1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Yêu cầu thực hiện nghiêm quy định bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Nội vụ yêu cầu các bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm quy định bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy; hướng dẫn người dân thống nhất sử dụng Cơ sở dữ liệu dân cư, mã số định danh cá nhân.

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Nội vụ, đến nay 19 nghị quyết chuyên đề về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư chưa hoàn thành thực thi.

Dù trước đó Chính phủ yêu cầu rà soát, sửa đổi 48 thông tư, quyết định, văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền có quy định việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, xác nhận thông tin tại nơi cư trú phải hoàn thành trước 20/3 nhưng đến nay, việc triển khai của các đơn vị còn chậm.

"Mới chỉ có Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động sửa đổi, bổ sung các thông tư thuộc thẩm quyền", Bộ Nội vụ cho hay.

Yêu cầu thực hiện nghiêm quy định bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy - 1

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: Phạm Thắng).

Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp. Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn chậm.

"Các dịch vụ công trực tuyến mới chỉ đơn thuần chuyển từ môi trường giấy sang môi trường điện tử, chưa quan tâm tái cấu trúc quy trình, trải nghiệm của người dùng nên chưa thực sự thuận lợi, đơn giản cho người dân, doanh nghiệp. Nhiều trường hợp vừa phải làm thủ công, vừa làm trực tuyến gây mất thời gian", Bộ Nội vụ đánh giá.

Việc kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết thủ tục hành chính còn bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, có nơi, có lúc gây phiền hà cho người dân.

Bộ Nội vụ đánh giá, tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở các cấp hành chính, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực đất đai, xây dựng...

Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, lãnh đạo Bộ Nội vụ đề nghị các bộ ngành, cơ quan liên quan khẩn trương ban hành các văn bản theo quy định, thực hiện nghiêm quy định bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.

Ban hành hướng dẫn đầy đủ, thống nhất việc sử dụng Cơ sở dữ liệu dân cư, mã số định danh cá nhân trong giải quyết thủ tục cho người dân theo quy định của Luật Cư trú.

Bên cạnh đó, phải tiến hành cập nhật, kết nối, liên thông các nền tảng số, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đồng bộ, bảo đảm khắc phục tình trạng manh mún, "cát cứ thông tin", "chia cắt và co cụm dữ liệu".

Yêu cầu thực hiện nghiêm quy định bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy - 2

Bộ Nội vụ đề nghị các bộ ngành, cơ quan liên quan khẩn trương ban hành các văn bản theo quy định, thực hiện nghiêm quy định bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy (Ảnh: Nguyễn Dương).

Thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn nhiều rào cản

Bộ Nội vụ cho biết, 6 tháng qua tổng số giao dịch thực hiện thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) gần 21,8 triệu giao dịch. Tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP từ khi khai trương đến nay hơn 1,35 tỷ giao dịch.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 bộ, ngành, một doanh nghiệp nhà nước (EVN), 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương để khai thác thông tin phục vụ công tác quản lý và giải quyết thủ tục hành chính.

11 địa phương trên cả nước đã triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gồm: Thái Nguyên, Bình Phước, Bạc Liêu, Gia Lai, Quảng Bình, Quảng Nam, Hà Nam, Bình Dương, Hải Dương, Phú Thọ, Hà Nội.

Tính đến cuối tháng 5, Hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch đã có gần 36 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có gần 8,7 triệu trẻ em được cấp số định danh cá nhân theo quy định, 4,9 triệu hồ sơ khai sinh có số định danh cá nhân được chuyển sang hệ thống của BHXH; 8,8 triệu dữ liệu đăng ký kết hôn; 5,4 triệu dữ liệu đăng ký khai tử và 9,7 triệu dữ liệu khác.

52/63 địa phương đã hoàn thành kết nối, liên thông dữ liệu đất đai với Hệ thống tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai quốc gia; kết nối dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu đất đai địa phương với nền tảng NDXP, Trung tâm điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Dù vậy, Bộ Nội vụ nhận định cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ. Một số bộ chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật theo quy định, dẫn đến khó khăn cho tổ chức thực hiện tại địa phương.