Xúc động tìm lại bức thư của Đại tướng gửi người dân Tây Nguyên
(Dân trí) - Có một bức thư mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi cho lực lượng Thanh niên xung phong xây dựng vùng kinh tế mới ở huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk những năm sau giải phóng. Bức thư ấy được gìn giữ cẩn thận như một “báu vật” suốt 35 năm qua.
Bức thư viết vội trong đêm
Trong những giờ phút đau thương này, chúng tôi tự thấy là người may mắn khi được đọc bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi cho nhân dân huyện biên giới Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk cách đây đúng 35 năm. Những năm sau ngày thống nhất, đất nước ta lúc đó còn vô vàn khó khăn do chiến tranh tàn phá. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, hàng triệu thanh niên xung phong từ các tỉnh phía Bắc đã rời quê hương lên vùng đất mới Tây Nguyên xa xôi theo chủ trương đi kinh tế mới để lao động, sản xuất nhằm xây dựng đất nước.
Thời điểm đó, vùng Ea Súp biên giới đã đón 4 trung đoàn thanh niên xung phong tỉnh Thái Bình với hơn 4.500 lao động nhằm xây dựng vùng đất này. Một công trường khai hoang trồng cây lương thực nhanh chóng mọc lên ở vùng đất biên giới của tỉnh Đắk Lắk vốn được xem là khắc nghiệt nhất nhì giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ. Trong 3 năm từ 1977 đến 1981, lực lượng thanh niên xung phong đã khai phá 5.000 ha đồi rừng và sình lầy thành vùng trồng rau, trồng lúa, trong đó đã tạo ra được khoảng 800 ha vùng trồng lúa.
Không dừng lại ở đó, các trung đoàn thanh niên xung phong bằng lao động thủ công và có cơ giới đã tập trung đắp đập hình thành hồ Ea Súp Hạ có dung lượng tưới cho khoảng 600 ha lúa nước để đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhân dân địa phương. Không ai ngờ rằng, vùng đất vốn khắc nghiệt về thời tiết, khô cằn về đất đai vốn có tiếng này lại có thể “lột xác” nhanh chóng sau khi có sự hiện diện của lực lượng thanh niên xung phong miền Bắc chỉ vài năm. Ghi nhận những thành tựu tuyệt vời ấy ở một huyện biên giới đầy khó khăn, ngày 28/10/1978, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi vào thăm tỉnh Đắk Lắk đã gửi thư khen ngợi đối với Đảng bộ và lực lượng thanh niên xung phong.
Sau 35 năm kể từ ngày bức thư đến tay anh chị em thanh niên xung phong, đến nay số nhân chứng may mắn được nghe đọc và được nhận bức thư năm ấy còn sinh sống tại Ea Súp là không còn nhiều. Sau nhiều ngày rong ruổi, PV Dân trí đã may mắn gặp được ông Nguyễn Công Huân (SN 1934, trú tại thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) - nguyên Chủ tịch UBND huyện Ea Súp, trước kia là Phó Ban Chỉ huy công trường khai hoang trồng cây lương thực ở vùng kinh tế mới Ea Súp với khoảng 6.000 người, trong đó đại đa số là người Thái Bình.
Ông Huân là người nhận bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua tay ông Nguyễn Ngọc Trìu - khi đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp. Bức thư sau đó được đọc trước toàn thể Đảng ủy và lực lượng Thanh niên xung phong công trường. Sau khi đọc xong, bức thư quý giá này đã được “nhân bản” in ra cho mỗi thanh niên xung phong mỗi người một bản, còn bản gốc thì ông Huân giữ bên mình trong một thời gian dài. Theo ông Huân, bức thư gốc ấy nay đã được lưu trữ tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk trước khi chính quyền huyện Ea Súp kịp nhân bản và lưu trữ tại Ban Tuyên giáo của Huyện ủy.
Theo ông Huân, khi vào thăm Đắk Lắk vào tháng 10/1978, Đại tướng có ý định về thăm Ea Súp nhưng bất ngờ nhận được nhiệm vụ mới của Bộ Chính trị và Trung ương nên phải tức tốc ra Hà Nội, cho nên Đại tướng đã viết bức thư này để gửi lời thăm hỏi, động viên lực lượng thanh niên xung phong vào đêm trước lúc ra Hà Nội.
Cảm xúc của cựu thanh niên xung phong Nguyễn Công Huân sau khi nhận bức thư của Đại Tướng.
Bức thư của Đại tướng gửi “Anh chị em vùng kinh tế mới Ea Súp” dài 3 trang đã thể hiện tình cảm thắm thiết của Đại tướng đối với đồng bào Ea Súp “...là những người chiến sỹ dũng cảm đã đáp ứng lời kêu gọi của Đảng và Chính phủ, có tinh thần yêu nước và tinh thần làm chủ đất nước cao lên đây xây dựng quê hương mới, góp phần cố gắng lớn của mình cùng đồng bào các dân tộc xây dựng Tây Nguyên chiến lược giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, vì sự nghiệp Tổ quốc xã hội chủ nghĩa yêu quý của chúng ta”.
Qua bức thư Đại tướng đã biểu dương những thành tựu mà lực lượng thanh niên xung phong, đồng bào Ea Súp đã không quản gian khổ và trở ngại để gặt hái được, đồng thời nhắn nhủ là tiếp tục: "...hăng hái phấn đấu, xứng đáng là những người con yêu quý của tỉnh nhà, là những con người đã từng được Đảng và Bác Hồ giáo dục, sống và chiến đấu dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, đoàn kết thương yêu và giúp đỡ nhau, ra sức làm tròn mọi nhiệm vụ, dưới sự lãnh đạo và chăm sóc trực tiếp của Đảng và chính quyền địa phương lập nên những thành tích mới, tạo nên những tấm gương sáng trong khi thực hiện mọi chủ trương chiến lược lớn của Đảng là đưa hàng triệu đồng bào ta lên vùng chiến lược Tây Nguyên này".
Đã 35 năm trôi qua, nhưng ký ức về những ngày tháng sau khi nhận được bức thư của Đại tướng, với người cựu thanh niên xung phong năm nào Nguyễn Công Huân vẫn mới như ngày hôm qua. Trong căn nhà vắng lặng vào một buổi nắng trưa hiếm hoi của mùa mưa Tây Nguyên, ông Huân với giọng run run, xúc động nhớ lại: “Đọc kỹ bức thư đó chúng tôi cảm thấy rất thấm thía về những lời căn dặn của Đại tướng. Sau khi đọc trước Chi bộ Đảng và anh em thanh niên xung phong, bức thư được in ra cho mỗi thanh niên xung phong mỗi người một bản, còn bản gốc thì tôi giữ. Đi đâu tôi cũng cầm theo, trân trọng cất giữ như một báu vật. Tiền bạc, của cải thì có thể làm mất, nhưng với bức thư của Đại tướng thì tôi không thể để mất được”.
Cũng như hàng chục triệu đồng bào cả nước, ông Huân đã bật khóc sau khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Mấy ngày qua, ông Huân càng buồn hơn và không ngày nào ông không theo dõi tin tức thời sự để nắm thông tin lễ tang của Đại tướng. Ông lần giở lại trang thư mà năm nào Đại tướng đã gửi cho nhân dân Ea Súp, nói trong niềm xúc động trào dâng: “Những năm sau đó, chúng tôi đã hành động đúng theo tinh thần của bác Giáp như trong bức thư, còn nhân dân huyện Ea Súp chúng tôi biết ơn bác Giáp và nguyện cả đời phấn đấu xây dựng đất nước to đẹp hơn”.
Tại Huyện ủy Ea Súp, ông Trần Ngọc Điếp - Trưởng Ban Tuyên giáo huyện Ea Súp - xúc động chia sẻ: “Việc Đại tướng gửi thử khen lượng lượng Thanh niên xung phong năm 1978 đã ghi nhận những thành tựu mà đồng bào nhân dân Ea Súp đã đạt được, đồng thời đánh dấu một giai đoạn mới để các Bộ ngành Trung ương quan tâm nghiên cứu phát triển toàn diện các mặt KT-XH của địa phương, vì huyện có vị trí chiến lược quan trọng của một huyện biên giới”.
Viết Hảo