Việt Nam nguy cơ trở thành “vùng trũng” tiêu thụ hàng hóa Thái Lan!
(Dân trí) - “Sau 6 tháng gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, tổng kim ngạch của Việt Nam giảm đi. Hàng hóa Thái Lan tràn vào Việt Nam rất nhiều, nguy cơ Việt Nam trở thành vùng trũng để tiêu thụ hàng hóa của Thái Lan và các nước ASEAN là có thể xảy ra” - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Hội nhập, cạnh tranh, thách thức… Đó là những từ ngữ được nhắc đi nhắc lại tại Hội nghị “ĐBSCL - chủ động hội nhập và phát triển bền vững” sáng nay (12/7) tại tỉnh Hậu Giang. Hội nghị này diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thu hút sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương, các doanh nghiệp và rất nhiều nhà kinh tế, các diễn giả.
Đã đến lúc bỏ qua mỹ từ “vựa lúa” ĐBSCL?
Tham gia tham luận, câu chuyện “sân bóng” và “đội bóng” được ông Trần Hữu Hiệp - Ủy viên Chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ - gây chú ý tại Hội nghị. ĐBCSL là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước, có địa bàn nông thôn rộng lớn, lực lượng nông dân đông đảo, là vùng nguyên liệu lớn trong chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu. Tuy nhiên, theo ông Hiệp, vấn đề đặt ra là hệ quả tích cực hay tiêu cực của hội nhập quốc tế khi nước ta chính thức là thành viên của Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Khu vực thương mại tự do ASEAN (FTA), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)… như thế nào?
“Các “sân chơi toàn cầu” không tạo ra chiến thắng mà nó phụ thuộc vào cách chơi, sức chơi của “đội bóng”. Tham gia “sân chơi toàn cầu”, nông dân phải đổi mới tư duy kinh doanh nông nghiệp, tư duy về lợi thế cần được thể hiện trong một chiến lược quốc gia, vùng miền để tạo ra sức cạnh tranh hơn là quanh quẩn trong địa giới hành chính tỉnh, huyện” - ông Hiệp nêu quan điểm.
Ví von về “chiếc bánh” nông sản với những lợi thế về điều kiện tự nhiên thuận lợi cho ngành trồng trọt, chăn nuôi, các sản phẩm chủ lực như lúa gạo, trái cây, thủy sản, nhưng ông Hiệp cho rằng, cần được “chế biến” thành những “chiếc bánh” ngon hơn, bán giá cao hơn, thu lãi hợp lý hơn cho những người làm ra nó.
“Chiếc bánh ngon của mình cũng có thể thành miếng mồi ngon của thiên hạ. Mở cửa cho nước ngoài vào, chuẩn bị tâm thế và tư duy hội nhập cũng có nghĩa là chúng ta phải xác định rõ lộ trình đến khi nào ta sẽ kết thúc vai trò làm thuê, làm gia công, tiến đến làm chủ?” - ông Trần Hữu Hiệp nhấn mạnh.
Theo vị này, đã đến lúc không cần tự hào về mỹ từ “vựa lúa” dành cho ĐBSCL, hãy nhìn rộng ra thì người Việt chúng ta cũng không cần thiết phải tự hào là cường quốc số 1, số 2 thế giới về xuất khẩu lúa gạo, cà phê, cá tra, “vương quốc trái cây”. Bởi, tự hào làm chi khi là những người làm ra thật nhiều nông sản cung ứng cho toàn cầu mà dân ta vẫn còn nhiều khó khăn. Cần thương mại hóa ngành lúa gạo và sản xuất nông sản, cải thiện kinh kế, nâng cao thu nhập cư dân nông thôn để làm giàu.
“Một “sân chơi” lớn từ hội nhập chỉ là cơ hội, sức mạnh và chiến thắng chỉ đến với một “đội bóng” mạnh” - ông Hiệp khẳng định.
Hàng ngoại tấn công, hàng nội lo chết yểu!
