1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ý kiến luật sư về vụ chìm tàu làm 9 người chết

(Dân trí) - “Với mức độ nghiêm trọng của vụ việc, chắc chắn phải khởi tố vụ án và truy cứu trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức tương ứng với hành vi của mình” - luật sư Nguyễn Thành Công, Đoàn luật sư TPHCM nhận định.

Vụ tai nạn đường thủy thảm khốc đã cướp đi mạng sống của 9 người. Việc tìm kiếm các nạn nhân đã kết thúc song về phương diện quản lý nhà nước và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong vụ tai nạn này, chắc hẳn còn nhiều vấn đề cần phải làm sáng tỏ.

Đồng cảm với nỗi đau của các nạn nhân và cũng là người làm chuyên môn về luật pháp, luật sư Nguyễn Thành Công, Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật, Đoàn luật sư TPHCM vừa gửi đến Dân trí bài viết về những ý kiến liên quan đến vụ tai nạn này. Dân trí trân trọng gửi đến quý độc giả những ý kiến pháp lý trong vụ tai nạn này của luật sư Nguyễn Thành Công:
 
LS Nguyễn Thành Công
LS Nguyễn Thành Công

Tai nạn thảm khốc đã xảy ra, đau đớn cùng cực cho thân nhân người bị nạn và gánh nặng cho xã hội về trách nhiệm an sinh. Tổng quan nhìn nhận sự vụ thì hậu quả có thể giảm thiểu nếu việc cứu nạn triển khai kịp thời hay trước nữa là không cho phép lưu hành phương tiện không đảm bảo vận tải đường thuỷ bởi đang sửa chữa hoặc kiên quyết chở đúng số người theo thiết kế của con tàu. Từng giai đoạn nếu người chịu trách nhiệm các khâu làm đúng, đầy đủ trách nhiệm thì hậu quả đã không xảy ra hoặc nếu có xảy ra thì được khắc phục tối đa, tránh được thảm nạn. Với mức độ nghiêm trọng của vụ việc chắc chắn phải khởi tố vụ án và truy cứu trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức tương ứng với hành vi của mình.

Chúng ta có thể quan sát các trách nhiệm tương ứng của những người liên quan:

Sự tắc trách của đội cứu hộ, cứu nạn quá chậm trễ

Sự việc xảy ra vào 19h ngày 2/8, tuy nhiên phải 6 tiếng sau, tức 1h ngày 3/8 thì đội cứu hộ, cứu nạn mới tiếp cận con tàu trong khi hiện trường vụ chìm tàu chỉ cách đất liền khoảng 10km tới Cần Giờ và 20km tới Vũng Tàu, từ đất liền ra hiện trường bằng ca nô chỉ 10-20 phút, bằng tàu cá chỉ 40-50 phút. Chính sự chậm trễ này trong công tác cứu hộ đã để xảy ra hậu quả thảm khốc.
 
Theo một số nguồn tin cho rằng việc ứng cứu chậm trễ là do người báo tin chậm và có ý giấu giếm, không cung cấp đầy đủ thông tin như vị trí tàu gặp nặn, số người hiện có trên tàu, hiện trạng kỹ thuật con tàu… Trong “nhật ký cứu nạn” của Cảng vụ Hàng hải Bà Rịa – Vũng Tàu thì lúc 21h ngày 2/8, đơn vị này mới nhận thông tin có tàu bị nạn ở Cần Giờ từ một người tên Nguyễn Ngọc Tuấn của Công ty du lịch Marina. Tuy nhiên, ông Tuấn không nói cụ thể về số người trên con tàu bị nạn, không nói rõ tọa độ và cũng không cho biết là sự việc đã xảy ra cách đó 2h đồng hồ. Khi vào cuộc Cơ quan điều tra cần làm rõ chi tiết về nội dung ông Tuấn thông báo thì mới xác định được lỗi là của ai. Nếu không do lỗi ông Tuấn trình báo không đầy đủ như trên thì người tiếp nhận thông tin cũng như xác định được sự chậm trễ của công tác cứu hộ, cứu nạn của đội cứu hộ, cứu nạn là do nguyên nhân chủ quan sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” tại K.2, Điều 285 BLHS với khung hình phạt cao nhất đến 12 năm.

Trách nhiệm cứu hộ, cứu nạn của 2 tàu đi cùng

Con tàu H29-BP chở 30 nạn nhân khi chìm có đi cùng với 2 con tàu khác cũng chở công nhân đi ăn cưới ở Tiền Giang về. Vậy khi tàu H29-BP chìm, thì phần trách nhiệm cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng được đặt ra với những người đi trên 2 con tàu này. Bởi việc tàu chìm không phải trong tích tắc mà theo lời kể của nạn nhân là khá lâu: “… khoảng 19h cùng ngày, khi đi ngang địa phận huyện Cần Giờ, TPHCM, bất ngờ có sóng lớn đánh mạnh vào mạn thuyền khiến nó bị lật nghiêng. Lúc này trên thuyền có khoảng 30 người. Tôi và nhiều anh em đã trấn an hành khách bình tĩnh tìm cách chạy qua bên kia mạn tàu để cân bằng tàu. Sau ba lần bị lật nghiêng, hầu hết hành khách trên tàu đã bị kiệt sức, nước bắt đầu tràn vào rồi tàu chìm dần. Biết không thể cân bằng lại được nữa, anh em hô hoán hành khách mặc áo phao nhảy ra khỏi tàu…”, nhân chứng kể.

Những người đi trên 2 con tàu đi cùng tàu H29-BP đặc biệt là đối với thuyền trưởng nếu có căn cứ xác định sự vô trách nhiệm, không cứu giúp những nạn nhân trên tàu H29-BP khi gặp nạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm theo khoản 1 Điều 102 BLHS.

Điều 102. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng

1.     Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Trách nhiệm của ông Vũ Xuân Đo – Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt – Czech

Ông Vũ Xuân Đảo mặc dù biết tàu H29-BP đang được bảo dưỡng và chưa được hoàn thiện mà vẫn cho phương tiện này tham gia giao thông đường thủy, dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra. Hành vi của ông Vũ Xuân Đảo là đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thuỷ không đảm bảo an toàn được quy định tại Điều 214 BLHS. Là một người có trách nhiệm và ở vị trí trọng yếu trong quyết định cho hay không cho lưu thông con tàu khi chưa sửa chữa hoàn thành. Ông phải biết được sự nguy hiểm đe doạ. Vì hậu quả là đặc biệt nghiêm trọng nên chế tài quy định phải ở khung hình phạt cao nhất đến 15 năm tù.
 
Vụ tai nạn làm 9 người chết thương tâm
Vụ tai nạn làm 9 người chết thương tâm

Điều 214. Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn

1.     Người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật của phương tiện giao thông đường thủy mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy rõ rang không đảm bảo an tòa gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiệm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác…thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữa đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2.     Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì phạt tù từ ba năm đến mười năm.

3.     Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

4.     Người phạm tội còn có thể bị cấm cản nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Trách nhiệm của chủ tàu, người lái phương tiện, phụ tàu

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chìm tàu đó là do chở quá số người quy định. Tàu H29-BP có tải trọng 12 người nhưng chở vượt lên đến 30 người. Cần xác định rõ trách nhiệm của thuyền trưởng tàu trong trường hợp này là người quyết định số lượng người hay bị áp đặt từ trên. Nếu thuyền trưởng là người quyết định thì hành vi cũng đã đủ dấu hiệu cấu thành của tội danh: “Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ” tại Điều 212 BLHS và khung hình phạt quy định tại khoản 3 phạm tội trong trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (7-15 năm). Nếu người có chức vụ nào khác áp đặt (ra lệnh) cho thuyền trưởng phải chở quá tải thì phải chịu trách nhiệm tương ứng.

LS Nguyễn Thành Công