TS Lê Đăng Doanh: "Cứ chi tiêu tuỳ tiện, không ngân sách nào chịu nổi"

(Dân trí) - "Ở Thuỵ Điển, ông Thủ tướng sang New York học bao nhiêu tiền thì phải khai ra, mời khách mấy món, quà cáp như thế nào... tất cả phải công khai. Trên cơ sở đó thì các tổ chức minh bạch ngân sách sẽ theo dõi, phải cụ thể và có giới hạn rõ ràng. Còn chúng ta, với mức độ chi tiêu tuỳ tiện này thì không có nguồn thu nào chịu được", TS Lê Đăng Doanh nói.

TS Lê Đăng Doanh.
TS Lê Đăng Doanh.

Phát biểu tại Hội thảo "Xây dựng sáng kiến thúc đẩy công khai minh bạch Ngân sách Nhà nước” do Liên minh minh bạch ngân sách tổ chức chiều 10/2, TS Lê Đăng Doanh cho biết, tỷ lệ bội chi ngân sách năm 2015 lên đến 6,11% GDP, 2016 vào khoảng 5% GDP, tức mỗi ngày bội chi trên 520 tỷ đồng, bội chi ngân sách cả năm khoảng 200.000 tỷ đồng.

Gánh nặng dồn lên vai một số tỉnh "đầu tàu"

Bên cạnh đó, gánh nặng thu ngân sách Nhà nước dồn lên vai 6 tỉnh thành Đông Nam Bộ khi phải đảm đương tới trên 42% tổng thu ngân sách Nhà nước và 11 tỉnh thành đồng bằng sông Hồng với tỷ lệ hơn 30%.

“Chỉ riêng số thu ngân sách Nhà nước của TPHCM đã cao hơn nhiều so với số thu của toàn bộ 46 tỉnh thành nằm ngoài vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ. Chênh lệch giữa tỉnh có số thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thấp nhất có 501 tỷ đồng (tỉnh Bắc Kạn) với tỉnh có số thu cao nhất (TP.HCM) lên tới gần 600 lần”, ông Doanh cho biết.

Theo ông Doanh, cùng với đó, sự thiếu công bằng trong thu chi ngân sách địa phương còn thể hiện ở tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương khi TPHCM có tỷ lệ điều tiết cao nhất với chỉ 23% tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn được giữ lại cho ngân sách địa phương với gần 70.000 tỷ đồng trong khi riêng TPHCM chiếm tỷ trọng gần 27% tổng dự toán thu ngân sách Nhà nước trong năm 2016.

Trong khi đó, tỷ lệ điều tiết ngày càng cao từ TPHCM rất bất hợp lý vì để đảm bảo vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước và nguồn thu ngân sách lớn nhất của cả nước, TPHCM cần đầu tư bảo đảm kết cấu hạ tầng tiên tiến, nếu không năng lực cạnh tranh quốc tế của TPCM sẽ không bền vững.

"Tỷ lệ ngân sách giữ lại của TPHCM đã giảm từ 29% xuống còn chỉ là 18% trong khi đóng góp cho tổng thu tới hơn 20%. Với một địa phương đầu tàu giống như con bò sữa, muốn nó cung cấp sữa thì phải cho ăn uống tử tế. TPHCM nếu không có tiền đầu tư kết cấu, hạ tầng, đô thị thì về lâu, về dài, liệu có đảm bảo nguồn thu như hiện tại không?", ông đặt câu hỏi.

Vị chuyên gia cho rằng, điều tiết ngân sách phải dựa trên triết lý động viên nguồn lực, tiến tới tự chủ ngân sách. Trên nguyên tắc đó, các tỉnh sẽ phải tự phát huy sáng kiến, tự chủ, ít ỉ lại, trông chờ vào điều tiết ngân sách. Các địa phương sẽ phải cạnh tranh nhau về hiệu quả thu, chi ngân sách, chế độ phúc lợi, người dân sẽ có quyền quyết định ở nơi dịch vụ công cao hơn.

Tỉnh nghèo xài sang, trụ sở to

Nói về câu chuyện lấy của tỉnh giàu chia cho tỉnh nghèo, ông Doanh cũng cho rằng đây là việc "phi lý" khi thu ngân sách bình quân đầu người giữa các địa phương có sự chênh lệch lớn nhưng chi ngân sách bình quân đầu người thì lại “sàn sàn” nhau.

"Tôi đồng ý tỉnh nghèo thì ngân sách điều tiết đảm bảo nhu cầu về giáo dục, y tế nhưng nhiều tỉnh nghèo trụ sở rất sang, có tỉnh không có ngành công nghiệp nào nhưng trụ sở quản lý về công nghiệp rất sang. Ví dụ tỉnh Hà Giang đầu tư nhiều đến mức "nợ rất lâu và chưa biết bao giờ mới trả được". Phải đảm bảo nhu cầu thiết thực thôi, nghèo đừng xài sang, đi nước ngoài, đi ô tô sang. Anh nghèo phải đảm bảo con cái đi học, ốm phải được chữa bệnh, còn lại bố mẹ anh nghèo anh phải bóp mồm bóp miệng lại", ông Doanh nhấn mạnh.

Vị chuyên gia cho rằng, tỉnh nghèo, thu nhập thấp phải chấp nhận chi tiết kiệm hơn tỉnh giàu, bộ máy phải tinh gọn hơn, không thể tiếp tục tình trạng tỉnh nghèo, sống chủ yếu bằng điều tiết ngân sách, bộ máy vẫn cồng kềnh…

"Với chi tiêu hiện nay 12 công trình thua lỗ bao nhiêu nghìn tỷ, ai chịu trách nhiệm và cứ như thế thì ai có thể bảo đảm cho ngân sách này có thể cân đối được. Bây giờ có nông thôn mới, sơ sơ các xã huyện nợ 10.000 tỷ đồng nhưng sự thực có nơi người dân ở nhà lá nhưng bắt dựng cổng bằng bê tông. Một năm có tới 2.500 đoàn đi nghiên cứu nước ngoài nhưng mang lại vận dụng gì...

Ngoài ra, ông Doanh cũng cho biết, ông không hề thấy cơ quan chức năng công bố con số cụ thể trong khi, ở nhiều nước, từng khoản thu, chi của các cá nhân, tổ chức đều được công khai. “Tôi đề nghị ta phải bổ sung luật cụ thể về minh bạch ngân sách. Minh bạch ngân sách phải cụ thể, giới hạn, rõ ràng”, ông Doanh nói.

"Ở Thuỵ Điển, ông Thủ tướng sang New York học bao nhiêu tiền thì phải khai ra, mời khách mấy món, quà cáp như thế nào... tất cả phải công khai. Trên cơ sở đó thì các tổ chức minh bạch ngân sách sẽ theo dõi, phải cụ thể và có giới hạn rõ ràng. Còn chúng ta, với mức độ chi tiêu tuỳ tiện này thì không có nguồn thu nào chịu được", ông nói thêm.

Phương Dung