1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Hụt hẫng nhìn đại siêu thị, hàng tiêu dùng, ô tô Thái Lan lấn sân

(Dân trí) - Sự có mặt của các ông chủ người Thái Lan tại các hệ thống siêu thị có tiếng và ăn khách ở Việt Nam như Metro, Big C… đang giúp hàng hoá của Thái Lan chiếm lĩnh được thị phần tốt tại Việt Nam. Mặt hàng được nhắm tới tiếp theo không gì khác là ô tô.

Theo thống kê của KPMG Việt Nam, trong 10 thương vụ M&A tiêu biểu nửa đầu năm 2016, riêng lĩnh vực bán lẻ có tới 2 thương vụ đạt giá trị giao dịch lớn nhất và đều thuộc về nhà đầu tư Thái Lan. Thương vụ đó là Central Group mua lại BigC Việt Nam với giá 1,145 tỷ USD và TCC Holding cũng mua chuỗi siêu thị Metro Việt Nam với giá 695 triệu USD.

Mua siêu thị để đưa hàng Thái vào Việt Nam

Ngoài hai thương vụ M&A lớn kể trên, thị trường bán lẻ còn chứng kiến những vụ thâu tóm nhỏ khác như năm 2013, chuỗi siêu thị nhỏ Family Mart bị tỷ phú Thái mua lại, bị đổi tên thành B'smart theo tên Tập đoàn BJC. Hay năm 2015, Power Buy cũng mua 49% cổ phần của Điện máy Nguyễn Kim với giá 200 triệu USD.


Cùng với hàng Thái, ô tô của liên doanh Thái xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam (ảnh minh họa)

Cùng với hàng Thái, ô tô của liên doanh Thái xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam (ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia, với dân số gần 90 triệu người, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.109 USD (2015), cơ cấu dân số vàng, tốc độ đô thị hóa nhanh... thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng sôi động và hấp dẫn.

Chính nhờ yếu tố này, thị trường bán lẻ Việt đã phát triển nhanh chóng. Năm 2015, quy mô thị trường bán lẻ Việt đạt 102 tỷ USD, tốc độ tăng 7,3% trong 5 năm đã qua. Dự báo 5 năm tới, tốc độ tăng trưởng ngành thương mại bán lẻ sẽ đạt 11,9%, quy mô khoảng 179 tỷ USD vào năm 2020 và mảng bán lẻ hiện đại ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ. Đây là miếng bánh hấp dẫn được người Thái để tâm, “nhìn xa, trông rộng” và nhanh chân nắm bắt.

Mua lại siêu thị, xây dựng cách quản trị mới và bước đi để các ông chủ Thái đưa hàng Thái vào Việt Nam. Đơn cử như B’Mart, chỉ sau 2 năm, 60% hàng hóa của siêu thị này là hàng Thái. Ở Metro Hà Nội nhiều gian trưng bày 100% hàng hóa “Made in Thailand” ngay tại cửa ra vào như gạo, dầu xả, dép, quần áo, đồ gia dụng, giấy ăn và giấy vệ sinh…

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội, với việc các rào cản thị trường dần bị dỡ bỏ hoàn toàn, chuyện các ông chủ Thái Lan bành trướng, mua lại các siêu thị tại Việt Nam, hàng hóa Thái có mặt tại Việt Nam với độ phủ lớn là điều dễ hiểu trong thương mại hiện đại.

Đến lượt ô tô Thái độc chiếm thị trường Việt?

Ngoài hàng tiêu dùng, ô tô nguyên chiếc Thái Lan cùng ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam. Thống kê của Tổng cục Hải quan 10 tháng, tổng lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu đạt 82.700 chiếc, đạt 1,8 tỷ USD, xe Thái chiếm gần 26.800, kim ngạch gần 500 triệu USD.

Như vậy, cứ 3 xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu thì có 1 chiếc xe đến từ Thái Lan. Thực tế này cho thấy các quốc gia có ngành công nghiệp ô tô phát triển như Thái Lan, Indonesia đang trực tiếp được hưởng lợi nhờ thuế nhập khẩu bắt đầu giảm.

Nhiều dự báo cho rằng, xe Thái Lan sẽ ồ ạt vào Việt Nam nhiều hơn nữa khi thuế nhập khẩu về 0% vào năm 2018, khi thị trường ASEAN thành thị trường chung trong Cộng đồng ASEAN..

Hiện chưa có kết luận của cơ quan chức năng nào về hàng Thái chiếm tỷ trọng ra sao và những hàng Việt nào đã bị đẩy ra khỏi danh sách cung ứng tại đây, song việc Thế giới Di động phải rời khỏi BigC hay hiện tượng B'smart là lời cảnh báo cho đầu ra cho hàng "Made in Vietnam". Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, hội nhập mở rộng thị trường nhưng phải bảo vệ sản xuất của doanh nghiệp trong nước, không ai mở cửa chỉ để nhập khẩu hàng tiêu dùng và bóp nghẹt sản xuất trong nước.

Theo phân tích của PGS.TS Trần Hoàng Ngân (Đại biểu Quốc hội TP.HCM): "Hiện độ mở kinh tế Việt Nam là 170% GDP, tức là kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam vào khoảng 340 tỷ USD, trong khi GDP là 200 tỷ USD. Trong quá trình hội nhập, độ mở của nền kinh tế quá lớn như vậy sẽ rất khó kiểm soát trước tình hình biến động kinh tế thế giới".

Nguyễn Tuyền