Hà Nội:

Bài 5: Một người dân bình thường không thể “nhảy dù” vào “xẻ thịt” công viên Tuổi trẻ

(Dân trí) - “Một người dân bình thường không thể vào "xẻ thịt" công viên tuổi trẻ được. Cơ quan chức năng TP Hà Nội phải vào cuộc làm rõ ai là người buông lỏng quản lý, ai là người ký cho "xẻ thịt" đất công viên. Và quan trọng, số tiền cho thuê đất trái pháp luật ấy là bao nhiêu, đã dùng để làm những gì?”, bạn đọc Dân trí bức xúc.

Công viên Tuổi trẻ Thủ đô được đầu tư xây dựng nhằm phục vụ các hoạt động sinh hoạt công cộng của thanh thiếu niên, cùng đông đảo người dân sinh sống trong khu vực. Tuy nhiên, từ năm 2010 - 2012, hàng loạt công trình vi phạm “khủng” vô tư mọc trên các ô đất vốn được phê duyệt quy hoạch làm khu vườn hoa, cây xanh, sân tập thể thao công cộng... nhưng không bị xử lý kiên quyết. Đến nay, những công trình khủng “hái ra tiền” này vẫn tồn tại như một sự thách thức pháp luật, dư luận và chính quyền các cấp TP Hà Nội.

Bài 5: Một người dân bình thường không thể “nhảy dù” vào “xẻ thịt” công viên Tuổi trẻ - 1

“Một người dân bình thường không thể “nhảy dù” vào “xẻ thịt” công viên Tuổi trẻ”.

Sau khi báo Dân trí có loạt bài điều tra, quyêt liệt phản ánh sự việc, hàng trăm bạn đọc đã có ý kiến trao đổi bày tỏ thái độ của mình.

Nhiều bạn đọc búc xúc đặt ra câu hỏi về trách nhiệm cá nhân ký quyết định cho doanh nghiệp thuê đất công viên và số tiền thu được là bao nhiêu, được sử dụng thế nào.

Bạn đọc Ma Văn Lả: “Một người dân bình thường không thể vào "xẻ thịt" công viên tuổi trẻ được. Cơ quan chức năng TP Hà Nội phả vào cuộc làm rõ ai là người buông lỏng quản lý, ai là người ký cho "xẻ thịt" đất công viên. Và quan trọng, số tiền cho thuê đất trái pháp luật ấy là bao nhiêu, đã dùng để làm những gì?”.

Bạn đọc Vu_Minh: “Tôi đề nghị cách chức giám đốc Công Viên Tuổi trẻ Thủ Đô, xem xét trách nhiệm Chủ tịch phường, Chủ tịch quận, thu hồi lại những mảnh đất đã bị dân lấn chiếm, sự việc rõ như ban ngày cần gì phải bàn nhiều làm gì? Trả lại đất, trồng cây, để nhân dân lấy chồ vui chơi, không khí thoáng đãng”.

 

Bài 5: Một người dân bình thường không thể “nhảy dù” vào “xẻ thịt” công viên Tuổi trẻ - 2
Bài 5: Một người dân bình thường không thể “nhảy dù” vào “xẻ thịt” công viên Tuổi trẻ - 3

 

Bài 5: Một người dân bình thường không thể “nhảy dù” vào “xẻ thịt” công viên Tuổi trẻ - 4

Cơ quan chức năng cần làm rõ, công khai số tiền cho thuê đất "xẻ thịt" công viên là bao nhiêu, đã dùng để làm những gì?

Bạn đọc Nguyễn Thành: “Ai đang thụ hưởng tiền thuê hàng tháng của các doanh nghiệp này nhỉ? đếm sơ sơ cũng không ít đâu, trong thời gian dài cũng thành gia tài kha khá đấy chứ! Sướng thật”.

Bạn đọc Hoàng Anh Tuấn: “Cần rà soát kỹ lưỡng quỹ đất đang bị lấn chiếm. Trong cuộc họp đưa ra các lô đất cần giải tỏa, cưỡng chế vẫn còn thiếu. Tiến tới kể cả các lô đất được duyệt theo phương án của quận Hai Bà Trưng cũng phải dừng kinh doanh vì đất công viên chỉ dành cho người dân vui chơi không phải nơi kiếm tiền cho một số người. Phải xây tường bao ngay sau khi cưỡng chế để không bị tái lấn chiếm”.

