PhotoStory

Xem lại những lễ hội đặc sắc nhất miền Bắc phải dừng tổ chức sau 2 năm dịch

Thực hiện: Hữu Nghị

(Dân trí) - Theo dân gian, tháng đầu năm mới (âm lịch) thường được gọi là tháng ăn chơi. Đây là khoảng thời gian diễn ra phần lớn các lễ hội ở miền Bắc, tiêu biểu là Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương,Phú Thọ.

Hơn hai năm qua, các lễ hội văn hóa trên cả nước đã dừng hoàn toàn để phòng tránh dịch Covid-19. Theo dân gian, tháng đầu năm mới (tháng Giêng âm lịch) thường được gọi là tháng ăn chơi. Đây là khoảng thời gian diễn ra phần lớn các lễ hội ở miền Bắc. Các địa phương nhiều lễ hội có Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương và Phú Thọ...

Xem lại những lễ hội đặc sắc nhất miền Bắc phải dừng tổ chức sau 2 năm dịch - 1

Hội Phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) diễn ra ngày 13 tháng Giêng hàng năm, nhằm tôn vinh tinh thần thượng võ và tưởng nhớ hai vị thành hoàng là Thiều Hoa công chúa, một nữ tướng dưới thời Hai Bà Trưng có công đánh giặc, và Mộc Trang đại vương thời nhà Đinh có công dẹp loạn 12 sứ quân. Hội thu hút hàng vạn người dân quanh vùng đổ về vui chơi, thưởng thức màn "đánh phết" sôi động bậc nhất.

Xem lại những lễ hội đặc sắc nhất miền Bắc phải dừng tổ chức sau 2 năm dịch - 2

Tâm điểm là 6 quả phết và 3 quả chúi để những người tham gia lễ hội cùng giành lấy. Những quả này được làm từ củ tre sơn đỏ, trong đó quả phết có đường kính khoảng 6-7cm; quả chúi nhỏ hơn, khoảng 4-5cm.

Xem lại những lễ hội đặc sắc nhất miền Bắc phải dừng tổ chức sau 2 năm dịch - 3

Màn đánh phết diễn ra ở bãi đất rộng, sau khi các phần nghi lễ quan trọng đã hoàn thành. Các quả phết lần lượt được mang ra bãi bỏ vào lò phết, người đông như nêm cối chờ sẵn để giành phết, rất khó khăn bởi ai cũng muốn lấy được phết mang về. Người dân Hiền Quan quan niệm, ai có được phết, gia đình đó sẽ có được may mắn. Khi dịch Covid-19 chưa bùng phát ở Việt Nam, lễ hội cũng đã dừng tổ chức phần hội (đánh phết - cướp phết) trước đó một năm.

Xem lại những lễ hội đặc sắc nhất miền Bắc phải dừng tổ chức sau 2 năm dịch - 4

Hội giằng bông tại xã Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) diễn ra vào mùng 6/2 âm lịch hằng năm. Tục giằng bông có từ thời tướng Lý Phúc Man trong một lần đi qua đã chọn vùng đất này làm nơi đóng quân và tiện cho việc rèn luyện binh lính. Khi ấy, ngài đã mang ngọn tre dài khoảng 1,2m để quân sĩ tranh tài nhằm chọn ra người khỏe mạnh và mưu trí nhất dẫn binh lính xông pha ra trận mạc.

Xem lại những lễ hội đặc sắc nhất miền Bắc phải dừng tổ chức sau 2 năm dịch - 5

Cây bông được làm từ tre đực, già, không bị sâu, không kiến, gióng đều nhau... Người vót sẽ trực tiếp chọn tre, mỗi cây lấy một đoạn dài hơn một mét, đếm đủ 5 gióng 4 cọc thuộc cung ngũ phúc rồi vót thành bông, sau đó cuốn xù từng gióng và thêm tua cho đẹp. Sau phần lễ diễn ra vào buổi sáng, ngay từ đầu giờ chiều, các trai tráng trong làng đã sẵn sàng cho buổi giằng bông may mắn. 

