1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Xuân không về với xóm Trường

(Dân trí) - Trong khi cả nước đang rộn ràng chuẩn bị đón chào Tết cổ truyền thì có một nơi người dân không hề mong năm mới đến bởi sự mất mát, chia ly vẫn còn đang hiện hữu...

 Nỗi ám ảnh của ngày "định mệnh"

Chúng tôi trở lại xóm Trường (thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, Phú Yên) trong những ngày tiết trời đã bắt đầu sang Xuân. Bầu trời trong xanh, cơn gió ban mai thoảng nhẹ, phả chút sương se se lạnh của mùa đông còn sót lại làm nao nao cõi lòng. Những cánh đồng mía vươn mình xanh mượt hồi sinh sau trận đại hồng thủy. Xa xa là bãi cát trải dài theo triền sông Kỳ Lộ. Trên cái nền tan hoang đó là những bụi tre trơ gốc nằm chỏng chơ cùng những căn nhà đổ nát - "chứng tích" của ngày "định mệnh" kinh hoàng mà người dân nơi đây đã trải qua trong cơn bão số 11 tàn khốc năm 2009.

Xuân không về với xóm Trường - 1

Người dân vẫn nhớ như in nửa đêm ngày 2/11/2009, mực nước sông Kỳ Lộ dâng cao đến 13,47m, trên mức báo động cấp 3. Hàng ngàn người dân xã Xuân Quang 2 bị đánh bật dậy, tức tốc mò mẫm tìm đường chạy lũ trong đêm. Còn xóm nhỏ có cái tên dân dã là xóm Trường, nước đã vây quanh tứ bề, mênh mông. 44 hộ dân với 317 con người phải leo lên nóc nhà "trốn" nước. Khi nóc nhà không còn là chỗ trụ vững chắc trong cơn gió giật, nước dâng ào ào, người dân lại bấu víu vào ngọn xoài, thân cây dừa, bụi tre... trong hy vọng sống sót mong manh.
 
Những em nhỏ, cụ già... được anh chị, cha mẹ và những người thân nhường chỗ cao, an toàn nhất để "đánh đu" cho khỏi bị nước cuốn đi. Vậy mà hàng trăm con người vẫn không địch lại được với thủy thân. Khi con nước rút đi, để lại một cảnh tang thương trên xóm nhỏ vốn bình yên, thơ mộng ngày nào: 18 người chết và mất tích, 44 ngôi nhà bị san bằng; xóm Trường gần như bị "xóa sổ".
 
Xuân không về với xóm Trường - 2

Tết này vắng tiếng cười

Anh Hồng - cán bộ địa phương - chỉ tay vào bãi cát trắng mênh mông bảo: "Xóm Trường bây giờ là đây" với cái giọng sao mà nghe như có muối xát trong lòng. Cả xóm không còn một ngôi nhà nào nguyên vẹn. Cây cối ngã rạp. Những hàng cây xác xơ, và những căn nhà chỉ còn trơ lại vài viên đá móng. Anh Hồng bảo: "Nơi đây vốn là mảnh đất màu mỡ, trù phú. Vậy mà giờ cát san bằng với bề dày hơn 1m thì còn canh tác gì được nữa".
 
Ngay cả con đường bêtông - huyết mạch giao thông quan trọng mà cả xóm vừa chung tiền, góp sức xây dựng - cũng đã bị cát vùi mất tích. Từ ngày bão lũ số 11 về gieo rắc nỗi đau trên xóm nhỏ, 44 hộ dân đã không dám ở lại trên mảnh đất này bởi đất đai giờ không thể canh tác được. Nỗi ám ảnh về ngày "định mệnh" và cái chết tức tưởi của người thân khiến không còn ai dám đối mặt với hoàn cảnh thực tại.
 
Chị Nguyễn Thị Ngọc Trúc - Phó Chủ tịch xã Xuân Quang 2 - cho biết, từ khi nước lũ rút, chính quyền địa phương đã tiến hành di dời người dân đến tái định cư ở dọc theo khu vực núi Hoàn Chinh. Hiện tại, công tác san ủi mặt bằng, phân lô để người dân có nhà ở trước Tết Nguyên đán đang được triển khai khẩn trương. Chị Trúc trầm ngâm: "Nhiều nhà hảo tâm đã về đây cứu giúp bà con. Chúng tôi chỉ mong sao người dân có nhà ở trước Tết này".
 
