Nợ công tăng thêm 250.000 tỉ đồng mỗi năm
(Dân trí) - Theo BVSC, mặc dù tỷ lệ nợ công/GDP không thay đổi nhưng với tốc độ tăng GDP danh nghĩa bình quân trên 10% mỗi năm, quy mô nợ công hàng năm trên thực tế có thể tăng thêm khoảng trên 250.000 tỉ đồng.
Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa công bố báo cáo chuyên đề nợ công với tiêu đề “Cần cách nhìn trực diện”.
Theo đánh giá tại báo cáo, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng liên tục với tốc độ khá nhanh, từ mức 51,7% năm 2010 lên mức 59,6% năm 2014 và ước tính sẽ đạt mức 64,3% trong năm 2017 (áp sát mức trần 65% mà Quốc hội cho phép).
Đặc biệt giai đoạn 2013-2014, việc phát hành khối lượng lớn trái phiếu Chính phủ đã khiến nợ công tăng mạnh.
Đáng lưu ý, tỉ lệ này được tính trên GDP danh nghĩa, do vậy, theo BVSC, trong những năm có lạm phát cao (giai đoạn trước 2012), GDP danh nghĩa tăng nhanh là một yếu tố giúp cho tỉ lệ nợ công/GDP ở mức thấp tương đối.
Tuy nhiên, trong 3 năm trở lại đây, bên cạnh nguyên nhân chính xuất phát từ việc gia tăng phát hành trái phiếu chính phủ, GDP danh nghĩa tăng chậm lại cũng là một yếu tố khiến tỉ lệ nợ công có xu hướng tăng tốc.
Với tốc độ tăng trưởng GDP thực tế hàng năm dự báo là 6,5% và đặt kịch bản lạm phát bình quân ở mức 4- 6% trong các năm tới, GDP danh nghĩa ước tính sẽ tăng bình quân trên 10% mỗi năm.
BVSC cho rằng, đây là một khía cạnh cần đặc biệt lưu ý vì “mặc dù tỷ lệ nợ công/GDP không thay đổi nhưng với tốc độ tăng GDP danh nghĩa như vậy, quy mô nợ công hàng năm trên thực tế có thể tăng thêm khoảng trên 250.000 tỉ đồng”.
Cũng theo nhận xét của BVSC, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đang ở mức cao hơn khá nhiều so với một số nước khác, có điều kiện phát triển tương đồng trong khu vực.
Điểm đáng chú ý là kể từ năm 2006, trong khi tỷ lệ này có xu hướng giảm dần hoặc khá ổn định tại các nước khác thì ở Việt Nam lại tăng khá rõ nét, điển hình giai đoạn từ năm 2009 cho đến nay, và khoảng cách đang dần nới rộng.
Ở một góc nhìn khác, kể cả khi bóc tách phần vay ODA, vay thương mại ưu đãi song phương và đa phương của Chính phủ ra (do phần này nhìn chung có độ an toàn cao hơn, chi phí lãi vay thấp hơn – trừ khi có biến động lớn về tỷ giá) thì tổng các khoản nợ còn lại từ phát hành trái phiếu, tín phiếu, nợ bảo lãnh… của Việt Nam vẫn đứng thứ 2 trong số các nước thuộc mẫu so sánh.
“Mặc dù đây là phép so sánh tương đối nhưng do được tính trên % GDP nên khoảng cách chênh lệch trên thực tế là rất lớn” – bản báo cáo nhận định.
Bích Diệp