Xem lại những lễ hội đặc sắc nhất miền Bắc phải dừng tổ chức sau 2 năm dịch - 6

Theo quy định, sẽ có hai lượt tương ứng với hai cây bông được phát ra, mỗi cây cách nhau một tiếng. Sau khi giằng co, người giành chiến thắng phải giơ thẳng cây bông lên và mang vào đình làng trình Thánh. Tương truyền người nào giành được cây bông cả năm sẽ gặp may mắn, riêng những ai đã có gia đình sẽ sinh được quý tử, do đó giằng bông là phần được trông đợi và diễn ra náo nhiệt nhất.

Xem lại những lễ hội đặc sắc nhất miền Bắc phải dừng tổ chức sau 2 năm dịch - 7

Lễ hội làng Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Giang) tổ chức vào ngày 20 - 22 tháng Giêng âm lịch, 3 năm một lần tổ chức hội lớn. Hội làng gồm có lễ rước, tế lễ, hát chầu văn, bơi thuyền hát quan họ trên sông, đấu vật, cờ tướng, chọi gà, chèo thuyền bắt vịt, cầu lông, bóng bàn vào ban ngày, diễn tuồng ban đêm. 

Xem lại những lễ hội đặc sắc nhất miền Bắc phải dừng tổ chức sau 2 năm dịch - 8

Trong đám rước có hình ảnh ba ông Phúc - Lộc - Thọ và ngọc nữ mang đào, tiểu đồng mang rượu làng Vân rất độc đáo. Làng Thổ Hà thuộc khu vực lõi của trung tâm văn hóa xứ Kinh Bắc, cuộc sống nơi đây khắc họa rõ nét về một làng cổ của xứ Kinh Bắc mà ít nơi còn giữ lại được với hình ảnh quen thuộc: Cây đa, bến nước sân đình... Đặc biệt Thổ Hà còn là một làng quan họ thuộc khu vực bờ Bắc sông Cầu, nổi tiếng với lối ca êm dịu, mượt mà, tha thiết.

Xem lại những lễ hội đặc sắc nhất miền Bắc phải dừng tổ chức sau 2 năm dịch - 9

Năm nào cũng tổ chức lễ hội nhưng ba năm một lần mới mở hội lớn có lễ rước, lễ rước là bò quay hay lợn quay đặt trên kiệu, thủ tục rước và tế lễ rất phức tạp. Năm 2012 lễ hội Thổ Hà được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc Gia đợt 1.

Xem lại những lễ hội đặc sắc nhất miền Bắc phải dừng tổ chức sau 2 năm dịch - 10

Lễ hội làng Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) được tổ chức từ ngày 9-12 tháng Giêng âm lịch hàng năm, nhằm tưởng nhớ công ơn của Thành hoàng làng Bố Cái đại vương Phùng Hưng, người anh hùng dân tộc có công dấy binh khởi nghĩa, đánh tan ách xâm lược của quân phương Bắc thế kỉ VIII.

Xem lại những lễ hội đặc sắc nhất miền Bắc phải dừng tổ chức sau 2 năm dịch - 11

Sau phần lễ đến phần hội không thể thiếu điệu múa "Con đĩ đánh bồng". Tương truyền, nguồn gốc điệu múa độc đáo này bắt nguồn từ điển tích Bố Cái đại vương Phùng Hưng khi đóng quân tại làng Triều Khúc đã cho binh lính giả gái, ăn mặc sặc sỡ, đeo trống múa bồng nhằm khích lệ tinh thần binh sĩ. 

Xem lại những lễ hội đặc sắc nhất miền Bắc phải dừng tổ chức sau 2 năm dịch - 12

Các chàng trai thoa phấn, đánh son, đầu chít khăn mỏ quạ, mặc váy nhiễu màu đen với những dải màu ngũ sắc, vừa nhún nhảy, vừa vỗ trống bồng đeo trước bụng, đặc biệt là ánh mắt đong đưa, lúng liếng một cách duyên dáng. Đây là điệu múa rất độc đáo và là một yếu tố thu hút khách thập phương về trẩy hội.