Xuân không về với xóm Trường - 3

Lặng lẽ ngồi. Lặng lẽ rít từng điếu thuốc, phả khói vào khoảng không vô hình, người đàn ông ở tuổi 34 - Võ Thanh Đại thảng thốt khi nói về gia cảnh của mình. Sự cô độc của anh đến nỗi người ngồi bên cạnh cũng phải... ớn lạnh. "Nhà có 5 người thì giờ đã chết đến 4 rồi. Cha, vợ, con đã mất, nhà cửa không còn. Tôi thành kẻ trắng tay. Tết có ý nghĩa gì đâu anh? Nhà cửa không có, sắm sửa để làm gì? Chỉ mong có được ngôi nhà ở, để hương hồn của cha, vợ và 2 con không khỏi phải bơ vơ khi ngày Tết về". Nói rồi anh lại lặng nhìn ra sông!

Bão số 11 còn cướp đi nhiều cha mẹ của những đứa trẻ để chúng bơ vơ, côi cút giữa dòng đời. Trong phút chốc, 3 đứa con của anh Trương Văn Minh (47 tuổi) và chị Trương Thị Quyên (48 tuổi) thành mồ côi. Cha mẹ mất, Trương Minh Hưng (17 tuổi) đang học lớp 10 phải bỏ dỡ chừng ở nhà đi làm thuê kiếm tiền nuôi đứa em trai đang học lớp 6 và chị gái Trương Thị Lệ Huyền (20 tuổi) yên tâm học hết lớp Kế toán tận TPHCM. Ngày ba mẹ mất, 2 chị em Hưng - Huyền nhường nhau: "Em bảo, chị đã học đến đó rồi thì ráng học hoàn thành để ba mẹ vui lòng. Em nghỉ học một năm. Qua năm nếu có điều kiện thì em sẽ học tiếp". Không có nhà, Hưng phải gửi em trai về quê nội ở Bình Định để học. Còn mình Hưng phải cày cuốc mưu sinh.
 
Xuân không về với xóm Trường - 4

Xóm Trường - bao giờ trở lại ngày xưa?

Ông Vương Tiến Dũng (68 tuổi, nguyên là Huyện ủy viên, Trưởng phòng Y tế huyện Đồng Xuân) kể lại một quá khứ vàng son của địa phương trong niềm nuối tiếc: Xóm Trường có từ đời vua Tự Đức khi dòng họ Vương từ Huế vào đây khai hoang, lập nghiệp. Thời Pháp thuộc, thế kỷ 19, ở làng Triêm Đức có một cái đình lớn, là Trung tâm cộng đồng cánh Bắc Phú Yên. Đó cũng là trường để cho các sĩ tử trong vùng kéo về đây học tập, dùi mài kinh sử. Từ đó, xóm Lẫm được gọi là xóm Trường.
 
Xóm Trường trở thành cửa ngõ của 3 xã khác nhau nên thuận lợi cho việc giao lưu buôn bán giữa các chợ Đồng Thành, Đồng Tranh, chợ Lùng Phước Lộc, nơi có sông, núi, giao thông đường thủy dẫn ra cửa biển Tiên Châu và là mãnh đất màu mỡ, trù phú. Ngay sát bờ sông Kỳ Lộ còn có một dòng nước nóng đến 80 độ từ trong khe đá chảy ra. Dòng nước ấy đã chữa được nhiều loại bệnh thu hút nhiều du khách đến tắm, tham quan. Với những thuận lợi về thổ nhưỡng, vị trí địa lý nên kinh tế xóm Trường phát triển mạnh nhất trong vùng và đời sống người dân có phần sung túc hơn nhiều nơi khác.
 
Xuân không về với xóm Trường - 5
 
Vậy mà cơn "đại hồng thủy" số 11 tràn về đã xóa sổ cái xóm vốn bình yên, thơ mộng và trù phú ấy; chỉ để lại toàn cát là cát cùng 18 ngôi mộ đang dần xanh cỏ...

Cuộc sống vẫn phải tiếp tục nảy lộc. Ngày Xuân ấp ám đang về gõ cửa mỗi nhà trong nỗi đau mất mát. Và sự khốn khó tận cùng của một xóm Trường bình yên ngày nào đang chờ được hồi sinh...

Ngô Công Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm