Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo về xung đột Nga-Mỹ, đến lượt Tổng thống Syria Assad cảnh báo có thể bùng phát Thế chiến III do xung đột Syria.

Assad: Có “mùi vị” Thế chiến thứ 3

Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngày 14/10 tuyên bố trước báo giới rằng, bối cảnh thế giới hiện nay giống như tình hình thời Chiến tranh Lạnh, nhưng có cảm giác về khả năng một cuộc xung đột toàn cầu sẽ nổ ra từ lò lửa Syria ở Trung Đông.

"Hôm nay chúng ta đang chứng kiến tình hình Syria, Trung Đông và thế giới đang ở trong giai đoạn phát triển tương tự như thời Chiến tranh Lạnh" - nhà lãnh đạo Syria tuyên bố với phóng viên báo Komsomolskaya Pravda.

Theo lời ông, hiện trên thế giới đang có rất nhiều điểm nóng chính trị và Syria là một trong những địa bàn quan trọng hơn cả.

Theo ông, nguyên nhân của tất cả các sự kiện này là do Mỹ. Mục tiêu chính của Washington là duy trì quyền bá chủ trên toàn thế giới, không để cho bất cứ nước nào lấn át vai trò của Mỹ trên trên trường quốc tế, dù đó là Nga hoặc thậm chí là các đồng minh ở phương Tây.

“Do đó, có thể cảm nhận thấy thứ mùi của chiến tranh, mà các bạn mô tả như là Thế chiến III. Nó đang hiện hữu trong không khí dù chưa phải là những chỉ dấu cho thấy sẽ xuất hiện đối đầu quân sự trực tiếp giữa các cường quốc" - ông Assad nhận xét.

Theo lời vị Tổng thống Syria, để giải quyết cuộc xung đột ở Syria, yêu cầu đầu tiên và rất quan trọng là Nga và cộng đồng quốc tế cần xác định rõ kẻ nào đang hỗ trợ bọn khủng bố trong đất nước này.

"Vấn đề ai hiện đang can dự vào công việc ở Syria hiện nay vẫn chưa phải là điều quan trọng nhất, mà yêu cầu cốt yếu hiện nay là phải vạch rõ đối tượng nào đang từng ngày từng giờ hỗ trợ khủng bố" - ông Assad nhận định.

Các chuyên gia nhận định nguy cơ xung đột Nga-Mỹ ở Syria là rất cao
Các chuyên gia nhận định nguy cơ xung đột Nga-Mỹ ở Syria là rất cao

Liên bang Nga, Iran và Hezbollah là những đồng minh lâu dài của Syria. Các lực lượng này chiến đấu chống bọn khủng bố và họ có mặt tại đây trên cơ sở hợp pháp, nhưng lại có những quốc gia khác đang can thiệp vào Syria với mục đích hỗ trợ khủng bố" - ông Assad tuyên bố.

Trước đó, vị Tổng thống Syria cũng từng tuyên bố rằng, cá nhân ông lấy làm tiếc về việc hợp tác giữa Nga và Hoa Kỳ giải quyết xung đột ở Syria đã bị chấm dứt, nhưng điều này cũng không có gì là, bởi ngay từ đầu ông không tin rằng thỏa thuận sẽ được thực hiện.

Tổng thống Bashar al-Assad cho biết trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình TV2 của Đan Mạch rằng, nguyên nhân chính khiến thỏa thuận ngừng bắn ở Syria không được thực hiện bởi vì, việc đạt được thỏa thuận không có nghĩa là nó đã được thực hiện trên thực tế.

Theo ông, việc thỏa thuận ngừng bắn có được thực hiện hay không phụ thuộc vào ý chí của các bên tham gia thỏa thuận, mà rõ ràng là người Mỹ không có thiện ý để thực hiện bất kỳ thỏa thuận nào.