Xem lại những lễ hội đặc sắc nhất miền Bắc phải dừng tổ chức sau 2 năm dịch - 13

Hội rước pháo làng Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) là hoạt động tiêu biểu mà người dân làng nghề giàu có nhất vùng Bắc Ninh còn lưu giữ được đến ngày nay, là nghi thức truyền thống được nhiều người dân mong đợi nhất trong suốt 3 ngày hội từ mùng 4 đến 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Xem lại những lễ hội đặc sắc nhất miền Bắc phải dừng tổ chức sau 2 năm dịch - 14

Phần chính của hội là màn tung hô 4 quan đám. Đây là 4 người đàn ông được tuyển chọn cùng tuổi 51, đại diện cho 4 giáp trong làng. Tiêu chí phải là người đức độ, gia đình nề nếp, con cái thành đạt.

Xem lại những lễ hội đặc sắc nhất miền Bắc phải dừng tổ chức sau 2 năm dịch - 15

Hàng trăm tráng đinh cởi trần đóng khố cùng kiệu 4 quan đám vòng quanh sân đình. Quan đám múa, cười, vỗ tay đen đét trong trạng thái hưng phấn, không biết mệt mỏi.

Xem lại những lễ hội đặc sắc nhất miền Bắc phải dừng tổ chức sau 2 năm dịch - 16

Lễ hội "đúc Bụt" tại thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) tái hiện câu chuyện nữ tướng Ngọc Kinh dạy nghề tứ dân chi nghiệp (sĩ - nông - công - cổ) cho dân làng, nuôi ý chí chiến đấu với giặc Hán xâm lược dưới ngọn cờ của Hai Bà Trưng.

Xem lại những lễ hội đặc sắc nhất miền Bắc phải dừng tổ chức sau 2 năm dịch - 17

Lễ hội có 3 ông Bụt là 3 thanh niên khỏe mạnh, chưa vợ, sống gương mẫu được rước ra giếng thiêng để được tắm sạch sẽ rồi trát bùn lên người. Dân làng chùm lên người Bụt một chiếu cói với trên đỉnh chóp là bó mạ. Vào cuối lễ hội, mọi người sẽ giành lấy chiếc chiếu của Bụt với hy vọng sinh con trai.

Xem lại những lễ hội đặc sắc nhất miền Bắc phải dừng tổ chức sau 2 năm dịch - 18

Nếu may mắn lấy được nguyên chiếu thì đó là sự tuyệt vời. Nhưng giành được vài cọng cói mang về cầu con trai cũng đem lại niềm vui và hy vọng cho những người tham gia lễ hội đúc Bụt.

Xem lại những lễ hội đặc sắc nhất miền Bắc phải dừng tổ chức sau 2 năm dịch - 19

Hội làng Thị Cấm (Nam Từ Liêm, Hà Nội) diễn ra ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch hằng năm, là phong tục có từ lâu đời vào mỗi dịp xuân về, để cầu chúc cho người dân một năm mới no đủ, hạnh phúc và bình an. Đặc biệt cuộc thi thổi cơm đề cao tinh thần đồng đội, trong đó có màn kéo lửa theo cách cổ xưa rất hấp dẫn. 

Xem lại những lễ hội đặc sắc nhất miền Bắc phải dừng tổ chức sau 2 năm dịch - 20

Sân đình làng Thị Cấm nghi ngút khói lửa. Những nồi cơm sau khi sôi phải ủ bằng tro rơm khoảng 20 phút cho chín đều. Các khâu chuẩn bị đều được thực hiện tại chỗ, như chạy đi lấy nước sông, giã gạo...

Xem lại những lễ hội đặc sắc nhất miền Bắc phải dừng tổ chức sau 2 năm dịch - 21

Cơm chín sẽ được mang vào đình để các cụ chấm điểm. Nồi cơm nào trắng, dẻo, thơm ngon nhất sẽ giành chiến thắng. Ngay sau khi công bố đội chiến thắng, thành viên các đội và người dân nhanh tay bốc một nắm cơm để lấy lộc đầu năm. Người dân ở đây tin rằng người lớn ăn hạt cơm thì cả năm sẽ may mắn, trẻ em sẽ hay ăn, chóng lớn.