Bắc Giang:
“Phù phép” đất của dân cho doanh nghiệp: Đang xác minh tố cáo giả mạo chữ ký
(Dân trí) - Liên quan đến việc hàng chục hộ dân tại thôn Nùa Quán - Đào Mỹ - Lạng Giang (Bắc Giang) cho công ty Anh Đào thuê đất để mở nhà xưởng sản xuất, chế biến gỗ với thời hạn 10 năm, hết thời hạn cho thuê, các hộ dân đến đòi đất thì “ngã ngửa” khi toàn bộ số đất của họ đã được UBND huyện Lạng Giang cấp thành "sổ đỏ" cho doanh nghiệp, ông Đặng Đình Hoan - Phó chủ tịch UBND huyện này cho biết đang xác minh tố cáo giả mạo chữ ký của người dân.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Đặng Đình Hoan - Phó chủ tịch UBND huyện Lạng Giang cho biết: “Vụ việc xảy ra từ năm 2003, vấn đề là phải xác định rõ là thời điểm đó nhà nước thu hồi đất chứ không phải giao đất, không phải thoả thuận. Khi người dân có ý kiến như vậy, UBND huyện Lạng Giang đã thành lập đoàn kiểm tra. Trong mấy chục hộ, những người có ý kiến, tổ kiểm tra mời hợp tác làm việc thì họ lại không hợp tác.
Có câu chuyện ký khống, giả mạo chữ ký của dân hợp thức hoá đất cho doanh nghiệp hay không, UBND huyện Lạng Giang đang làm rõ. Việc này sẽ mời cơ quan công an vào cuộc để giám định chữ ký”.
Về việc, trong một ngày, UBND huyện Lạng Giang ra 3 quyết định hành chính cho doanh nghiệp để toàn bộ diện tích đất nông nghiệp này không cần giải phóng mặt bằng, không cần đền bù cho người dân, chỉ là đất ông chủ doanh nghiệp đi thuê lại tạm thời của người dân đã đường đường chính chính được cấp sổ đỏ, biến thành đất của mình, ông Hoan cho biết khi nào có kết luận chính thức, UBND huyện Lạng Giang sẽ có thông tin đến báo Dân trí.
Như Dân trí đã thông tin, Theo tố cáo của hàng chục hộ dân tại thôn Nùa Quán, sau khi cho doanh nghiệp thuê đất, họ không hề có bất kỳ thỏa thuận hay mua bán, chuyển nhượng nào cho công ty Anh Đào. Ông Nguyễn Thế Điền, được người dân mất đất ủy quyền làm việc với các cơ quan chức năng khẳng định chắc chắn rằng: Các đơn tự nguyện trả lại đất hoàn toàn là giả mạo, người dân hoàn toàn không làm những giấy tờ đó, không ký vào bất cứ văn bản nào liên quan tới việc chuyển nhượng hay mua bán cho công ty Anh Đào.
Trong một ngày, UBND huyện Lạng Giang ra 3 quyết định hành chính cho doanh nghiệp để toàn bộ diện tích đất nông nghiệp không cần giải phóng mặt bằng, không cần đền bù cho người dân, chỉ là đất ông chủ doanh nghiệp đi thuê lại tạm thời của người dân đã đường đường chính chính được cấp sổ đỏ.
Cũng theo ông Điền, điều kỳ lạ là hồ sơ để cấp sổ đỏ cho doanh nghiệp từ đất thuê của dân phải qua thẩm duỵệt, xác minh của chính quyền cấp xã, cấp huyện rất kỹ lưỡng. Vậy tại sao đất của người dân cho thuê lại dễ dàng “nhảy” sang thành đất của doanh nghiệp?
Trong quá trình đi đòi lại đất, người dân đã phát hiện ra rất nhiều văn bản đồng ý của các cơ quan chức năng giao đất cho công ty Anh Đào cùng hàng loạt các đơn tự nguyện trả lại đất mà người dân không hề biết, không hề ký vào những văn bản đó. Nhiều người dân tại thời điểm đó đang đi làm kinh tế không có nhà cũng đều có… chữ ký đầy đủ.
