1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Vingroup muốn chi gần 5 tỷ USD làm đường sắt ở Hà Nội

(Dân trí) - Tập đoàn Vingroup ký biên bản ghi nhớ sẽ rót khoảng 100.000 tỷ đồng (khoảng gần 5 tỷ USD) xây dựng đường sắt đô thị tại Hà Nội.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Tại Hội nghị "Hà Nội 2017- Hợp tác đầu tư và Phát triển" diễn ra chiều 25/6, thành phố đã trao bản ghi nhớ với các doanh nghiệp để thực hiện một số dự án lớn trên địa bàn.

Trong đó, đáng chú ý, Tập đoàn Vingroup ký biên bản ghi nhớ sẽ rót khoảng 100.000 tỷ đồng (khoảng gần 5 tỷ USD) xây dựng đường sắt đô thị tại Hà Nội. Nếu được triển khai thì đây sẽ là những đoạn đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng hoàn toàn bằng nguồn vốn tư nhân.

Hiện Vingroup đang đề xuất thành phố cho phép tham gia nghiên cứu đầu tư các đoạn tuyến trong 5 tuyến đường sắt đô thị.

Cụ thể, ở tuyến số 2, tập đoàn muốn tham gia đoạn Nội Bài - Nam Thăng Long. Với tuyến số 3, Vingroup quan tâm 2 đoạn là Ga Hà Nội - Hoàng Mai (Yên Sở) và đoạn Nhổn - Trôi - Sơn Tây. Với tuyến số 5, hai đoạn được đề xuất là đoạn Văn Cao - Vành đai 4 và đoạn Vành đai 4 - Hòa Lạc. Tuyến số 6, Vingroup muốn đầu tư đoạn Nội Bài - Phú Diễn - Hà Đông - Ngọc Hồi. Trong khi đó, tuyến số 8 tập đoàn này muốn đầu tư 2 đoạn Sơn Đồng - Mai Dịch và đoạn Mai Dịch - Vành đai 3 - Dương Xá.

Đây đều là các tuyến mới trong quy hoạch, do thành phố giới thiệu cho các doanh nghiệp tham gia theo hình thức BT. Ngoài Vingroup, các tuyến trên cũng có nhiều nhà đầu tư khác đăng ký tham gia. Vingroup sẽ đầu tư 100.000 tỷ đồng và đang chờ thành phố phê duyệt. Ngoài Vingroup các tuyến trên cũng có nhiều nhà đầu tư khác đăng ký tham gia.

Theo một báo cáo của UBND thành phố Hà Nội công bố hồi đầu năm nay, kế hoạch đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 của thành phố là khoảng 126.386 tỷ đồng, bao gồm các nguồn vốn ngân sách, ODA, PPP.

Trong đó, các đường vành đai đang và sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng là Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi phục; Vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở; Vành đai 2,5 từ đô thị Ciputra đến Vành đai 3; Vành đai 3 đoạn từ Mai Dịch – Cầu Thăng Long;…

Chia sẻ với báo giới tại thời điểm đó, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đã nhận được đề xuất của 3 tập đoàn lớn trong nước tham gia xây dựng tuyến metro. Cụ thể là Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Xuân Thành....

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, Hà Nội cần chú ý kết nối giao thông từ trung tâm đến các đô thị vệ tinh. Kết nối tốt sẽ tạo ra động lực mới, khu vực nào chưa phát triển thì cần giao thông kết nối để hấp dẫn nhà đầu tư và giảm áp lực cho nội đô.

Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh thi công 2 tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội và Cát Linh - Hà Đông, nghiên cứu kết nối 2 tuyến đường sắt quốc gia, đồng thời tìm nguồn vốn để thực hiện 6 tuyến đường sắt đô thị còn lại. Nếu nhà đầu tư nội tham gia, tiêu chí nhanh, rẻ và an toàn phải được bảo đảm.

Phương Dung