1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Hé lộ các cuộc đàm phán bí mật của châu Âu và Triều Tiên

(Dân trí) - Một phái đoàn của nghị viện châu Âu gần đây đã tiết lộ các cuộc đàm phán bí mật với Triều Tiên trong hơn 3 năm qua nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát lễ duyệt binh tại Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát lễ duyệt binh tại Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)

Theo AFP, phái đoàn Nghị viện châu Âu do nghị sĩ Nirj Deva dẫn đầu đã gặp các quan chức cấp cao Triều Tiên, bao gồm các bộ trưởng, 14 lần trong hơn 3 năm qua và dự kiến sẽ tổ chức một cuộc gặp tiếp theo tại Bỉ trong tương lai gần.

Chính trị gia Nirj Deva cho biết ông và các đồng nghiệp thuộc Phái đoàn Nghị viện châu Âu phụ trách quan hệ với bán đảo Triều Tiên “không ngừng ủng hộ tiến trình đối thoại vô điều kiện” nhằm chấm dứt tình trạng căng thẳng ngày càng tăng với Triều Tiên.

“Tôi cùng các đồng nghiệp chủ yếu âm thầm ủng hộ. Chỉ đến bây giờ tôi mới tiết lộ rộng rãi những nỗ lực của chúng tôi đến với công chúng trong bối cảnh các cuộc đối thoại được đề xuất”, ông Deva cho biết.

Theo ông Deva, phái đoàn Nghị viện châu Âu cũng gặp các quan chức cấp cao ở Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để tiến hành các cuộc đối thoại nhằm đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Trong các cuộc gặp thường xuyên với Triều Tiên tại Brussels, Bỉ, phái đoàn Nghị viện châu Âu đã lắng nghe những mối quan tâm của Bình Nhưỡng và cố gắng thuyết phục nước này về các nguy cơ khi chiến tranh xảy ra.

“Chúng tôi đã nói với họ rằng nếu họ tiếp tục thực hiện chương trình tên lửa và bom hạt nhân, chúng sẽ chỉ dẫn tới một cái kết không thể tránh khỏi và không thể tưởng tượng được”, ông Deva cho biết thêm.

Chính trị gia châu Âu nói rằng phái đoàn của ông đóng vai trò thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin với mục tiêu ủng hộ cuộc đối thoại đã được lên kế hoạch giữa Mỹ và Triều Tiên. Theo ông Deva, các biện pháp trừng phạt cứng rắn mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lên Triều Tiên là yếu tố quan trọng khiến Bình Nhưỡng chấp thuận đàm phán.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước tuyên bố chấp nhận lời mời đối thoại của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thông qua đặc phái viên Hàn Quốc. Cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo có thể diễn ra vào tháng 5 tới.

Thành Đạt

Theo AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm