1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cuộc đời thăng trầm của Tổng thống Hàn Quốc trước khi bị phế truất

(Dân trí) - Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc hôm nay 10/3 đã chính thức ra phán quyết luận tội và phế truất Tổng thống Park Geun-Hye do cáo buộc tham nhũng và lạm quyền. Phán quyết có thể coi là dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị thăng trầm của nữ tổng thống này.


Tổng thống Hàn Quốc bị phế truất Park Geun-Hye. (Ảnh: AFP)

Tổng thống Hàn Quốc bị phế truất Park Geun-Hye. (Ảnh: AFP)

Với việc Tổng thống Park Geun-Hye bị phế truất đồng nghĩa một cuộc bầu cử tổng thống trước hạn sẽ diễn ra tại Hàn Quốc trong vòng 60 ngày tới.

Như vậy, bà Park là Tổng thống Hàn Quốc được bầu một cách dân chủ đầu tiên bị phế truất. Gần đây nhất, một lãnh đạo Hàn Quốc bị phế truất là vào năm 1960 sau một cuộc đảo chính quân sự. Phán quyết của tòa có thể coi là dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của bà Park.

Bà Park Geun-hye sinh năm 1952 trong một gia đình chính trị, cha bà là cố Tổng thống Park Chung-hee - người lên nắm quyền lãnh đạo đất nước sau cuộc đảo chính năm 1961.

Mẹ bà bị ám sát năm 1974 và kể từ đó bà đóng vai trò như một Đệ nhất phu nhân thay cho người mẹ quá cố cho đến khi cha cũng bị ám sát vào năm 1979. Kể từ đây, bà lui về hậu trường suốt 18 năm và vấp phải sự phản bội của các trợ lý cũ của cha.

Đến năm 1998, bà bắt đầu trở lại chính trường bằng việc trở thành thành viên quốc hội, gia nhập đảng Quốc đại (GNP), tiền thân của đảng Saenuri. Bà nhanh chóng giành được sự ủng hộ với tuyên bố sẽ giúp Hàn Quốc vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Tuy nhiên, do bất đồng về quan điểm cải cách, năm 2001, bà đã rút khỏi GNP và lập ra một đảng mới và chỉ quay lại khi GNP chấp thuận cải cách.

Trong cuộc vận động tranh cử năm 2006, bà bị một kẻ tấn công bằng dao, gây ra viết thương dài 11 cm trên mặt, phải giải phẫu trong nhiều giờ và khâu 60 mũi. Năm 2008, bà không thành công trong dự định tranh cử tổng thống vì đảng Quốc đại chọn ông Lee Myung-bak với một số phiếu chỉ hơn bà Park Geun-hye rất ít.

Cuối năm 2012, bà Park đã đánh bại đối thủ đảng Tự do Moon Jae-in để trở thành tổng thống Hàn Quốc. Ngày 25/2/2013, bà tuyên thệ nhậm chức tổng thống với hứa hẹn mở ra một thời kỳ mới tươi sáng hơn cho Hàn Quốc.

Một trong những sự việc đầu tiên khiến chính quyền của bà Park “mất điểm” là vụ chìm phà Sewol ngày 16/4/2014 khiến hơn 300 người thiệt mạng, trong đó chủ yếu là học sinh. Chính phủ của bà Park bị cho là đã chậm trễ trong việc đối phó với thảm họa.

Ngày 25/10/2016, bà Park lần đầu tiên cúi đầu xin lỗi toàn dân vì bê bối để người bạn thân Choi Soon-sil chỉnh sửa các bài phát biểu quan trọng của bà trong những tháng đầu nhậm chức. Người bạn thân này đã bị bắt giữ hôm 31/10/2016 với cáo buộc lạm dụng mối quan hệ thân tình với Tổng thống Park để chi phối các vấn đề quốc gia.

Ngày 4/11/2016, bà Park một lần nữa phải xin lỗi toàn dân trên đài truyền hình và nói rằng bà sẽ chịu trách nhiệm nếu bị kết tội. Trong lời xin lỗi thứ ba hôm 29/11/2016, bà đã đề nghị quốc hội quyết định cách thức cũng như thời gian để bà có thể từ bỏ quyền lực sau các thông tin bê bối.

Ngày 9/12, quốc hội Hàn Quốc đã bỏ phiếu luận tội đối với bà Park, tạm thời tước quyền tổng thống của bà trong thời gian chờ phán quyết của tòa. Thủ tướng Hwang Kyo-ahn đã được chỉ định trở thành Tổng thống lâm thời.

Tuy vậy, đến ngày 1/1/2017, bà Park bác bỏ mọi cáo buộc, cho rằng những cáo buộc nhằm vào bà là vô căn cứ.

Ngày 17/2/2017, cảnh sát đã bắt giữ ông Jay Y. Lee, Phó chủ tịch Tập đoàn Samsung do bị nghi ngờ có liên quan đến bê bối nhận hối lộ của bà Park. Các công tố viên ngày 6/3 kết luận, bà Park đã cấu kết với người bạn thân Choi Soon-sil nhận hối lộ từ Tập đoàn Samsung. Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra hôm qua 9/3, ông Lee bị cáo buộc đã đưa 43 tỷ won (hơn 37 triệu USD) cho bà Choi.

Ngày 10/3, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc chính thức luận tội và phế truất Tổng thống Park.

Minh Phương

Tổng hợp