1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Doanh nghiệp tố ngành thuế "bắn nhầm hơn bỏ sót", UBND tỉnh "lộng quyền"

(Dân trí) - Trong các kiến nghị mới nhất mà VCCI tập hợp, gửi lên Thủ tướng, có những kiến nghị của doanh nghiệp cho rằng ngành thuế vẫn còn tồn tại nhiều tiêu cực và có kiến nghị về việc UBND tỉnh ra nhiều quyết định "bức tử" doanh nghiệp.

Ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng cùng các thành viên Chính phủ đã đối thoại và lắng nghe phản ánh, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp.
Ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng cùng các thành viên Chính phủ đã đối thoại và lắng nghe phản ánh, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp.

Cuối tuần này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có báo cáo mới nhất về tình hình thực hiện Chỉ thị 11/TTg của Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2016.Báo cáo cũng điểm lại chi tiết một số kiến nghị của các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp.

Ngành thuế "bắn nhầm còn hơn bỏ sót"

Theo đó, một kiến nghị cho rằng, hiện nay tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam trốn thuế rất nhiều và có nhiều cách trốn thuế. Trong khi đó, ngành thuế vẫn còn tồn tại nhiều tiêu cực. Ngành thuế biết rất rõ nhưng chưa có biện pháp đủ mạnh để điều chỉnh, cải tiến mà vẫn thực hiện nhiệm vụ theo kiểu “bắn nhầm còn hơn bỏ sót”, vô tình làm khó các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc.

Do đó, theo kiến nghị, Nhà nước nên xem xét cải tiến lại hệ thống hoá đơn chứng từ, đặc biệt là thuế VAT. Hiện nay hệ thống hoá đơn chứng từ được cho là chỉ mang tính hình thức, không quản lý được về mặt thực tiễn. Kế toán các doanh nghiệp được trả lương để hợp thức hoá các hoá đơn chứng từ cho phù hợp với quy định của ngành thuế. Trong thương mại bắt buộc phải phát hành hoá đơn đầu ra để cân đối với đầu vào.

"Đây là việc vô cùng mất thời gian và hình thức đặc biệt là đối với ngành kinh doanh bán lẻ hàng chục nghìn mặt hàng và lặt vặt. Đối với việc quản lý ngành kinh doanh này nên có hình thức quản lý bằng doanh thu và hàng hoá. Hệ thống 2 sổ sách dường như là việc làm tất yếu của các doanh nghiệp để trốn thuế”, kiến nghị nêu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng kiến nghị cho rằng, do việc quản lý thuế không tốt dẫn đến việc các doanh nghiệp cạnh tranh nhau trong một môi trường không bình đẳng, nhiều tiêu cực, chụp giật. Việc hoàn thuế VAT từ nhà nước mang tính “ban phát” trong khi đó đây là quyền các doanh nghiệp được hoàn thuế. Điều này được ví như “nhà nước chiếm dụng vốn của doanh nghiệp”.

Mức thuế thu nhập doanh nghiệp đang áp dụng cũng được đánh giá là hiện nay quá cao so với tình hình và môi trường kinh doanh trong nước. Việc này làm cho các doanh nghiệp không có điều kiện tăng tích luỹ, tái đầu tư mở rộng vì vậy họ tìm cách trốn thuế. Hệ quả là nhà nước thất thu thuế và doanh nghiệp sinh ra thói quen trốn thuế, tiêu cực.

“Khi nhà nước hạ mức thuế tới mức hợp lý (chẳng hạn 15%), doanh nghiệp thấy chấp nhận được thì sẽ tự nguyện nộp thuế còn hơn là tìm cách trốn thuế đầy rủi ro với pháp luật và phải “đút lót” cán bộ thuế. Số doanh nghiệp nộp đông lên thì nhà nước sẽ thu được nhiều thuế hơn (cho dù mức thuế hạ) và hơn nữa lại tạo ra môi trường kinh doanh trong sạch và bình đẳng giữa các doanh nghiệp”, doanh nghiệp kiến nghị.

Doanh nghiệp tố UBND tỉnh "lộng quyền"

Tại văn bản kiến nghị của Thủ tướng, có trường hợp doanh nghiệp phản ánh những quy định của UBND tỉnh cũng trực tiếp gây ra những bế tắc và lo lắng cho doanh nghiệp, làm doanh nghiệp thiệt hại nhiều tiền của.

Cụ thể, với trường hợp UBND tỉnh Quảng Ninh, tỉnh này yêu cầu 100% các tàu phải bỏ màu sơn nâu truyền thống để sơn trắng làm mỗi con tàu mất thêm khoảng 30 triệu đồng cùng nhiều khoản “thiệt hại” vô hình khác như: làm mất hình ảnh thương hiệu, phải xây dựng và thay lại toàn bộ các website quảng bó cũng như bỏ đi in lại hàng triệu bản tờ rơi tập gấp do thay đổi màu sắc…. (tổng chi phí ước tính 20 tỷ đồng).

Tiếp đến là các quyết định quản lý tạm thời một số tàu du lịch với quy định ngặt nghèo về hệ số k, trang bị thêm các thiết bị cứu hoả ngoài danh mục, bọc thêm 2 lớp vỏ… khiến doanh nghiệp phải cho tàu dừng hoạt động để lo trang bị thêm như yêu cầu với những khoản chi phí tốn kém.

Gần đây nhất, trong tháng 11 và 12/2015, UBND tỉnh ra quyết định có dấu hiệu lạm quyền và trái với các quy định của Chính phủ và Quốc hội. Tháng 3/2016, Cục kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp cũng có văn bản chính thức khẳng định các văn bản của UBND tỉnh Quảng Ninh có nội dung không đúng thẩm quyền và trái quy định của Hiến pháp năm 2013, trái với luật Đầu tư 2014, Luật đường thuỷ nội địa 2004… đồng thời yêu cầu dừng ban hành và phải có ý kiến giải trình.

Tuy nhiên, kiến nghị của doanh nghiệp cho biết, sau 4 tháng, các kiến nghị của chủ tàu và ý kiến của Cục kiểm tra văn bản hầu như không được UBND tỉnh Quảng Ninh giải quyết đúng mức. Ngược lại nhiều cơ quan, đặc biệt là Hạ Long luôn căn cứ vào quyết định trên để xử phạt và dừng tàu.

Đặc biệt, theo các doanh nghiệp, ngày 21/4 vừa qua, Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh đã chủ trì cuộc họp thực hiện một Quyết định, trong đó quy định tuổi tàu chỉ được 15 năm. Điều này khiến các doanh nghiệp lo ngại dịch vụ tàu lưu trú sẽ bị “khai tử” trong một tương lai gần bởi sẽ có hàng trăm con tàu bị “bức tử” chỉ sau một vài ngày.

Phương Dung