1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chính sách mà hay, dân sẽ tự "moi" vàng cho Nhà nước!

(Dân trí) - Hiện dư luận đang có nhiều thông tin xung quanh ý tưởng xây dựng cơ chế huy động vàng trong dân bằng chứng chỉ vàng. Có nhiều ý kiến ủng hộ chủ trương nhưng đặt ra thách thức xây dựng cơ chế, cách thức thực hiện. Nhiều ý kiến tỏ ý nghi ngờ bởi vì lợi ích ở đâu cho người dân khi chuyển vàng thật sang chứng chỉ vàng “vàng giấy” trong khi họ vẫn mù mờ các thông tin.

Phóng viên Dân Trí đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Tài chính – Ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu về vấn đề này.


Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu

Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu

Không huy động vàng cho phát triển kinh tế là điều lãng phí

Thưa ông, nói khái quát, ông đánh giá như nào về chủ trương huy động vàng trong dân bằng cách lập sở giao dịch vàng và chứng chỉ vàng?

-Tôi cho rằng, chủ trương thì đúng nhưng việc thực hiện không phải là dễ. Chủ trương đúng bởi vì số vàng trong dân hiện nay rất nhiều. Nếu không sử dụng vàng này để cho phục vụ phát triển kinh tế là một điều lãng phí và tiềm ẩn nhiều nguy cơ vàng hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, để làm cách nào lấy được số vàng này ra là cả một quá trình và không dễ thực hiện.

Làm sao để lấy ra được là câu chuyện khó. Chúng ta đang có chủ trương chống vàng hóa thì việc này không thể để cho Ngân hàng Thương mại được quyền làm được, cơ quan duy nhất có thể huy động được là Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, làm cách nào để người dân tin tưởng thay vì thói quen cầm vàng trong tay thì họ có yên tâm khi cầm 1 tờ giấy hay không? Cái này chúng ta phải nghiên cứu cơ chế và tìm hiểu phản hồi thị trường để ra chính sách sát thực tiễn.

Nếu chứng chỉ vàng được phát hành ở Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì chắc chắn niềm tin sẽ cao hơn bởi rủi ro vỡ nợ, mất thanh khoản sẽ bằng 0. Chỉ có những đất nước bạo động thì mới không thể thu hút được cách làm này. Vấn đề ở đây là làm sao truyền tải để người dân hiểu được lợi ích cầm “vàng giấy” có tiền, có lãi suất thay vì cầm vàng thật, không có lãi.

Hiện dư luận đang băn khoăn, nếu họ gửi vàng, nhận chứng chỉ vàng thì chất lượng vàng có đảm bảo hay không? Ai sẽ đứng ra đảm bảo vàng đó là chuẩn và có thể bán lại được cho các doanh nghiệp (DN) nếu họ cần?

-Không chỉ nỗi lo về chất lượng vàng, mà người dân còn đang lo về thời hạn họ rút vàng ra có đúng với cam kết của Ngân hàng Nhà nước không. Cái này NHNN phải quy định rõ, nêu rõ để người dân tin rằng: Gửi vàng lúc nào và rút vàng ra lúc ấy đều đảm bảo họ được quyền và được lãi suất cũng như đảm bảo chất lượng loại vàng đã gửi. Tức là tính thanh khoản của vàng tương đương với tiền, chứng khoán.

Nếu không trả bằng vàng thì phải trả tiền tương đương với giá trị thị trường thời điểm đó. Phát hành chứng chỉ là một chuyện, còn để người dân tin là một chuyện khác, một quá trình. Bên cạnh đó, chứng chỉ đó phải được quyền chuyển nhượng, bán, biếu, tặng, thế chấp.... chức năng và quyền phải tương tự như vàng thật. Nếu chứng chỉ vàng có giá trị thanh khoản cao như vậy thì tôi nghĩ chẳng người dân nào không moi vàng ra gửi cho Nhà nước.

Trên thế giới, mô hình chứng chỉ tiền gửi cũng được một số nước phát hành chứng chỉ vàng như Ấn Độ. Thực tế, sở hữu vàng trong dân chủ yếu tập trung ở các quốc gia Châu Á, nơi theo đạo Phật. Còn các nước phương Tây dân không giữ vàng mà họ sẽ tìm mọi cách để chuyển đổi kinh doanh sao cho lợi nhuận nhất. Chính vì dân nắm giữ vàng quá nhiều, do đó cứ có biến động vàng tăng hoặc giảm lượng người thiệt hại vì vàng cũng rất lớn. Vàng hóa nền kinh tế sẽ ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác, trong đó nhiều nhất là chính sách lãi suất, các công cụ phái sinh để điều hành kinh tế ngắn, trung hạn...

Hầu hết vàng trong dân, hiện tại chủ yếu là nữ trang, chắc chắn việc gửi vàng sẽ phải đưa quy định một hoặc một số chủng loại vàng theo quy định. Như vậy, phát sinh chi phí cho người dân, chi phí xã hội để chuyển đổi? Như vậy sẽ làm giảm sức hấp dẫn của chủ trương và chứng chỉ vàng?

-Đúng là trong lĩnh vực tài chính, chủ trương chính sách đưa ra càng cụ thể, tỉ mỉ và sát thực tế thì hiệu quả thực hiện sẽ càng cao. Đúng là khi huy động vàng bằng hình thức chứng chỉ tiền gửi, chúng ta phải đưa ra quy chuẩn, tiêu chuẩn chủng loại vàng, chất lượng vàng. Không phải vàng nào cũng gửi được.

