1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thị trường vàng sôi sục: Huy động vàng trong dân, nên chăng?

(Dân trí) - Tái khởi động huy động vàng có thể kích thích tâm lý găm giữ vàng, tác động không ít đến tỷ giá và không có lợi cho nền kinh tế lẫn người dân bởi giá vàng biến động khó lường.

Gần đây, nhiều quan điểm đề cập đến việc cần thiết thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia và vấn đề huy động vàng trong dân, điều này giúp tránh lãng phí một nguồn vàng lớn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, việc huy động vàng trong dân chứa ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là sự biến động về giá.

Nhiều rủi ro nếu huy động vàng

Theo TS. Trần Hoàng Ngân, giá vàng thế giới biến động khó lường, người dân nắm giữ vàng trong khi giá cả của nó được quyết định bởi giá quốc tế, ngoài tầm kiểm soát, khó dự báo; thậm chí có thời điểm còn bị làm giá khiến không ít cá nhân, tổ chức ở Việt Nam phải lao đao những năm trước. Do đó, TS. Trần Hoàng Ngân cho rằng, việc tái khởi động huy động vàng có thể kích thích tâm lý găm giữ vàng, tác động không ít đến tỷ giá và không có lợi cho nền kinh tế lẫn người dân bởi giá vàng biến động khó lường.

Thực tế, thời gian qua, vàng cũng luôn gây áp lực lên việc điều hành tỷ giá, quỹ dự trữ ngoại hối thâm hụt khi hàng tỉ USD mỗi năm thường xuyên bị chảy ra nước ngoài để nhập vàng. Nhưng rủi ro lớn nhất nằm ở sự biến động dữ dội của giá vàng trước các "cơn sóng ngầm" từ thế giới. Mới đây nhất là sự kiện Anh quyết định rời EU, giá vàng trong nước theo đà tăng của giá vàng thế giới cũng nhanh chóng cán mốc 37 triệu đồng/lượng, từ mức gần 34 triệu đồng/lượng, rồi lên mức gần 40 triệu đồng/lượng vào chiều ngày 6/7. Giả sử lúc đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vay vàng của dân, liệu rằng có thể đảm bảo chắc chắn sẽ mua đủ vàng để trả? Hoặc quỹ dự trữ ngoại hối sẽ bị thâm thủng bao nhiêu khi mỗi lượng vàng đã vay bị đội lên gần 3 triệu đồng/lượng?


Thị trường vàng sôi sục: Huy động vàng trong dân, nên chăng?

Thị trường vàng sôi sục: Huy động vàng trong dân, nên chăng?

Việc huy động, dù là do Nhà nước hay tổ chức tín dụng thực hiện thì trên thế giới đều chưa có tiền lệ. Một chuyên gia kinh tế nêu vấn đề, nếu huy động vàng rồi hoán đổi ra ngoại tệ thì có rủi ro kép về tỷ giá. Khi huy động rồi gửi ra thị trường quốc tế kỳ hạn rất dài, 9 tháng đến 1 năm, lãi suất rất thấp, trong khi người dân lại gửi ngắn hạn, như vậy sẽ mất cân đối kỳ hạn, đến ngày dân rút vàng mà không có vàng thì NHNN phải nhập để trả. Điều này sẽ gây tác động dây chuyền đến tình trạng ngoại hối của NHNN.

Hiện thị trường còn tranh cãi xung quanh câu chuyện Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI huy động vàng trả lãi thời gian qua. Chưa rõ đúng - sai, DOJI có được phép huy động vàng hay không nhưng thiệt hại trong trường hợp này lại có thể chính là người gửi vàng. Bởi DOJI huy động vàng nhưng nếu giá vàng biến động, thanh khoản khó khăn, thì ai sẽ bảo vệ người gửi vàng khi chưa có hành lang pháp lý đảm bảo quyền lợi cho đối tượng này.

Bình luận về kiến nghị nên cho doanh nghiệp vay vàng của dân, một chuyên gia cho rằng, trường hợp doanh nghiệp vay vàng của dân sẽ đặt rủi ro cho chính doanh nghiệp vì bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường, giá vàng biến động thất thường, thì việc vay vàng, trả nợ vàng cũng tạo rủi ro không nhỏ với doanh nghiệp. Còn đối với người dân khi cho doanh nghiệp vay vàng sẽ đối mặt rủi ro mất vốn nếu doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không hiệu quả. Chưa kể đến việc chủng loại vàng vay của dân và sản phẩm vàng do doanh nghiệp sản xuất ra khác nhau.

Cân nhắc nếu thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia

Nhiều chuyên gia nêu quan điểm, việc huy động vàng trong dân và thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia là không khả thi, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

TS. Cao Sỹ Kiêm lo ngại nếu huy động vàng trong dân mà Nhà nước không kiểm soát tốt thì hiện tượng đầu cơ, nguy cơ “vàng hóa “ trong nền kinh tế có thể trở lại, trong khi đó, nhiệm vụ hàng đầu của NHNN là giữ ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng. Ông Kiêm nói: “Chúng ta đã chống vàng hóa thành công, giờ lại đuổi theo mà không kiểm soát được rất có thể tạo ra sự hỗn loạn trên thị trường vàng, tạo cơ hội cho các hoạt động đầu cơ, kinh doanh chụp giật, thậm chí lừa đảo trên thị trường vàng, rất nguy hiểm”.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia là không cần thiết. TS. Vũ Đình Ánh cảnh báo về hệ lụy của việc huy động vàng trong dân là nguy cơ vàng hóa nền kinh tế có thể trở lại. Ông nói: “Vấn đề không phải là huy động vàng trong dân, vấn đề là làm sao để người dân không tập trung vào vàng. Huy động vàng trong dân có thể kéo theo những hệ lụy khác. Nếu chúng ta cứ trao cho vàng chức năng như một loại tiền tệ hay công cụ tài chính thì có thể sẽ lại quay về tình trạng vàng hóa nền kinh tế”.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, điều cần làm là tạo ra một môi trường đầu tư để thay vì mua vàng, người dân sẽ đầu tư và tìm kiếm lợi nhuận, làm tài sản sinh sôi nảy nở thông qua các kênh đầu tư khác. “Lựa chọn hình thức nào thì lựa chọn, mục tiêu quan trọng vẫn là làm sao để người dân có kênh đầu tư hiệu quả hơn việc tích trữ vàng. Từ đó, họ sẽ không tích trữ vàng mà sử dụng nguồn lực tiền tệ của mình cho các mục tiêu đầu tư, phát triển, sinh lợi kể cả trực tiếp hay gián tiếp” -TS Vũ Đình Ánh nói.

Theo chuyên gia kinh tế TS Bùi Quang Tín - Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, đề xuất của VGTA để hút 500 tấn vàng trong dân là không khả thi. Nếu thành lập Sở giao dịch vàng thì hiện nay chỉ đáp ứng cho hai đối tượng. Một là, đáp ứng cho cá nhân tham gia sàn giao dịch vàng để đầu cơ, lướt sóng. Đây là những đối tượng tạo ra những cơn biến động vàng của thị trường vàng và tỷ giá USD trước đây. Hai là, đáp ứng cho các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại muốn tham gia vào để đầu cơ lướt sóng và kiếm lợi nhuận. Theo TS Tín, hai đối tượng này chưa được Nhà nước khuyến khích, bởi cách kinh doanh này không nhằm phát triển dịch vụ, sản xuất và đầu tư đem lại lợi ích cho nền kinh tế, thậm chí còn làm mất ổn định thị ttrường tài chính tiền tệ.

Phương Linh