1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hé lộ cách Triều Tiên “lách” qua khe cửa hẹp cấm vận

(Dân trí) - Báo cáo do Liên Hợp Quốc công bố ngày 16/3 đã hé lộ cách Triều Tiên lách các lệnh trừng phạt quốc tế vốn được đưa ra để gây sức ép với chính quyền Bình Nhưỡng và buộc nước này phải từ bỏ tham vọng hạt nhân.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát lễ duyệt binh ở Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát lễ duyệt binh ở Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Donald Trump gần đây cho biết ông chấp thuận lời mời đối thoại với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, nhưng điều đó không có nghĩa là các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên sẽ chấm dứt.

“Kim Jong-un đã nói về việc phi hạt nhân hóa với các đặc phái viên Hàn Quốc, chứ không chỉ là sự đóng băng. Ngoài ra, cũng không có vụ thử tên lửa nào do Triều Tiên tiến hành trong giai đoạn (đối thoại) này. Một bước tiến lớn đã đạt được nhưng các lệnh trừng phạt sẽ vẫn duy trì cho tới khi có được một thỏa thuận”, Tổng thống Trump viết trên Twitter ngày 9/3.

Tuy nhiên, báo cáo mới đây của Liên Hợp Quốc đã cho thấy sự khó khăn của chính phủ các nước khi muốn trừng phạt Triều Tiên cũng như hé lộ quy mô của các hoạt động giao thương trái phép do Bình Nhưỡng tiến hành. Các chuyên gia chuẩn bị báo cáo đã phát hiện sự vi phạm này tại nhiều quốc gia như Bulgaria, Trung Quốc, Đức, Ấn Độ, Myanmar, Ba Lan, Nga, Singapore, Tanzania và Uganda.

“Quy mô của các hoạt động mà họ tham gia thực sự rất lớn. Điều này cho thấy một thực tế rằng “những chiếc vòi” của Triều Tiên vẫn có thể vươn ra toàn cầu”, Peter Harrell, nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Mỹ tại Washington, nhận định.

Kim cương và rượu

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2017, Ấn Độ đã xuất khẩu số kim cương trị giá 514.823 USD sang Triều Tiên cùng các loại đá và kim loại quý khác.

Ngoài ra, một số mặt hàng xa xỉ khác cũng được chuyển tới Triều Tiên, bao gồm các loại rượu từ Đức, Italy và nước hoa, mỹ phẩm từ Bulgaria. Một công ty có trụ sở tại Singapore cũng mở thêm các gian hàng tại thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên và bán các sản phẩm đắt tiền từ Nhật Bản và châu Âu.

Theo Jay Song, giảng viên tại Viện nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Melbourne ở Australia, Triều Tiên đã thành thục trong việc “buôn lậu” các mặt hàng bị cấm vận và việc giao dịch các mặt hàng này, dù là hợp pháp hay bất hợp pháp, đều khiến tầng lớp trung lưu tại Triều Tiên ngày càng lớn mạnh thêm.

Than đá và thép

Cầu Hữu nghị nối Triều Tiên và Trung Quốc là nơi hàng hóa được vận chuyển qua lại giữa hai nước (Ảnh: New York Times)
Cầu Hữu nghị nối Triều Tiên và Trung Quốc là nơi hàng hóa được vận chuyển qua lại giữa hai nước (Ảnh: New York Times)

Theo New York Times, các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân tiêu tốn kinh phí không hề rẻ. Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy Triều Tiên vẫn tiếp tục bán các mặt hàng của nước này cho các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, mặc dù các lệnh trừng phạt không cho phép những giao dịch này diễn ra. Bình Nhưỡng được cho là đã kiếm được gần 200 triệu USD từ tháng 1-9/2017 bằng việc xuất khẩu “gần như tất cả các mặt hàng bị cấm theo các nghị quyết trừng phạt”.

Mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Triều Tiên là than đá. Báo cáo của Liên Hợp Quốc kết luận rằng Triều Tiên đã xuất khẩu 413,6 triệu USD than đá từ tháng 1-9/2017. Bình Nhưỡng cũng bán 62,1 triệu USD sắt thép mặc dù bị cấm xuất khẩu mặt hàng này.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc cũng chỉ ra những cách thức để Triều Tiên lách lệnh trừng phạt như mượn vỏ bọc là các công ty bình phong, làm giả các tín hiệu tự động mà các hệ thống radar thường sử dụng để theo dõi hoạt động chuyển hàng toàn cầu và chọn thời điểm giữa đêm để vận chuyển hàng hóa từ tàu sang tàu trên biển.