Theo những văn bản tài liệu liên quan đến vụ việc, sau khi thuê được đất của người dân, ngày 30/8/2003 ông Dương Ngọc Đào - Giám đốc công ty Anh Đào đã làm đơn xin thuê đất gửi UBND xã Đào Mỹ với mục đích làm dự án nhà xưởng sản xuất, chế biến gỗ.
Sau đó, ngày 11/9/2003, UBND xã Đào Mỹ có Tờ trình số 83/TT-UB gửi UBND huyện Lạng Giang xin điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 7297m2 đất để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà xưởng sản xuất, chế biến gỗ.
Tiếp đó, ngày 15/9/2003, UBND xã Đào Mỹ lại có Tờ trình số 95/TT-UB đề nghị huyện Lạng Giang thu hồi đất cho ông Dương Ngọc Đào để làm nhà xưởng. Ngày 14/10/2003, UBND xã tiếp tục có tờ trình số 96/TT-UB gửi lên huyện đề nghị cho ông Đào thuê đất để làm nhà xưởng.
Trả lời của UBND huyện Lạng Giang khiến những người dân bống dưng mất đất phẫn nộ.
Sau khi nhận được các văn bản của UBND xã Đào Mỹ thì chỉ trong một ngày, UBND huyện Lạng Giang đã ký ban hành 3 Quyết định hành chính.
Cụ thể, ngày 29/12/2003 Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang ban hành Quyết định số 3154, đồng ý bổ sung quy hoạch sử dụng đất cho xã Đào Mỹ theo tờ trình số 83. Quyết định số 3155 thu hồi đất nông nghiệp giao 20 năm của 30 hộ dân cho ông Dương Ngọc Đào làm nhà xưởng theo tờ trình số 95.
Còn Quyết định số 3156 ngày 29/12/2003, UBND huyện cho chuyển đổi 7297m2 đất nông nghiệp. Trong đó có 7257 m2 là đất nông nghiệp hạng 4, còn lại là 40m2 đất hoang, mương. Tại quyết định này, phía UBND huyện đồng ý cho ông Đào thuê 6515m2 để xây nhà xưởng sản xuất, chế biến gỗ với thời hạn thuê là 35 năm.
Như vậy, chỉ trong một ngày toàn bộ diện tích đất nông nghiệp này không cần giải phóng mặt bằng, không cần đền bù cho người dân, chỉ là đất ông Đào đi thuê lại tạm thời của người dân đã đường đường chính chính được cấp sổ đỏ, biến thành đất của mình.
Trước sự việc kỳ lạ trên, những hộ dân bị mất đất đã làm đơn khiếu nại lên các cấp chính quyền địa phương. Tuy nhiên, trong văn bản trả lời ông Dương Ngọc Tuấn và một số hộ dân tại thôn Nùa Quán của UBND huyện Lạng Giang ngày 12/8/2014 do ông Nguyễn Văn Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang (nay là Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang) ký đã trả lời chắc nịch:
“Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang nhận được đơn đơn của ông Dương Ngọc Tuấn và một số hộ dân thôn Nùa Quán, xã Đào Mỹ (đơn do Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chuyển về) với nội dung tố cáo UBND xã Đào Mỹ cùng Phòng Tài nguyên môi trường lợi dụng chức quyền giả mạo đơn và chữ ký của nhân dân để lấy đất nông nghiệp của nhân dân giao cho doanh nghiệp Anh Đào…
Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang trả lời như sau: Qua kiểm tra xem xét cho thấy nội dung đơn là không đúng thực tế”.
Tuy nhiên, nội dung trả lời của UBND huyện Lạng Giang khiến người dân không khỏi phẫn nộ vì họ cho rằng họ không hề ký vào bất cứ một giấy tờ, hồ sơ nào “biếu” đất cho doanh nghiệp làm sổ đỏ. Vậy những chữ ký trong hồ sơ cấp sổ đỏ cho doanh nghiệp trên diện tích đất hàng chục hộ dân cho Công ty Anh Đào thuê từ đâu mà có?
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế