1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Nhiều câu hỏi cần giải đáp sau vụ chìm tàu làm 9 người chết

(Dân trí) - Tính đến sáng 5/8, 2 nạn nhân cuối cùng trong số 9 người mất tích trong vụ chìm tàu đã được tìm thấy. Công tác cứu hộ, cứu nạn kết thúc song hàng loạt câu hỏi lớn được đặt ra, cần được làm rõ.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-2288/Chim-tau-cho-30-nguoi-tren-bien-Can-Gio.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Chìm tàu chở 30 người trên biển Cần Giờ</b></a>

Trong những ngày qua, ưu tiên hàng đầu là công tác cứu chữa các nạn nhân may mắn sống sót và tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Điều kỳ diệu đã không xảy ra khi những hy vọng về sự sống sót đối với 9 nạn nhân không thành sự thật. Họ đã chết sau thời gian dài vật vã, không nơi bám víu giữa sóng biển.

Một số cuộc họp, đánh giá ban đầu tỏ vẻ hài lòng với công tác cứu hộ cứu nạn. Những đánh giá đó có thể chủ quan khi đem so sánh số người được cứu sống (21) nhiều hơn so với số nạn nhân mất tích (9). Sự chênh lệch đó, tự hài lòng là đã thành công. Thực ra, mất một mạng người, hẳn đã là sự thất bại.

Theo thông tin ban đầu, chiếc tàu H29-BP là 1 trong 3 con tàu (dạng ca nô) do công ty liên doanh tặng cho Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tàu H29 – BP được sản xuất theo công nghệ mới nhất của Czech, bằng các vật liệu đặc biệt, có khả năng chống chìm. Tàu có sức chuyên chở 12 người. Thế nhưng, món “quà tặng” ý nghĩa này có chút trục trặc và Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phải đưa đi bảo dưỡng tại công ty cổ phần công nghệ Việt – Czech vào ngày 9/7. Phải chăng, món “quà tặng” này có vấn đề về chất lượng?
 
Chất lượng của 3 con tàu được tặng có vấn đề? (Ảnh: Đình Thảo)
Chất lượng của 3 con tàu được tặng có vấn đề? (Ảnh: Đình Thảo)

Tàu bảo dưỡng, sữa chửa, chưa được bàn giao thì chiều 2/8, sau cuộc gọi từ lãnh đạo Công ty cổ phần bến tàu du lịch Vũng Tàu Marina, ông Vũ Xuân Đào (Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt – Czech) đã đồng ý cho 3 chiếc tàu này rời “bệnh viện” để đi Tiền Giang đón các công nhân đang ăn cưới về Vũng Tàu. Điều này, nhiều ý kiến cho rằng, có lẽ ông Vũ Xuân Đào quá cả nể lãnh đạo công ty du lịch Marina nên “mù quáng” đưa những chiếc tàu đang rệu rã đi đón người, bất chấp hiểm nguy rình rập. Cũng có thể, đây là thương vụ, vì một khoản tiền cho thuê hay lót tay nào đó mà ông Đào “nhắm mắt làm liều”?!.

Chẳng hiểu sao, con tàu đang sửa chữa, chưa đăng kiểm vẫn được Cảng vụ Hàng hải Bà Rịa – Vũng Tàu cho phép xuất bến. Để hậu quả của nó là cái chết tức tưởi của 9 con người. 21 nạn nhân được cứu sống, nhưng ký ức kinh hoàng những giây phút chiến đấu với tử thần, cũng không dễ nhạt phai.

Công tác cứu hộ, cứu nạn được xem là một thất bại lớn bởi việc huy động lực lượng tại chỗ chậm, 2 con tàu đi cùng nhiều khả năng bỏ mặc chiếc tàu chìm. Sự việc xảy ra khoảng 19h đêm 2/8 nhưng mãi đến 1h ngày 3/8 thì tàu cứu hộ, cứu nạn mới tiếp cận, trong khi hiện trường vụ chìm tàu chỉ cách đất liền khoảng 10km tới Cần Giờ và 20km tới Vũng Tàu, từ đất liền ra hiện trường bằng ca nô chỉ 10-20 phút, bằng tàu cá chỉ 40-50 phút. Vậy tại sao, hơn 5h đồng hồ sau, các lực lượng cứu hộ cứu nạn mới đến hiện trường? Phải chăng, chính sự chậm trễ đã để xảy ra hậu quả thảm khốc?

Ông Lê Văn Chiến, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng việc ứng cứu chậm trễ là do người báo tin chậm và có ý giấu giếm, không cung cấp đầy đủ thông tin như vị trí tàu gặp nặn, số người hiện có trên tàu, hiện trạng kỹ thuật con tàu…

Trong “nhật ký cứu nạn” của Cảng vụ Hàng hải Bà Rịa – Vũng Tàu thì lúc 21h ngày 2/8, đơn vị này mới nhận thông tin có tàu bị nạn ở Cần Giờ từ một người tên Nguyễn Ngọc Tuấn của Công ty du lịch Marina. Tuy nhiên, ông Tuấn không nói cụ thể về số người trên con tàu bị nạn, không nói rõ tọa độ và cũng không cho biết là sự việc đã xảy ra cách đó 2h đồng hồ.
Để xảy ra tổn thất về tính mạng con người là một thất bại (Ảnh: Đình Thảo)
Để xảy ra tổn thất về tính mạng con người là một thất bại (Ảnh: Đình Thảo)

Cũng lúc 21h ngày 2/8, Trung Tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 (Trung tâm 3) cũng tiếp nhận thông tin báo từ ông Tuấn. Trung tâm 3 liền thông báo, xác minh đến Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, Bộ đội Biên phòng Bà Rịa – Vũng Tàu… nhưng các đơn vị này cho biết chưa nhận được thông tin nào về vụ việc này.

Ông Phạm Hiển, Giám đốc trung tâm 3 cho biết, mãi đến 22h cùng ngày, ông Tuấn mới thông báo rõ tọa độ nơi con tàu bị nạn. Thông tin đó ông Tuấn có được từ một người làm chung công ty đi trên con tàu khác báo lại sau khi đã vào bờ an toàn. “10 phút sau, chúng tôi đã điều tàu SAR 272 nhanh chóng ra hiện trường tìm kiếm người bị nạn”, ông Hiển nói. Phải chăng, 2 con tàu đi cùng phát hiện tàu H29-BP gặp nạn nhưng không ứng cứu hay kịp thời báo tin cứu nạn?

Ngay khi các đơn vị nhận tin ở TPHCM nhập cuộc tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn thì mãi 22h45 ngày 2/8, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu mới chính thức nhận được đơn yêu cầu cứu nạn từ ông Tuấn và triển khai lực lượng ra hiện trường.

Rõ ràng, công tác tiếp nhận, xử lý thông tin và triển khai cứu hộ, cứu nạn “có vấn đề”. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, lỗi chủ quan cũng xảy ra khi con tàu hết nhiên liệu, đang trôi tự do nhưng những người trên tàu tin có khả năng xử lý được nên báo tin khẩn chậm. Cũng có thể, vì biết việc thuê – mượn tàu để “chở lậu”, chở quá người quy định, nếu báo tin thì sẽ không hay nên một số người liên quan đang cố giấu thông tin để “tự xử lý”. Tuy nhiên, khi không xử lý được thì phát tin khẩn cấp thì mọi chuyện đã quá muộn.

Hiện nguyên nhân vụ tai nạn cũng như quy trình xử lý thông tin, cứu hộ, cứu nạn đang được khẩn trương điều tra làm rõ.

Công Quang