Người dân vẫn có nhiều người giữ vàng miếng. Quan trọng là phải làm sao để người dân hiểu: Chủ trương và lợi ích đúng đắn, từ đó họ tự nguyện chuyển đổi, điều này chắc chắn người dân sẽ phải tính toán thiệt hơn. Tôi cho rằng, người dân, mỗi người có một cách tính, một suy nghĩ.

Hiện nay, chưa có thống kê rằng, loại vàng nào trong dân là nhiều, vàng miếng, vàng trang sức, nữ trang để đưa ra lời khuyên cho các nhà hoạch định chính sách và giúp người dân hiểu được chủ trương. Tôi cho rằng, nếu chúng ta làm tốt chủ trương này, thì đây là cơ hội lớn để phát triển đất nước, gia tăng tài sản cho NHNN. Đồng thời, nó cũng là cơ hội kinh doanh, kiếm lời cho người dân. Tuy nhiên, nếu không tính toán, cân nhắc chính sách chỉ cần sai một chi tiết thôi, thị trường sẽ phản ứng tức thì và không có cơ hội cho chúng ta làm lần thứ 2.

Hiện nay, để đảm bảo vấn đề không quá nóng, tôi kiến nghị giải pháp là: NHNN đứng ra huy động bằng cơ chế, chính sách, chỉ định hoặc đặt địa điểm ở các cơ sở của ngân hàng thương mại để làm nhiệm vụ huy động vàng của người dân. Tất nhiên, quản lý nghiệp vụ vẫn phải là NHNN, chứ không để cho NHTM.

Tiền, vàng của dân: Muốn huy động, dễ cũng rất dễ mà khó cũng rất khó

Để cho chủ trương đúng từ hoạch định chính sách đến thực tế cần một quá trình từ nghiên cứu chính sách, thử nghiệm và nhận phản ứng thị trường, theo ông, việc này đối với huy động vàng có khó và chúng ta cần thời gian bao nhiêu lâu?

-Đúng là chúng ta đang ở bối cảnh, tiền của dân, vàng của dân có, họ đều là hợp pháp, bây giờ lấy ra như nào? Dễ rất dễ và khó rất khó. Chỉ cần thị trường minh bạch, dân tin vào chính sách thì không ai hy sinh lợi ích cá nhân để giữ đống vàng, trong khi thị trường nhảy múa và người khác hưởng lợi cả. Đừng nói chuyện, người dân không góp vàng phát triển đất nước như trước đây. Thời điểm hiện nay, phải đặt song hành 2 lợi ích và lợi ích của thị trường, người dân là trên hết, điều ấy mới phát triển bền vững được.

Có nhiều ý kiến cho rằng, 10 - 20 năm trước, người dân bỏ tiền ra mua trái phiếu phát triển đất nước với mệnh giá 10.000 đồng, có người bỏ nhiều tiền hơn. Giá trị lúc ấy 10.000 đồng là rất lớn, nhưnng 20 năm sau, chúng ta chưa đủ để ăn bát bún phở? Giá trị tiền đã bị trượt theo lạm phát, dẫn đến lo ngại khi Nhà nước huy động vàng theo hình thức chứng chỉ như này? ông nghĩ sao?

-Thực ra, người dân đang hiểu nhầm chính sách; trái phiếu Chính phủ phát hành dài hạn, mệnh giá thấp. Còn chứng chỉ vàng không thể phát hành dài hạn được, cùng lắm 2 năm thôi; trung bình cũng chỉ 6 tháng, 1 năm. Như vậy, những biến động về lạm phát, trượt giá sẽ không làm hao mòn giá trị của người dân. Bên cạnh đó, chính sách huy động vàng phải đảm bảo tính thanh khoản tốt, khi người dân cần, không căn cứ vào chứng chỉ vàng, họ được quyền rút ngay.

Nhắc lại câu chuyện trái phiếu, có thể những người mua hàng triệu đồng trái phiếu trước đây đã mua ở thị trường thứ cấp, nên giá cao, còn nếu mua ở thị trường sơ cấp thì mức giá sẽ không đến mức đắt như vậy.

Việc huy động vàng trong dân, nếu quy chuẩn buộc tất cả quy đổi vàng ra vàng miếng SJC thì dự đoán sẽ dẫn đến cuộc đầu cơ vàng miếng, lợi ích nhóm của các cá nhân tổ chức. Ông đánh giá sao về khả năng này và chúng ta nên làm gì?

-Đây là điều sẽ xảy ra và trước mắt chúng ta có hệ thống công cụ tài chính để can thiệp thị trường vàng rồi. Đảm bảo lượng vàng đúng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn đủ cung ứng ra thị trường. Các doanh nghiệp vàng buộc phải cam kết đồng hành chính sách của Nhà nước trong thời gian đầu như : không đầu cơ, không nhảy giá.

Còn ở đâu đó các nhóm lợi ích vẫn có, họ vẫn mua vào vàng miếng, nhưng tôi nghĩ không có DN, tổ chức và cá nhân nào đủ để chi phối vàng miếng SJC trên thị trường hiện nay bởi chúng ta đủ luật, đủ cách công cụ giám sát. Còn nếu việc nhóm lợi ích nào mua vàng miếng, tích tụ tiền vào vàng miếng để gửi chứng chỉ vàng thì đây là quy luật thị trường, họ thấy lợi họ làm cũng như trong các lĩnh vực chứng khoán hiện nay vậy, không ảnh hưởng quá tiêu cực đến đại bộ phận.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Tuyền

(Thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm