Mỗi người Việt đang "gánh" gần 23 triệu đồng nợ công

(Dân trí) - Theo bảng cập nhật của Đồng hồ nợ công thế giới, nợ công của Việt Nam tính đến ngày 18/3/2016 là 94,8 tỷ USD, tương ứng số nợ công trên đầu người của mỗi người Việt Nam là 1.039 USD/người (tương đương gần 22,8 triệu đồng).

So với thời điểm này 1 năm về trước, nợ công của Việt Nam đã tăng 8,1 tỷ USD, tương đương mức tăng trung bình của các năm 2013, 2014 và 2015.

Với số liệu gia tăng nợ công của Việt Nam như hiện nay, sau 2 năm con số nợ công của Việt Nam đã tăng 16,1 tỷ USD. Nếu tính mốc từ năm 2010, sau 6 năm, con số nợ công của Việt Nam đã tăng lên 49,4 tỷ USD từ 45,39 tỷ USD (năm 2010).

Theo số liệu dù nợ công của Việt Nam vẫn ở mức cao, song từ năm 2010 cho đến nay tốc độ gia tăng nợ công của Việt Nam đã được giảm dần. Theo đồng hồ nợ công thế giới, tốc độ gia tăng nợ công thời điểm 18/3/2016 đạt 9,3%, thấp hơn tốc độ gia tăng của năm 2015 và các năm về trước.

Mỗi người Việt đang "gánh" gần 23 triệu đồng nợ công - 1

Xung quanh con số nợ công của Việt Nam, hiện có nhiều số liệu của các bên đưa ra khác nhau. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra tháng 7/2015, số nợ công của Việt Nam năm 2014 đã là 110 tỷ USD (tương đương khoảng 2,35 triệu tỷ đồng. Tức mỗi người dân Việt Nam gánh khoảng1.200 USD/người.

Trong đó, nợ của Chính phủ dành cho các mục đích đầu tư từ các tổ chức quốc tế, các chính phủ là 79,6%; nợ của các doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước (do Chính phủ bảo lãnh) khoảng 19% và nợ của chính quyền địa phương là 1,4%.

Trước đó, tại Báo cáo đánh giá bổ sung tình hình thực hiện Ngân sách Nhà nước năm 2015 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 7/3/2016, Bộ Tài chính cho biết, tính đến ngày 31/12/2015, số nợ công của Việt Nam đã ở mức 62,2%. Đáng chú ý là nợ Chính phủ ở mức 50,3% (vượt giới hạn cho phép là 0,3%GDP), nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 43,1%GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ ở mức 16,0% tổng thu ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, Chính phủ vẫn luôn khẳng định sẽ giữ nợ công ở dưới 65% GDP và giữ thâm hụt ngân sách ở mức dưới 5%/năm. Từ năm 2014 - 2015 Chính phủ duy trì thực hiện các biện pháp thắt chặt kỷ cương đầu tư công, mua sắm công; thực hiện thu chi ngân sách, phát hành trái phiếu nhằm mục đích đảo nợ, tăng nguồn thu và giảm áp lực lên ngân sách…

Theo nhận định của Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và nhiều tổ chức, liên minh kinh tế quốc tế, khu vực tại Việt Nam: nợ công Việt Nam phần lớn do thâm hụt ngân sách lớn (mất cân đối thu - chi ngân sách); nợ Chính phủ tăng do các khoản vay nợ ODA đã đến hạn trả ngày một lớn), nợ của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước, sử dụng một số khoản ODA không hiệu quả…

Tại “Báo cáo Việt Nam năm 2035” do Ngân hàng Thế giới (WB) và Chính phủ Việt Nam phối hợp thực hiện, các chuyên gia đã chỉ rõ: Nợ công là vấn đề lớn đối với tăng trưởng và phát triển của Việt Nam trong thời gian tới. Việt Nam cần thắt chặt kỷ cương đầu tư công, vay nợ nước ngoài bằng nguồn vốn đối ứng của Chính phủ. Lập kỷ cương thu - chi ngân sách theo hướng tự chủ về thu - chi.

Nguyễn Tuyền

Mỗi người Việt đang "gánh" gần 23 triệu đồng nợ công - 2