1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ai tháp tùng Tổng thống Trump công du châu Á?

(Dân trí) - Tháp tùng Tổng thống Mỹ Donald Trump công du châu Á trong tuần này có Đệ nhất phu nhân Melania, Cố vấn an ninh Nhà Trắng H.R. McMaster. Trong khi đó, Phó tổng thống Mike Pence và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis sẽ không có mặt trong đoàn tháp tùng.

Tổng thống Trump và Đệ nhất phu nhân lên đường công du châu Á

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay 5/11 sẽ bắt đầu chuyến công du châu Á với chặng dừng chân đầu tiên tại Nhật Bản, tiếp đến là Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.

Đây là chuyến công du châu Á đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1 và cũng là chuyến công du châu Á dài nhất của một tổng thống Mỹ trong vòng hơn 25 năm qua.

Hãng tin AP ngày 4/11 đã hé lộ về đoàn tháp tùng Tổng thống Trump trong chuyến công du này.

Đệ nhất phu nhân Melania


Đệ nhất phu nhân Melania Trump sẽ tháp tùng Tổng thống Trump trong một phần chuyến công du châu Á. (Ảnh: Reuters)

Đệ nhất phu nhân Melania Trump sẽ tháp tùng Tổng thống Trump trong một phần chuyến công du châu Á. (Ảnh: Reuters)

Bà Melania ngày càng thể hiện rõ vai trò của một Đệ nhất phu nhân khi xuất hiện bên cạnh Tổng thống Trump trong các sự kiện quan trọng và trong các chuyến công du nước ngoài.

Trong chuyến công du châu Á lần này, bà Melania dự kiến sẽ chỉ tháp tùng Tổng thống Trump trong một phần chuyến đi.

Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster


Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R McMaster (trái) - Ảnh: Reuters

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R McMaster (trái) - Ảnh: Reuters

Cố vấn an ninh quốc gia McMaster là một trong những người tham gia cố vấn cho Tổng thống Trump về chuyến công du châu Á.

Vị tướng 3 sao này từng tuyên bố rằng, Mỹ để ngỏ phương án quân sự với Triều Tiên.

Ngoại trưởng Rex Tillerson


Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (Ảnh: Reuters)

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (Ảnh: Reuters)

Ngoại trưởng Tillerson thời gian gần đây đang trở thành tâm điểm của những đồn đoán cho rằng ông có thể rút khỏi vị trí người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ do những bất đồng chính sách với Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, đích thân ông Tillerson và Tổng thống Trump đã bác bỏ đồn đoán này.

Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly


Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly (Ảnh: Reuters)

Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly (Ảnh: Reuters)

Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly được cho là “cánh tay phải” của Tổng thống Trump, giữ vai trò sắp xếp lại bộ máy nhân sự của chính quyền.

Chánh Văn phòng Nhà Trắng được xem là ghế nóng nhất trong chính quyền của Tổng thống Trump. Ông Kelly đã đưa ra nhiều nguyên tắc mới cho cung cách hoạt động nội các, cho các cuộc gặp, tiếp xúc giữa Tổng thống Trump với các quan chức khác.

Cố vấn cấp cao Jared Kushner


Cố vấn cấp cao Jared Kushner và con gái Ivanka của Tổng thống Trump (Ảnh: Reuters)

Cố vấn cấp cao Jared Kushner và con gái Ivanka của Tổng thống Trump (Ảnh: Reuters)

Kushner là con rể và cũng là cố vấn cấp cao của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, vai trò của ông Kushner trong chuyến công du lần này của Tổng thống Trump sẽ mờ nhạt hơn so với chuyến công du đầu tiên hồi tháng 5.

Ông Kushner từng là người sắp xếp chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Mỹ hồi tháng 4. Hiện ông vẫn là người có tiếng nói trong các chính sách về Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Trump.

Ông Kushner sẽ tháp tùng Tổng thống Trump cho đến khi kết thúc chuyến thăm Trung Quốc.

Trong khi đó, vợ của cố vấn Kushner, cô Ivanka Trump, một cố vấn cấp cao khác của Nhà Trắng, cũng đã có mặt ở Nhật Bản trước khi Tổng thống Trump và Đệ nhất phu nhân Melania bắt đầu chuyến thăm quốc gia châu Á này vào hôm nay.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders


Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders (Reuters)

Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders (Reuters)

Đây sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của bà Sanders với tư cách là Thư ký báo chí Nhà Trắng. Bà được coi là gương mặt công chúng của chính quyền Tổng thống Trump khi đưa ra phát ngôn về hàng loạt vấn đề quan trọng trong các cuộc họp báo của Nhà Trắng.

Cố vấn cấp cao Stephen Miller


Cố vấn cấp cao Stephen Miller (Ảnh: Reuters)

Cố vấn cấp cao Stephen Miller (Ảnh: Reuters)

Ông Stephen Miller được coi là một trong số ít quan chức Nhà Trắng có quan điểm dân túy cứng nhắc. Ông là một trong những trợ lý được Tổng thống Trump tin tưởng nhất và cũng chính là người đứng sau các bài diễn văn của Tổng thống.

Nhà Trắng hiện chưa tiết lộ về vai trò cụ thể của ông Miller trong 2 bài phát biểu quan trọng của Tổng thống Trump trong chuyến công du châu Á lần này gồm: bài phát biểu trước quốc hội Hàn Quốc và bài phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) ở Đà Nẵng.

Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Đại diện thương mại Robert Lighthizer


Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross (ở giữa) (Ảnh: Reuters)

Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross (ở giữa) (Ảnh: Reuters)

Hai quan chức này sẽ đóng vai trò chủ chốt trong các cuộc hội đàm thương mại của phái đoàn Mỹ với Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc trong chuyến công du.

Tổng thống Trump tỏ ra chưa hài lòng với các thỏa thuận thương mại hiện nay, trong đó có các thỏa thuận thương mại với các quốc gia châu Á vì cho rằng chúng “chưa công bằng” với người lao động Mỹ.

Trong khi đó, những người không có mặt trong đoàn tháp tùng Tổng thống Trump trong chuyến công du châu Á lần này có Phó Tổng thống Mike Pence.

Vì lý do an ninh, rất hiếm khi cả tổng thống và phó tổng thống cùng công du nước ngoài. Phó Tổng thống Pence hồi đầu năm nay đã có chuyến công du châu Á và lần này ông sẽ ở lại Washington.

Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cũng vừa trở về từ chuyến công du châu Á. Trong chuyến thăm Hàn Quốc, Bộ trưởng Mattis nhấn mạnh, Mỹ sẽ tiếp tục tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Triều Tiên. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, Lầu Năm Góc cũng sẵn sàng mọi phương án đối phó.

Cùng với Phó Tổng thống Pence và Bộ trưởng Mattis, Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin và Chủ tịch Hội đồng kinh tế quốc gia Gary Cohn cũng sẽ ở lại Washington để thúc đẩy kế hoạch cải tổ thuế của đảng Cộng hòa. Các nghị sĩ Cộng hòa lo ngại rằng, nếu kế hoạch cải tổ không được thông qua, đó sẽ là dấu hiệu tiêu cực cho cuộc bầu cử quốc hội vào năm sau của đảng này.

Minh Phương

Tổng hợp