Những chuyện buồn ở “xóm ma”
(Dân trí) - Tan hoang, lạnh lẽo, đổ nát là những gì còn lại ở xóm Trường sau cơn “đại hồng thủy” hồi đầu tháng 11. Nhắc đến nơi này, nhiều người cứ rùng mình e ngại với những đồn thổi về những linh hồn bị bão vùi còn lẩn khuất đâu đây.
Những câu chuyện tang thương sau bão
Nghe chúng tôi hỏi đường về xóm Trường (thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, Phú Yên), không ít người tỏ vẻ e ngại về “xóm ma” có 43 căn nhà sập hoàn toàn và 18 người thiệt mạng. Nhiều hộ cùng lúc mất 3, 4 người thân.
Đứng trên cao nhìn xuống, cả “xóm ma” chỉ còn lại vùng cát lớn trắng xóa và lơ thơ vài căn nhà nát rách nát. Như lời người dẫn đường, chúng tôi đi dọc vào đường chính của xóm trước kia là đường bê tông kiên cố, giờ chỉ toàn cát là cát. Cát nhiều và dầy đến nổi không thể phân biệt nơi nào là đường nơi nào từng là nhà dân. Vài nơi, cát còn đùn lên miệng giếng cũ.
Xen giữa bãi cát là khóm tre bật gốc, những ngọn cây bám đầy rêu, cỏ do nước lũ tấp vào. Qua một khóm tre bật trơ các gốc rễ ven đường, chúng tôi thoáng “lạnh người” khi chị Lê Thị Thanh Tịnh, cán bộ xã Xuân Quang 2, dân xóm Trường, nói : “Chỗ này xác chị Nguyễn Thị Nhung và con gái Nguyễn Thị Hiền Lương đã tấp”.
Chồng đi làm xa, chị Nhung ở nhà với hai con gái. Lũ lên, chị buộc tay đứa nhỏ vào tay mình để “Có sống cùng sống, có chết cùng chết”. Đứa lớn chưa kịp buộc tay thì nước cuốn trôi mất. Hai ngày sau khi lũ rút, người dân tìm thấy xác chị và con gái, tay vẫn kết chặt vào nhau. Đứa lớn bám được mảnh ván nên sống sót.
Bên xác nhà te tua ở gần cuối xóm, chị Tịnh kể về cái chết của bà Lê Thị Chín. Phải mất 21 ngày sau người ta mới tìm được xác bà Chín bị vùi lấp trong cát cách nơi bà ở gần 5 cây số.
Nỗi mất mát khôn cùng khiến nhiều người không biết làm sao mà sống tiếp. Đó là trường hợp của anh Phạm Ngọc Tân khi cùng lúc mất đi cha mẹ ruột và hai đứa con. Gia đình hạnh phúc của anh, qua cơn “đại hồng thủy” trở nên tan nát, đau thương. Mỗi lúc nhìn thấy đám trẻ con xóm khác đi học ngang, anh lại khóc rấm rứt vì nhớ con.
Hoàn cảnh của anh Trương Văn Bình, người mất 3 người thân gồm mẹ, vợ và con gái cũng bi đát không kém. Anh Võ Thanh Đại cũng mất cả vợ và hai con.
Trên bãi cát dày gần 3m lấp ở xóm này, chúng tôi gặp vài người dân đang đào bới nhặt gạch, đá ở nơi từng là nhà của họ. Bà Nguyễn Thị Hồng Trinh, 54 tuổi, giải thích: “Ban ngày ra đây nhặt nhạnh những gì sót lại để sắp tới xây nhà chỗ khác”. Cũng như mọi người, bà Trinh không còn dám sống trên mảnh đất này.
Xóa sổ một khu xóm trù phú
“Xóm Trường trước đây trù phú lắm, giờ đây không còn ai nhận ra vì cát lấp đến 2, 3m”, chị Lê Thị Thanh Tịnh cho biết. Chị cũng nói thêm: “Giờ vậy đó, chứ trước kia có giải tỏa chắc gì người ta đã chịu đi”, vì nơi đây gần nơi sản xuất và gần suối nước nóng. Trước đây cây cối rậm rạp nên khó nhìn thấy sông Kỳ Lộ nhưng giờ thì đứng trong này có thể nhìn rõ bờ sông. Cây cối xung quanh mát mẻ và thơ mộng nên không ai muốn rời xa.
Theo anh Phan Minh Hồng, Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân xã Xuân Quang 2, trước đây, xã đã quy hoạch xóm Gò Cốc và xóm Trường vào dự án di dời vì những nơi này gần bờ sông với nguy cơ ngập lũ; tuy nhiên xóm Trường vẫn được coi là an toàn nên khi nghe tin bão về, người dân không mấy cảnh giác.
Nay, để khắc phục khó khăn về chỗ ở cho người dân, xã đã quy hoạch 9 hecta và bắt đầu khai phá để xây dựng khu tái định cư cho 56 hộ dân xóm Trường với đầy đủ hệ thống cơ sở hạ tầng. Anh Hồng khẳng định: “Đảm bảo Tết này phải có chỗ ở cho dân, nhất là cho người mất đi có chỗ thờ phụng”.
Theo ước tính, thiệt hại toàn xã Xuân Quang 2 lên đến 113 tỉ đồng thì xóm Trường chiếm một phần không nhỏ. Trước đây, xã có 34% hộ dân thuộc diện nghèo, sau lũ hộ nghèo tăng gấp đôi. Diện tích đất sản xuất bị mất do cát lấp lên đến hơn 320 hecta. Một cán bộ xã nói xa xăm: “Để đưa xóm Trường trở lại bình thường phải mất ít nhất 5, 7 năm nữa”.
Lê Phương