GS. Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ - đề cập về những tác động của Hiệp định Cộng đồng kinh tế ASEAN và Đối tác xuyên Thái Bình Dương đến nông dân và doanh nghiệp Việt Nam. Theo Giáo sư, sự “va đập” với 2 khối kinh tế này không cân xứng, bởi trong khối ASEAN thì Việt Nam chỉ hơn Lào và Campuchia, trong TPP thì Việt Nam nghèo nhất, vì thế khi TPP đi vào hoạt động sẽ làm gây tác động rất lớn.
Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, tham gia các Hiệp định tự do thương mại là mở cửa thị trường, điều này đồng nghĩa với việc không chỉ những doanh nghiệp kinh doanh và ngành hàng xuất nhập khẩu phải chịu sức ép của hàng hóa nước ngoài mà hàng hóa trong những cũng sẽ chịu cạnh tranh không kém của các mặt hàng này. Vì vậy, nếu không chuẩn bị tốt thì một số ngành kinh tế nước ta sẽ bị chết yểu trước sự tấn công của hàng hóa ngoại nhập.
Câu hỏi GS. Võ Tòng Xuân đưa ra là tại sao nông dân Việt Nam phải tăng cường năng lực cạnh tranh? Câu trả lời đơn giản bởi nếu ta sản xuất hàng chất lượng thấp mà giá lại cao hơn hàng ngoại thì chắc chắn sẽ thua trên sân nhà.
Tiếp lời GS. Võ Tòng Xuân, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thông tin: “Sau 6 tháng gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, tổng kim ngạch của Việt Nam giảm đi. Hàng hóa Thái Lan tràn vào Việt Nam rất nhiều, nguy cơ Việt Nam trở thành vùng trũng để tiêu thụ hàng hóa của Thái Lan và các nước ASEAN là có thể xảy ra”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, liên kết vùng là điều kiện cần thiết để phát huy giá trị vùng, mỗi địa phương và không triệt tiêu thế mạnh của nhau, liên kết vùng là cơ sở quan trọng để tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và nền nông nghiệp ĐBSCL nói riêng. Các tỉnh, thành có thể ký kết các thỏa thuận, quy chế liên kết trong lĩnh vực có thế mạnh của mình nhất là nông nghiệp, thủy sản…
Thách thức đưa sản phẩm ra thị trường thế giới
Phó Thủ tướng nhấn mạnh đã nói nhiều tới cơ hội và thách thức, nhưng đến giai đoạn này phải nhận thức rõ hơn cơ hội nào đang và sẽ có, thách thức nào là quan trọng. Người nông dân không muốn nghe Chính phủ và chúng ta nói chung chung nữa, phải cụ thể là khi vào TPP thì thách thức của Việt Nam là gì? và của ĐBSCL là gì?
“ĐBSCL có thế mạnh về trái cây, vậy thì sự xuất hiện của trái cây của Trung Quốc, Thái Lan vào Việt Nam có cạnh tranh được không hay chỉ là hay chỉ một số phân khúc thôi? Sao ta không phát huy được thế mạnh của mình? Thách thức không phải tại nơi này mà là thách thức đưa sản phẩm ra thị trường thế giới” - Phó Thủ tướng cho biết.
Một vấn đề quan trọng khác được lưu ý là biến đổi khí hậu, theo Phó Thủ tướng đây là vấn đề rất lớn, ứng phó với biến đổi khí hậu là “bài toán” không chỉ của ĐBSCL mà là của Việt Nam nói chung. “Sống chung với lũ thì chúng ta đã có rồi, nhưng chúng ta có sống chung được với xâm nhập mặn không? Đây là bài toán của vùng và các tiểu vùng” - Phó Thủ tướng cho hay.
Lãnh đạo Chính phủ cũng đồng tình với việc đưa nhiều doanh nghiệp về ĐBSCL. Hiện toàn vùng chỉ có hơn 59.000 doanh nghiệp/580.000 doanh nghiệp của cả nước, nhưng tín hiệu đáng mừng trong 6 tháng đầu năm 2016 đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ĐBSCL đạt gần 1 tỷ USD trong khi 30 năm đổi mới FDI chỉ có hơn 18 tỷ USD và thực hiện được 16 tỷ USD, vì vậy Phó Thủ tướng khẳng định 1 tỷ USD trong 6 tháng là rất tốt.
Châu Như Quỳnh