Bạn đọc Nguyen Anh Tuan: “Không có chuyện "dân đen" ngang nhiên làm được những việc ấy vì hệ thống cơ quan chức năng Việt Nam rất dày đặc và ưu việt. Tại sao không đặt vấn đề ai đã tiếp tay cho các công trình ấy ngang nhiên xây và tồn tại.

Bạn đọc Thai Binh Tinh: “Tại sao không xử lý những người đã cho phép hoặc làm ngơ cho công viên bị xẻ thịt”.

Nhiều bạn đọc Dân trí bày tỏ sự thiếu tin tưởng vào kết quả giải quyết cuối cùng vụ “xẻ thịt” công viên.

Bạn đọc Nguyễn Tâm: “Vụ này yêu cầu Thanh tra chính phủ vào cuộc, không để cho riêng Hà Nội xử lý. Đây không thể một người dân bình thường vào làm phá vỡ dự án này được, mà có sự hậu thuẫn đằng sau có chức có quyền mới lộng hành như vậy nên chán thật nhìn thấy mà đau lòng”.

Bạn đọc Jian Nguyen: “Công viên Tuổi trẻ cần nghiêm khắc nhìn nhận tình trạng lấn chiếm và cho thuê sai mục đích sử dụng như hiện nay. Mình ở khu vực này nên chỉ mong công viên cải tạo các thảm cỏ xanh và có nhiều chỗ cho con vui chơi hơn theo hướng của Công viên Nghĩa Đô thôi.”

Bạn đọc Quang Anh: “Có cưỡng chế vào mắt! Tòan là các sân sau của các ông chứ đố anh dân thường nào dám to gan, cũng giống như những nhà hàng nổi ở Hồ Tây, bao nhiêu năm vẫn trơ trơ cùng tuế nguyệt”.

Bạn đọc Hoàng Anh Tuấn: “Điều vô lý hết sức là các cháu nhỏ chơi trong công viên Tuổi Trẻ còn bị các doanh nghiệp cho bảo vệ ra đuổi khỏi khuôn viên mà họ chiếm của công viên. Hoan nghênh báo Dân trí phản ánh sự việc này cho dù biết rằng nói nhiều năm nay cũng không giải quyết được việc gì. Đáng buồn!”.

Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm sự việc gây bức xúc dư luận, tháng 7/2015, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã có Văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng khẩn trương xử lý các công trình vi phạm. Văn bản chỉ đạo yêu cầu, “...Sở Xây dựng Hà Nội khẩn trương tổ chức, xử lý dứt điểm toàn bộ vi phạm trật tự xây dựng tại công viên Tuổi trẻ Thủ đô và chịu trách nhiệm trước thành phố về tiến độ, kết quả xử lý. Hoàn thành trong tháng 8/2015...”.

Đến tháng 8/2015, UBND TP. Hà Nội tiếp tục ban hành Văn bản đôn đốc: “UBND quận Hai Bà Trưng chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Quy hoạch kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng, Công an TP. Hà Nội kiểm tra toàn bộ các hoạt động của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trong công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Xác định nguyên nhân, nguồn gốc các công trình vi phạm, các hoạt động kinh doanh không đúng quy định, báo cáo UBND trong tháng 8/2015”.

Sở Xây dựng yêu cầu quận Hai Bà Trưng, sau ngày Quốc khánh (2/9) tập trung xử lý vi phạm một số hạng mục: Các sân bóng mini nằm trên đất được quy hoạch trồng cây xanh, làm vườn hoa; tháo dỡ mái che sân tennis, các sân tennis nằm ngoài số lượng được phê duyệt; xử lý tình trạng tái lấn chiếm của 17 hộ dân trên phần đất đã giải phóng mặt bằng phía mặt đường Võ Thị Sáu; xử lý một số quán karaoke - nhà hàng đang hoạt động trong khuôn viên công viên Tuổi trẻ Thủ đô.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế - Ngọc Cương