“Chúng ta thực sự đang ép Triều Tiên phải đi đường vòng. Triều Tiên thường giấu giếm gốc tích của những con tàu hoạt động về ban đêm và chuyển hàng từ tàu sang tàu”, Andrea Berger, nhà nghiên cứu cấp cao kiêm quản lý chương trình cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu chống phổ biến vũ khí James Martin ở California, nhận định.

Giao dịch tài chính

Bằng cách sử dụng các công ty bình phong và phối hợp với người nước ngoài, các doanh nghiệp và công dân Triều Tiên đã mở các tài khoản ngân hàng trên toàn thế giới.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết một số ngân hàng của Triều Tiên đã thiết lập mạng lưới các đại diện ở nước ngoài - những người có thể di chuyển tự do xuyên biên giới và tiến hành các giao dịch ở nhiều nước khác nhau cũng như thiết lập các cơ sở ở nước ngoài.

Các chuyên gia phát hiện ra nhiều ngân hàng ở nước ngoài không kiểm soát chặt chẽ các chủ tài khoản, trong đó có các chủ tài khoản từ Triều Tiên. Báo cáo của Liên Hợp Quốc lấy dẫn chứng “một ngân hàng lớn của châu Âu” khi ngân hàng này bỏ qua việc xác minh một đại diện của Ngân hàng Daesong Triều Tiên và để lọt thông tin chủ tài khoản này từng xuất hiện trong hồ sơ dữ liệu về tội phạm tài chính.

Giao dịch nghệ thuật

Người đứng đầu Xưởng Nghệ thuật Mansudae Ji Zhengtai giới thiệu về một bức tranh của nghệ sỹ Triều Tiên tại phòng tranh ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Người đứng đầu Xưởng Nghệ thuật Mansudae Ji Zhengtai giới thiệu về một bức tranh của nghệ sỹ Triều Tiên tại phòng tranh ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Hồi tháng 1, Bộ thương mại Trung Quốc đã đóng cửa một triển lãm của Triều Tiên tại khu phố nghệ thuật 798 Arts District ở thủ đô Bắc Kinh. Tại khu phố này, xưởng nghệ thuật Mansudae thuộc quản lý của chính phủ Triều Tiên đã bán các bức tranh sơn dầu, tượng điêu khắc bằng đồng và những đồ trang trí như tem thư hay tiền.

Triển lãm của Triều Tiên bày bán những bức tranh có giá lên tới 20.000 USD hoặc thậm chí còn cao hơn. Việc bán các tác phẩm nghệ thuật với giá cao như vậy được cho là nhằm giúp Bình Nhưỡng thu ngoại tệ trong bối cảnh bị cấm vận kinh tế sau các lệnh trừng phạt.

Buôn bán vũ khí

Trong báo cáo được công bố trước đó, các chuyên gia của Liên Hợp Quốc cáo buộc Triều Tiên đã chuyển nguyên liệu cho chính phủ Syria để sử dụng cho việc sản xuất vũ khí hóa học. Báo cáo cũng chỉ ra các thương vụ mua bán hệ thống tên lửa đạn đạo, bệ phóng rocket đa nòng và tên lửa đất đối không của Triều Tiên cho Myanmar.

Theo chuyên gia Berger, những hoạt động giao thương này đáng quan ngại không chỉ bởi chúng giúp Triều Tiên kiếm thêm tiền, mà còn liên quan tới “bản chất bất ổn của các hợp tác quân sự theo kiểu như vậy”.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc cũng cáo buộc Triều Tiên thường xuyên dính líu tới các hoạt động trinh sát và tấn công mạng. Bình Nhưỡng được cho là từng đưa một thiết bị bay không người lái sang căn cứ quân sự ở Seongju, Hàn Quốc và chụp 555 bức ảnh. Thiết bị này bị hỏng động cơ và rơi xuống trước khi bị tình báo Hàn Quốc thu lại.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, một số tài khoản thư điện tử của các chuyên gia Liên Hợp Quốc đã bị đột nhập và nghi ngờ Triều Tiên đứng sau vụ việc này.

Thành Đạt

Tổng hợp