Chiến tranh Nga-Mỹ bắt nguồn từ nội chiến Syria

Hôm 13/10, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus cũng đồng nhận định với Tổng thống Syria Assad rằng, cuộc nội chiến Syria hiện nay đã trở thành “cuộc chiến ủy nhiệm” giữa Mỹ và Nga, giống hai siêu cường Xô-Mỹ thời Chiến tranh lạnh.

Ông Kurtulmus cũng cảnh báo cuộc xung đột ở Syria có thể leo thang ra khỏi khu vực Trung Đông bởi sự đối đầu giữa hai “ông lớn” này và cảnh báo, nếu cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Nga và Mỹ không chấm dứt, hai nước có thể sẽ lâm vào chiến tranh.

Ông Kurtulmus mô tả chính quyền Damascus chỉ là “con tốt” trong cuộc khủng hoảng này. Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ cũng khẳng định là ông Assad sẽ không có chỗ đứng trong chính phủ tương lai bởi phe nổi dậy sẽ không chấp nhận đàm phán với chế độ độc tài đẫm máu”.

Nga và Mỹ đang hậu thuẫn cho các bên tham gia cuộc xung đột kéo dài hơn 5 năm qua ở đất nước Syria. Trong khi Mỹ và đồng minh đòi ông Assad phải từ chức như là một điều kiện tiên quyết để đàm phán, Nga từ chối bàn về việc thay thế ông Assad, trừ khi người dân Syria đồng ý.

Là một nước chủ chốt trong Liên minh Ả-rập tham gia hậu thuẫn cho lực lượng phiến quân Syria, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một trong những nước đi đầu trong việc đòi ông Assad phải từ chức, để chấm dứt cuộc nội chiến bùng nổ từ năm 2011 khiến hơn 400.000 người thiệt mạng.

Tổng thống Assad và Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus đưa ra các tuyên bố trên trong bối cảnh diễn biến trên chiến trường Syria hiện tại đang đi theo chiều hướng bạo lực ngày càng gia tăng, sau khi thỏa thuận ngừng bắn mới nhất bị đổ vỡ.

Nga đã triển khai tên lửa đạn đạo Iskander đến Kaliningrad
Nga đã triển khai tên lửa đạn đạo Iskander đến Kaliningrad

Nga, Mỹ không thể duy trì được lệnh ngừng bắn và thay phiên đổ lỗi cho nhau đã bao che cho chính quyền Syria hoặc phe đối lập phá vỡ lệnh ngừng bắn. Thậm chí Mỹ, Pháp, Anh còn đòi điều tra “tội ác chiến tranh” của Nga, đồng thời tăng cường trừng phạt.

Nga đã đình chỉ thỏa thuận hạt nhân với Mỹ, liên tiếp tăng cường tàu chiến đến Địa Trung Hải, chính thức mở 2 căn cứ quân sự ở Hmeymim và Tartous, triển khai lực lượng phương tiện, bao gồm tên lửa đạn đạo Iskander đến vùng lãnh thổ Kaliningrad nằm giữa lòng châu Âu.

Đồng thời, truyền thông phương Tây ngày 12/10 cho biết rằng, Nga đã ra lệnh cho tất cả các quan chức đưa người thân sống ở nước ngoài trở về nước. Theo đó, các nhân vật cấp cao đã nhận được lời cảnh báo đáng lo ngại về một cuộc chiến toàn cầu có thể sắp xảy ra (?)

Nhà phân tích chính trị Stanislav Belkovsky nhận định, đây là các biện pháp chuẩn bị trước khi giới tinh hoa bước vào một trận chiến lớn nào đó.

Còn các nhà phân tích quân sự của công ty tình báo toàn cầu Stratfor cho biết, từ giờ đến cuối năm, khả năng va chạm giữa Nga và Mỹ là rất cao, khi Washington sẽ củng cố và hỗ trợ quân nổi dậy người Sunni ở Syria và từ bỏ chính sách ưu tiên đàm phán với Moscow, bởi hiện nay nhiệm kỳ của ông Obama sắp hết và chưa biết ý định của người kế nhiệm sẽ ra sao.

Theo Toàn Thắng

Đất Viêt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm