Thừa Thiên Huế:

Thầy giáo 8X nuôi dạy trẻ mầm non

(Dân trí) - Sinh năm 1988, thầy Phạm Văn Bảy hiện là giáo viên mầm non trường Mầm non Phú Sơn (xã vùng cao Phú Sơn, Thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế). Nhân dịp ngày 20/11, thầy giáo quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa đã có nhiều chia sẻ trải lòng, tâm huyết về nghề chỉ dành cho cô giáo.

Được xem là giáo viên nam dạy mầm non hiếm hoi ở tỉnh Thừa Thiên Huế và cũng như trên cả nước, tốt nghiệp khoa Sư phạm mầm non Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) xong, thầy Bảy nộp đơn và trúng tuyển viên chức vào trường mầm non Phú Sơn cuối năm 2010. Khăn gói rời quê vào Huế lập nghiệp, biết bao khó khăn từ đó đến nay nhưng không làm thầy nản lòng.

“Nhiều bạn bè của mình nói sao lại đi dạy mầm non, nhiều lời bàn tán lắm nhưng vì niềm đam mê đối với con trẻ, ví như ở nước ngoài các thầy dạy mầm non rất tốt, cớ sao mình thích nhưng lại không theo nghề đã chọn, thế là em bắt đầu công việc tại Huế.

Thời gian đầu, giọng nói của mình khá khó nghe đối với cô giáo trong trường và nhất là các trẻ nhỏ tuổi. Nhưng do mình dùng từ phổ thông, nói chậm và quan tâm hết mình đối với các cháu nên sau vài năm đầu, học sinh trường đều quen giọng mình, thậm chí có nhiều cháu còn “nhiễm” một số từ ở xứ Thanh mình” – thầy Bảy vui vẻ chia sẻ.

Thầy Bảy dạy từ ngữ cho các trẻ
Thầy Bảy dạy từ ngữ cho các trẻ

Công việc một người giáo viên đứng lớp mầm non của thầy Bảy giống y hệt các cô giáo, từ việc dạy kỹ năng, dạy âm nhạc, dạy các cháu làm quen với Toán học, Hóa học, thơ ca, kể chuyện, thể dục cho đến việc xem bữa ăn, đút cơm, dỗ giấc ngủ trưa cho các em… Theo thầy, việc dạy mầm non cũng như việc chăm sóc con nhỏ trong gia đình, người đàn ông nếu biết quan tâm gia đình, con cái thì sẽ đỡ đần được rất nhiều cho vợ.

“Có nhiều lúc các cháu đau bụng quýnh quá đi vệ sinh luôn ra lớp, mình thu dọn lau chùi và cho cháu uống thuốc, nằm nghỉ ngơi. Mình xem cháu như con của mình trong nhà thì không thấy việc đó là ngại ngùng gì cả.

Dỗ các cháu ngủ trưa
Dỗ các cháu ngủ trưa

Rất may mắn là mình quen, lấy vợ là cô giáo cùng trường ở vùng này nên có được người chia sẻ công việc. Sau 6 năm dạy học đến giờ, mỗi lúc gặp học sinh giữa đường gọi “thầy Bảy, thầy Bảy” thì trong lòng rất vui vì mình đã làm cho các em nhớ và quý mến” – thầy Bảy kể.

Cô Nguyễn Thị Bòng, Hiệu trưởng Mầm non Phú Sơn trao đổi, từ ngày thầy Bảy về trường dạy thì cả xã đều ngạc nhiên. Phụ huynh đưa con đến trường cứ nán lại thêm vài phút nhằm thấy mặt thầy giáo “hiếm” và “lạ” này. Các cô giáo nói chuyện với thầy thời gian bị “lây” luôn giọng thầy. Trường toàn cô giáo, do có thầy nên “cân bằng” được không khí. Mọi người ai nấy đều vui vì không những được thầy Bảy đỡ đần công việc nặng, mà vì tính thầy rất vui vẻ, hài hước.

“Ở Huế đàn ông hay có tính gia trưởng khi ít làm việc nhà. Nhưng chúng tôi thấy đàn ông Bắc làm hết mọi thứ, thầy Bảy là ví dụ điển hình, có thầy trong trường các cô giáo đều rất vui, cả tập thể gần gũi như chị em trong cùng một nhà” – cô Bòng thổ lộ.

Cô Nguyễn Thị Bòng, Hiệu trưởng Mầm non Phú Sơn và thầy Phạm Văn Bảy vui vẻ kể lại những kỷ niệm việc dạy trẻ mầm non
Cô Nguyễn Thị Bòng, Hiệu trưởng Mầm non Phú Sơn và thầy Phạm Văn Bảy vui vẻ kể lại những kỷ niệm việc dạy trẻ mầm non

Sau vài năm, do thấy thầy khá vất vả với các lớp bé, nhà trường linh động bố trí thầy dạy ở lớp lớn. Trong lớp lớn gồm thầy Bảy và một cô. Thầy Bảy đảm nhận chính phần dạy, giáo dục cháu. Còn phần chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh cho cháu được cô giáo kia đảm trách.

Những dịp lễ, đặc biệt là ngày dành cho chị em như mùng 8/3, 20/10, thầy Bảy cũng “biến” thành cô khi cùng sinh hoạt, tổ chức vui vẻ trong tập thể toàn phụ nữ. Nhưng vì là “của hiếm” nên thầy Bảy khá được các cô giáo chiều chuộng. Để “cân bằng” cuộc sống khi cả ngày gặp phụ nữ, thầy Bảy cho biết ngoài giờ dạy, thầy tham gia hầu hết các hoạt động thể thao ở thôn, xã như bóng đá, cầu lông.

Hiện thầy Bảy là Bí thư đoàn trường, Tổ trưởng tổ chuyên môn khối mẫu giáo. Qua nhiều sự sáng tạo, năng nổ trong công việc, thầy đạt được nhiều thành tích đáng nể như giải Nhất giáo viên dạy giỏi cấp thị xã, giải Nhất hùng biện về an toàn giao thông, 3 năm liên tiếp là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở… Thầy Bảy cho biết bản thân sẽ gắn bó lâu dài với ngành mầm non vì nghề chăm trẻ giờ đã thành máu thịt với thầy mất rồi.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay, thầy Bảy kính chúc các đồng nghiệp sẽ luôn yêu nghề, yêu trẻ nhỏ và làm được nhiều việc tốt cho các em phát triển nên người, thành con ngoan trò giỏi cho gia đình và xã hội.

Trường Mầm non Phú Sơn thuộc vùng cao thuộc Thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế hiện đang còn nhiều điều kiện khó khăn. Tuy nhiên tập thể trường rất cố gắng bám trụ, huy động trẻ đi học ngày càng nhiều và luôn dạy học tốt. Toàn trường hiện có 123 cháu. Trường đã được công nhận Tập thể lao động tiên tiến, Công đoàn vững mạnh xuất sắc, Chi bộ trong sạch vững mạnh nhiều năm liền.

Giờ hoạt náo của thầy Bảy luôn được các học sinh đón nhận nhiệt liệt
Giờ hoạt náo của thầy Bảy luôn được các học sinh đón nhận nhiệt liệt

Thầy đánh đàn rất hay cho các cháu hát
Thầy đánh đàn rất hay cho các cháu hát

Các cháu trường mầm non vùng cao này đều tỏ ra rất yêu quý thầy Bảy
Các cháu trường mầm non vùng cao này đều tỏ ra rất yêu quý thầy Bảy

Chăm sóc buổi ăn cho các cháu
Chăm sóc buổi ăn cho các cháu

Thầy và trò vui vẻ trước giờ ngủ trưa
Thầy và trò vui vẻ trước giờ ngủ trưa

Video:

Gặp thầy giáo dạy trẻ mầm non "hiếm" tại Huế

Đại Dương

Dòng sự kiện: 34 năm Ngày Nhà giáo VN