Điểm danh bộ và tỉnh "ẵm" vốn ngân sách khủng nhất năm

(Dân trí) - Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo hiện trạng chi và sử dụng ngân sách Nhà nước ở các Bộ, ngành và địa phương. Đáng nói, trong đó, có nhiều Bộ và tỉnh "ẵm" vốn cực khủng, nhưng nhiều bộ, ngành và địa phương chỉ "nắm" trong tay lượng vốn cực kỳ ít ỏi.

Số Bộ và địa phương "ẵm" vốn khủng là Bộ Giao thông và Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thành phố Hà Nội, và TP.HCM. Các bộ, ngành chỉ được rót số vốn cực kỳ ít ỏi là: Khoa học - Công nghệ, Thông tin và Truyền thông với số vốn chưa bằng số lẻ của các bộ khác và con số này đang giảm dần.

Bộ Giao thông và Hà Nội đang nghiền vốn ngân sách lớn nhất năm
Bộ Giao thông và Hà Nội đang "nghiền" vốn ngân sách lớn nhất năm

Cụ thể, theo báo cáo, tổng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước năm nay đạt 268.600 tỷ đồng, bằng 97,8% kế hoạch, tăng 15% so với năm 2015, trong đó vốn cho các Bộ, ngành chiếm 62.000 tỷ đồng (chiếm 23% ngân sách); vốn phân cho địa phương (chiếm hơn 76,7% vốn ngân sách).

Vốn trung ương quản lý đạt 62.600 tỷ đồng và tăng gần 15% so với cùng kỳ, trong đó Bộ Giao thông Vận tải chiếm 21.200 tỷ đồng tăng 21,5% (chiếm 34% vốn của các bộ); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 7.069 tỷ đồng tăng 14,4%, sau đó là các Bộ như Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế , Xây dựng...

Đáng lo ngại, hai Bộ có vốn đầu tư ngân sách thấp nhất cả nước là Bộ Khoa học và Công nghệ 295 tỷ đồng giảm 10,8%; Bộ Thông tin và Truyền thông 122 tỷ đồng giảm 30,6%. Đây vẫn là hai bộ chức năng có số ngân sách thấp như nhiều năm trước, điều này dấy lên lo ngại về ứng dụng, đổi mới khoa học công nghệ vào phát triển tại Việt Nam.

Vốn địa phương quản lý đạt 206.000 tỷ đồng tăng 15,2% so với năm 2015, trong đó, vốn phân cho cấp tỉnh đạt 146.000 tỷ đồng tăng 18,8%, chiếm gần 71% tổng vốn ngân sách cho địa phương. Vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 49.500 tỷ đồng tăng 8,6% (chiếm 24%) và vốn cho cấp xã đạt 10.500 tỷ đồng tăng 0,7% (chiếm hơn 5% tổng vốn ngân sách cho địa phương).

Hà Nội là địa phương có ngân sách khủng nhất trong các tỉnh đạt 31.600 tỷ đồng tăng 45,5% so với năm trước và chiếm 25% vốn ngân sách đầu tư cho các địa phương; TP.HCM, đạt 21.200 tỷ đồng tăng 9,4%, chiếm 10% vốn ngân sách; Quảng Ninh đạt 7.700 tỷ đồng tăng 25,1%, chiếm gần 4% vốn ngân sách. Các tỉnh như Bình Dương 6.600 tỷ đồng tăng 32,7%; Nghệ An 5.600 tỷ đồng tăng 15,2%; Vĩnh Phúc 5.400 tỷ đồng tăng 6,8%; Bà Rịa - Vũng Tàu 5.000 tỷ đồng tăng 8,9%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2016 cả nước có 12 tỉnh, thành phố trắng FDI - (không thu hút được vốn đầu tư nước ngoài). Các địa phương này chủ yếu tập trung ở các tỉnh Miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Cửu Long - những nơi có điều kiện kinh tế cực kỳ khó khăn và cơ sở hạ tầng kém như: Cao Bằng, Bắc Cạn, Hà Giang, Sơn La, Điện Biên, Phú Yên, Cà Mau, Đắc Nông và Bạc Liêu, Hậu Giang, Hòa Bình, Gia Lai.

Từ việc thiếu hụt nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài cho phát triển, nên vốn chi ngân sách cho các địa phương này mỗi năm vẫn rất lớn. Hiện hầu hết các tỉnh này được duyệt chi 100% từ số thu nhưng ngân sách Nhà nước mỗi năm vẫn phải bù chi hàng nghìn tỷ đồng. Hiện trạng này đang không chỉ làm thâm hụt ngân sách địa phương mà còn khiến tình trạng thiếu hiệu quả sử dụng vốn gia tăng, dựa dẫm vào vốn ngân sách, gây mất cân đối ngân sách nhà nước tại các địa phương.

Nguyễn Tuyền