Mỗi km đường sắt đô thị "ngốn" gần 2.200 tỷ đồng

(Dân trí) - Theo khái toán của Hà Nội, bình quân suất đầu tư cho mỗi km đường sắt đô thị đạt 95,8 triệu USD, tương ứng 2.182 tỷ đồng, trong đó đường sắt xây cao là 80 triệu USD (1.823 tỷ đồng), xây ngầm là 170 triệu USD (3.874 tỷ đồng).

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Như Dân trí đưa tin, theo quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, thành phố sẽ xây dựng 10 tuyến đường với tổng chiều dài là 417,8 km, trong đó 342,2 km cầu cạn và cầu cạn kết hợp đi bằng, 75,5 km đi ngầm.

Mỗi km đường sắt đô thị chi phí gần 2.200 tỷ đồng

Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40,056 tỷ USD, trong đó nhu cầu vốn cho từng giai đoạn là: từ năm 2017-2020 vốn là 7,55 tỷ USD; từ năm 2021 - 2025 vốn đầu tư khoảng 7,6 tỷ USD; từ 2026 - 2030 vốn là 3,566 tỷ USD; sau năm 2031 vốn đầu tư 21,327 tỷ USD.

Trong tờ trình gửi lên Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội đã nêu cụ thể về phương án đầu tư, giải pháp và cơ chế thực hiện các dự án đường sắt đô thị Hà Nội, trong đó tiết lộ bảng khái toán tổng mức đầu tư của 25 tuyến đường sắt.

Theo khái toán của Hà Nội, bình quân suất đầu tư cho mỗi km đường sắt đô thị đạt 95,8 triệu USD, tương ứng 2.182 tỷ đồng, trong đó đường sắt xây cao là 80 triệu USD (1.823 tỷ đồng), xây ngầm là 170 triệu USD (3.874 tỷ đồng). Tổng mức đầu tư của các dự án phụ thuộc vào vị trí, chiều dài của tuyến đường.

Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước được ưu tiên phát triển đường sắt đô thị để hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, thực tế với một loạt các dự án chậm tiến độ, đội vốn đã khiến phát sinh những khoản chi phí khổng lồ đi cùng những năm tháng dài "đằng đẵng" sống chung với công trường thi công của người dân khu vực xung quanh.

Trước đó, giới chuyên gia từng so sánh, suất đầu tư đường sắt đô thị của Việt Nam cao gần gấp đôi so với Singapore (50 triệu USD cho mỗi km đường sắt đô thị). Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải từng lý giải, sở dĩ mức đầu tư các tuyến metro ở Việt Nam cao là do phải nhập khẩu mọi thứ như toa xe, đầu máy rồi chuyên gia cũng phải đi thuê nên giá thành cao.

Đáng lưu ý, tổng mức đầu tư các tuyến metro có sự trượt giá so với mức đầu tư đã được phê duyệt là do hiện nay Việt Nam chưa có kinh nghiệm xây dựng loại hình đường sắt này. Khi bắt tay vào xây dựng, mọi thứ như đầu máy, toa xe, máy móc đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Hơn nữa, nguồn nhân lực cũng phải đi thuê nước ngoài, do vậy nhiều tuyến metro bị trượt giá .

Tổ hợp toàn dự án "tỷ USD"

Bảng khái toán cũng nêu cụ thể, với dự án Cát Linh - Hà Đông tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh đã lên mức 868 triệu USD. Theo kế hoạch ban đầu, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông thực hiện từ tháng 11/2008 tới tháng 11/2013, với tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD. Tuy nhiên, dự án chậm tiến độ, đến tháng 10/2011 mới chính thức triển khai.

Theo kế hoạch, đến tháng 10/2017, tàu đường sắt sẽ chạy thử liên động toàn hệ thống, thời gian chạy thử từ 3-6 tháng. Dự kiến, quý 2/2018 dự án sẽ đưa vào khai thác thương mại. Như vậy, bình quân mỗi km đường sắt của tuyến Cát Linh - Hà Nội đạt khoảng 66,76 triệu USD (khoảng 1.520 tỷ đồng).

Có suất đầu tư cao hơn do phải hạ ngầm 1/3 tuyến, tuyến Nhổn - ga Hà Nội dài 8,9km do thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư ban đầu là 783 triệu euro. Tuy nhiên, dự án này đã phải điều chỉnh vốn tăng lên 1,324 tỷ USD so với giá phê duyệt ban đầu. Dự án này được khởi động từ năm 2006 nhưng đến năm 2010 mới chính thức khởi công và liên tục bị chậm tiến độ, đến nay mới thực hiện được hơn 30% các hạng mục.

Tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo có tổng vốn là 1,721 tỷ USD. Tổ hợp Ngọc Hồi có tổng vốn đầu tư 312 triệu USD cho 3,9 km. Tuyến Ngọc Hồi - Hà Nội dài 11,4km có vốn đầu tư lên tới 912 triệu USD. Đoạn Ga Hà Nội - Yên Sở (Hoàng Mai) chạy ngầm 7,3km có tổng vốn đầu tư 1,241 tỷ USD.

Ngoài ra, theo bảng khái toán này: Tuyến Trần Hưng Đạo - Thượng Đình xây ngầm 5,9 km tổng vốn là 1,003 tỷ USD. Tuyến Nội Bài - Nam Thăng Long dài tổng cộng 17,4 km có tổng vốn đầu tư 1,698 tỷ USD. Tuyến Thượng Đình - Vành đai 2.5 - Bưởi chạy ngầm 7km có suất đầu tư lên tới 1,19 tỷ USD. Tuyến Văn Cao - Vành đai 4 tổng mức đầu tư đạt 1,758 tỷ USD.

Tuyến số 4 Mê Linh - Cổ Nhuế - Liên Hà dài tổng cộng 54km có tổng vốn đầu tư lớn nhất lên tới 5,49 tỷ USD. Tuyến Sơn Đồng - Dương Xá dài 49,1 km có tổng vốn 4,955 tỷ USD. Tuyến Nội Bài - Phú Diễn tổng vốn cho 25km xây trên cao là 2 tỷ USD. Tuyến Mê Linh - Dương Nội có tổng vốn 2,24 tỷ USD. Tuyến Trôi Phùng - Sơn Tây có tổng vốn 2,4 tỷ USD. Tuyến Sơn Tây - Xuân Mai kết nối các đô thị vệ tinh có tổng vốn 2,56 tỷ USD dài 32 km.

Hà Nội cũng có kế hoạch sắp xếp thời gian đầu tư từng tuyến đường, đưa vào khai thác từng giai đoạn. Tuyến Cát Linh - Hà Đông có thời hạn khai thác sớm nhất là năm 2018. Tiếp đến, năm 2022 tuyến Nhổn - ga Hà Nội, các dự án còn lại đi vào hoạt động từ sau năm 2025, 2030-2040.

Phương Dung