Đổ xô mua xe bán tải, Việt Nam thành thị trường xe ô tô của Thái Lan!?

(Dân trí) - "Tôi được biết, các nhà sản xuất ô tô tại Thái Lan đang coi Việt Nam là một trong những thị trường mà họ hướng đến trong phân khúc xe bán tải bởi điều kiện đường sá, giao thông tại Việt Nam phù hợp với dòng xe đa dụng này".

Đây là chia sẻ của ông Tussin Mahamongkol, Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Thái Lan - Việt Nam với phóng viên Dân Trí trước xu hướng người Việt Nam ngày càng mua và tin dùng các dòng xe bán tải, trong đó có nhiều loại xe được sản xuất, lắp ráp tại Thái Lan như Ford Ranger, Toyota Hilux...

Theo ông Tussin, ở Thái Lan, xe bán tải là một trong những chủng loại xe có doanh số bán cao số 1 từ nhiều năm trước và hiện nay loại xe này vẫn được các luật về giao thông của Thái Lan bảo hộ về lưu thông cũng như thuế và phí. Xe bán tải (Pick up Truck) đi từ thành thị, đến nông thông, đồng ruộng và các tỉnh miền núi rất thuận tiện và ở đâu trên Thái Lan, bạn cũng bắt gặp xe bán tải chạy trên đường.

Xe bán tải đang được tiêu thụ mạnh tại Việt Nam, tháng 6 vừa qua theo VAMA dòng xe này có doanh số bán cao nhất thị trường
Xe bán tải đang được tiêu thụ mạnh tại Việt Nam, tháng 6 vừa qua theo VAMA dòng xe này có doanh số bán cao nhất thị trường

Ông này khẳng định: Chỉ cần sản xuất xe hơi thì bất cứ linh kiện gì nhà sản xuất cần, đến Thái Lan sẽ được đáp ứng. Hệ thống các vender (nhà cung ứng phụ trợ) của công nghiệp ô tô Thái Lan đã phát triển được hơn 20 năm rồi, Việt Nam nên từ từ mới có ngành sản xuất xe hơi được bởi các bạn mới xây dựng và phát triển vài năm trở lại đây.

"Tôi được biết, các nhà sản xuất ô tô tại Thái Lan đang coi Việt Nam là một trong những thị trường mà họ hướng đến trong phân khúc xe bán tải bởi điều kiện đường xe, giao thông tại Việt Nam phù hợp với dòng xe đa dụng này. Các loại xe bán tải Thái Lan cũng đang phù hợp với địa hình nông thôn Việt Nam với khả năng chuyên chở nhiều hơn và đa dụng", ông Tussin nói.

Trên thực tế, theo báo cáo của VAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam), doanh số tiêu thụ xe tháng 6 năm 2016 của dòng xe bán tải của Ford ranger trong tháng 6/2016 lần đầu tiên đứng ở vị trí số 1 với 1.429 chiếc, vượt qua doanh số bán xe của các dòng xe vốn được bán chạy nhất trong các tháng trước là Fortuner hơn 1.000 chiếc, xe Vios (746 chiếc) và Innova (553 chiếc).

Ngoài dòng xe bán tải Ford Ranger, các dòng xe bán tải khác cũng có doanh số tháng 6 cao. Trong đó Mazda BT50 cũng đạt hơn 400 chiếc trong tháng 6, sức mua ngang ngửa so với các dòng xe du lịch của hãng này. Còn Toyota Hilux- mẫu bán tải của Toyota cũng bán được hơn 336 chiếc trong tháng 6.

Các dòng xe bán tải của các hãng khác như Mitsubishi Triton, Izuzu D-Max dù có doanh số thấp hơn chỉ gần 100 xe trong tháng tuy nhiên, lũy kế doanh số 6 tháng của các hãng đều vượt so với các dòng xe du lịch cùng thương hiệu.

Theo ông Phạm Hạnh Phúc, Giám đốc một công ty nhập khẩu xe hơi tại Thanh Xuân cho hay: Từ tháng 12/2015 doanh nghiệp của ông đa chuyển toàn bộ kinh doanh sang bán sản phẩm xe bán tải. Các chủng loại xe có nhập và các lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, khách phần lớn lựa chọn xe nhập từ Thái dù xe đắt hơn khoảng 15 - 30 triệu đồng. Tính hết chi phí làm thùng, lắp cản trước cản sau, độ bánh cũng mất khoảng 50 triệu đồng.

Trên thực tế, xe bán tải ngày càng được ưa chuộng ở Việt Nam. Không chỉ ở nông thôn, tại Hà Nội, xe bán tải cũng được tiêu thụ khá nhiều, trên đường phố đã xuất hiện nhiều loại xe bán tải của Ford, Mitsubishi, Mazda, Toyota....

Theo anh Trần Mạnh Hùng, một người mới mua xe bán tải: Thuế và các loại phí xe bán tải thấp, phí làm biển mất 2 triệu đồng, trong khi đó nếu mua xe du lịch 4 chỗ, mức phí làm biển là 20 triệu đồng. Xe bán tải rất nhiều xe dùng máy dầu nên tiết kiệm nhiên liệu, công suất tiêu thụ thấp hơn. Đây là tiêu chí nhiều người hướng đến. Ngoài ra, ở các đô thị, xe bán tải có gầm cao nên khả năng chống ngập tốt hơn, xe bán tải hầu hết có dung tích từ 2.0L đến 3.0L trở nên do đó máy khỏe và chạy đường trường, đường đồi núi rất tiện.

Theo ông Tussin, tại Thái Lan, dòng xe ô tô chủ đạo là bán tải, đây là sản phẩm chủ lục làm nên thương hiệu cho các nhà lắp ráp ô tô của nước này. Dù không phải là nhà sản xuất ô tô thế giới, chỉ là nước lắp ráp nhưng công nghiệp ô tô Thái Lan đóng góp hơn 10% vào GDP của Thái Lan suốt nhiều năm qua. Đồng thời, do Thái Lan sớm xác định và xây dựng được dòng xe chủ lực để tập trung sản xuất, do đó công nghiệp phụ trợ ô tô của Thái Lan coi như là đầy đủ.

Trên thực tế, theo các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất ô tô, hiệp hội cơ khí Việt Nam, các dòng xe bán tải của các hãng tại Việt Nam đa phần nhập thiết bị linh kiện từ Thái Lan, Malaysia hoặc Indonesia, nơi có ngành công nghiệp phụ trợ phát triển. Các dòng xe chủ lực bán tải như Ford ranger, Mazda BT50, Toyota Hilux và Mitsubishi Triton, Izuzu D-Max đều nhập khẩu linh kiện và lắp ráp.

Chính vì tiêu thụ xe bán tải ở Việt Nam đang tăng, các hãng xe tại Việt Nam tăng cường nhập khẩu linh phụ kiện hoặc nhập xe nguyên chiếc, điều này vừa làm gia tăng nhập khẩu, dẫn đến nhập siêu khiến Việt Nam trở thành thị trường ưa thích cho các hãng xe Thái Lan, điều này chắc chắn ảnh hưởng đến chiến lược phát triển dòng xe chiến lược của Việt Nam thời gian tới.

Nguyễn Tuyền