Chậm 2 năm, vốn dự án ODA bị đội thêm 50% so với dự toán

(Dân trí) - "Tính trung bình, nếu chậm trễ 2-3 năm sẽ làm tăng chi phí lên đến 50% do phát sinh thâm hụt tài chính", ông Rustam Ishenaliev, Trưởng phòng quản lý dự án Văn phòng ADB tại Việt Nam cho biết tại Hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam diễn ra ngày 18/10.

Ông Rustam Ishenaliev cho biết, qua đánh giá các dự án ODA và sử dụng vốn vay ưu đãi tại Việt Nam, cơ quan này đã thực hiện nghiên cứu các tác động của việc chậm giải ngân vốn Viện trợ chính thức (ODA) ảnh hưởng đến bản thân dự án và kế hoạch phát triển.

Chậm 2 năm, vốn dự án ODA bị đội thêm 50% so với dự toán - 1

“Kết quả nghiên cứu của ADB (năm 2013) thấy rõ, việc chậm thực hiện giải ngân làm tăng 17,6% chi phí mỗi năm (6,5% do lạm phát giá các hạng mục chính (chưa kể chi phí tái định cư) và 11,1% chi phí do lợi ích của dự án bị mất. Đồng thời, chính sự chậm trễ giải ngân này đang là nguyên nhân khiến chi phí gia tăng và không phát huy được lợi ích của dự án có sử dụng vốn vay ODA. Việt Nam trung bình phải mất 5 năm mới giải ngân một dự án, tiến độ còn chậm”, ông Rustam Ishenaliev cho hay.

Theo số liệu báo cáo của nhóm 6 ngân hàng và tổ chức tài chính thế giới cam kết cho vay ODA với Việt Nam như Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA); Ngân hàng Thế giới (WB); Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB); Ngân hàng KEXIM (Hàn Quốc); Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW): Việt Nam trung bình mất khoảng 5 năm để triển khai giải ngân 1 dự án, tiến độ còn rất chậm.

"Số dư chưa giải ngân của các dự án ODA giai đoạn 2011-2015 của Việt Nam là khoảng 22 tỷ USD. Sự chậm trễ đang là nguyên nhân khiến chi phí gia tăng và không phát huy được lợi ích của dự án có sử dụng vốn vay ODA", báo cáo của 6 ngân hàng trên cho hay.

Cụ thể, đại diện Ngân hàng ADB cho hay: "Chúng tôi nhận thấy trung bình mất 8 tháng mới phê duyệt được các thỏa thuận ký kết. Thống kê của ADB thời gian này là 7 tháng, trong đó năm 2015 hoạt động này là từ 9-12 tháng. Việc chậm tiến độ này kéo theo việc đội ngân sách. Tính trung bình nếu kéo dài dự án thêm 1 năm thì số chi phí tăng thêm 17,6% chi phí. Nếu kéo dài hơn 2 năm, số chi phí có thể lên 50% so với dự toán ban đầu".

Về nguyên nhân vốn ODA chậm giải ngân, đại diện của nhóm 6 ngân hàng trên cho biết, theo Nghị quyết 78 của Quốc hội, nếu giải ngân ODA vượt quá ước tính, Chính phủ phải báo cáo với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trước khi giải ngân, thủ tục này gây ra nhiều tình huống khó khăn khác nhau như thanh toán chậm cho các nhà thầu, chi phí bổ sung và chi phí khác do điều chỉnh giá trong các hợp đồng sử dụng vốn ODA, hợp đồng, dự án chậm trễ, vi phạm nghĩa vụ hợp đồng và phạt dành cho các cơ quan của Chính phủ, thậm chí ảnh hưởng tiêu cực về mức độ tín nhiệm của Việt Nam.

Đặc biệt, thủ tục phê duyệt rườm rà, tinh thần làm chủ các Ban QLDA còn kém cũng là nguyên nhân chủ quan gây ra hiện trạng trên. "Trung bình mất 3 năm từ ngày phê duyệt để khởi công dự án. Thường thời gian thuê tư vấn dài hơn thời gian thi công, triển khai dự án...", báo cáo của 6 ngân hàng cho hay.

Về tác động trực tiếp đến dự án, báo cáo của các ngân hàng trên nêu rõ, từ tháng 2/2015 đến nay có 34 dự án bị gián đoạn giải ngân vốn, trong đó ADB có 5 dự án bị ảnh hưởng; AFD có một dự án bị ảnh hưởng; JICA có 15 dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng...

Bà Lee Yoon Mee, Phó trưởng Đại diện Keximbank tại Việt Nam khẳng định: Có nhiều hạn chế trong giải ngân ODA từ đầu 2016. Trên cơ sở những độ vênh nhất định giữa dự toán ngân sách và tiến độ giải ngân, nên tiến độ giải ngân chưa như mong đợi. Việc thiếu vốn đối ứng tác động đến tiến độ giải ngân. Luật về quản lý nợ công cũng có những tác động nhất định, trường hợp giải ngân ODA vượt tiến độ có khó khăn nhất định như chặn chi trả cho nhà thầu, chậm giải ngân cũng ảnh hưởng đến đối tác cho vay vốn.

Nguyễn Tuyền