Xe téc cấp nước đối lập với hình ảnh văn minh đô thị
(Dân trí) - Chiều 21/5, Bộ Xây dựng có cuộc làm việc đột xuất với TCty cổ phần Vinaconex, Cty cổ phần nước sạch Viwasupco và các đơn vị liên quan về tình trạng mất nước ở một số khu vực dân cư của Hà Nội.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục trình bày nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều hộ dân Hà Nội mất nước dài ngày hiện nay là do nhu cầu sử dụng nước sạch tăng đột biến khi nắng nóng diễn ra. Nhu cầu nước hiện tại của toàn thành phố lên đến 8.800-9.000 m3/ngày đêm, tăng 30% trong khi các giếng nước ngầm khai thác đang suy kiệt nhanh (lượng nước ngầm hụt khoảng 6.000-6.500 m3).
Ông Dục cho biết, khả năng cung ứng nước sẽ rất khó khăn nếu tiếp tục xảy ra các sự cố ở đường nước Sông Đà. Theo tính toán, với số dân hiện tại của thủ đô, cần đến 1,2 triệu m3 nước/ngày đêm mới đủ nguồn cung cấp đồi dào cho nhu cầu.
Người dân chen chân xách từng xô, chậu nước do xe téc chở đến ứng cứu.
“Dù xe téc đối lập với hình ảnh văn minh đô thị vì rất thô sơ nhưng vẫn phải dùng đến, như tình trạng người dân tại Định Công hiện nay. Tuy nhiên, thực tế người dân phải mua nước bằng xe téc không nhiều, chỉ ở những “điểm đen”, thường xuyên thiếu, mất nước cục bộ như Định Công Thượng, Định Công Hạ của quận Hoàng Mai, 2 xã của huyện Thanh Trì - những điểm cuối nguồn của nước Sông Đà, nhà máy nước Vân Trì, Nam Dư” - ông Dục nói.
Thông tin cụ thể về hệ thống nước mặt sông Đà, tân Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, để phòng trước trường hợp sự cố vỡ đường ống khiến cả 4 quận của Hà Nội mất nước hoàn toàn như những lần vừa qua, đơn vị điều tiết đã vận hành hệ thống mạng truyền dẫn nước của thành phố với 7 điểm thông với các nguồn cấp nước khác. Khi có sự cố nước mặt, nguồn nước ngầm khai thác từ các nhà máy khác sẽ tràn sang khu vực dân cư đang sử dụng nước sông Đà để giải quyết phần nào nước sinh hoạt cho người dân nhưng nguồn nước này được điều phối theo giờ. Việc điều hành linh hoạt này đã mang lại hiệu quả lần mất nước do sự cố điện tại nhà máy nước sông Đà ít ngày trước.
Dù vậy, mùa nắng nóng đến đang gây áp lực lớn với nước sông Đà. Ông Dục báo cáo, bình thường, tại điểm cuối tuyến ống truyền dẫn (Trung tâm hội nghị Quốc gia), áp lực đạt mức 3,5kg, phun cao được tới 35m, tương đương tầng 10 chung cư. Nhưng từ khi vào hè, thực tế có sự sụt áp, áp lực nước điểm cuối chỉ còn 2kg, vì vậy đến các hộ sử dụng ở cuối nguồn, lượng nước không đảm bảo.
Để giải quyết triệt để tình trạng, ông Dục cho là phải trông chờ vào dự án tuyến ống truyền dẫn nước mới, trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng, đường ống sẽ làm bằng kim loại, không dùng chất liệu sợi thủy tinh như hiện nay. Dự án nhanh nhất cũng phải đầu tháng 8/2014 mới khởi công được và dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 5/2015.
“Trước mùa hè sang năm, Hà Nội sẽ có được ống truyền dẫn nước bền hơn, chịu được sức va đập nhiều hơn, ít xảy ra sự cố hơn” - Giám đốc Sở Xây dựng hứa hẹn.
1.000 tỷ đồng làm đường ống nước sông Đà mới
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng hỏi thêm đại diện Cty CP nước sạch Vinaconex (Viwasupco), ngoài nguyên nhân về nguồn nước sông Đà còn lý do nào khác khiến nhiều hộ dân trên địa bàn Hà Nội bị mất nước những ngày qua? Đơn vị có đảm bảo đường ống sẽ an toàn, không tiếp tục vỡ? Việc vận hành có đảm bảo áp lực nước theo đúng thiết kế hay vì sợ tiếp diễn sự cố vỡ ống nên chủ động giảm áp lực đi?
Đại diện Viwasupco giải thích, việc thiếu nước cục bộ ở khu vực Định Công là do thiếu hụt nguồn cung vì nhu cầu sử dụng nước của người dân những ngày nắng nóng tăng cao đột biến. Ngày 20/5, tình hình cấp nước ở Định Công Thượng đã cải thiện đáng kể, Định Công Hạ hiện cũng đã tốt hơn những ngày trước. Những khu vực quá khó khăn, chưa khắc phục được thì có xe téc cấp nước bổ sung cho người dân. Xe téc được huy động chạy gần như suốt ngày đêm để cấp nước cho “điểm đen” này.
Bộ trưởng Xây dựng chỉ rõ, việc mất nước sinh hoạt khiến người dân đang rất bức xúc. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân mà còn là nguy cơ ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, nguy cơ phát sinh dịch bệnh trong khu dân cư.
“Chúng ta chỉ một lần vào khu vệ sinh mà không có nước đã khó chịu mà giữa những ngày nắng nóng như này, người dân mất nước cả ngày, nhiều ngày thì còn khốn khổ thế nào? Mà sự chịu đựng thì có giới hạn. Yêu cầu đặt ra là làm sao người dân không tiếp tục bị mất nước, nhất là trước những tháng mùa hè nóng nực trước mắt” – Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Ông Dũng yêu cầu trước mắt làm sao khắc phục ngay, để khu dân cư ở Định Công có nước trở lại. Còn về lâu dài, làm sao phải đảm bảo sự ổn định và an toàn cấp nước cho người dân, nhất là trong những ngày cao điểm, để không hộ gia đình nào không có nước sinh hoạt trong mùa hè. Người đứng đầu ngành xây dựng chỉ đạo các đơn vị chủ động nắm thông tin để xử lý kịp thời các sự cố, xác định những “điểm đen” như khu vực cuối nguồn, vị trí có đường ống phân phối nước cũ hỏng, không đảm bảo, những công trình cao tầng, những khu địa hình cao… Sở Xây dựng phải phối hợp với ngành điện lực để đảm bảo ổn định, an toàn điện cho cấp nước.
Nhắc lại điểm yếu nhất của hệ thống là tuyến đường ống dẫn nước sông Đà, Bộ trưởng Xây dựng tán thành phương án làm thêm tuyến đường ống bổ sung với năng lực truyền dẫn cao hơn để vừa đảm bảo an toàn trong khai thác, vừa sử dụng thêm được 80.000m3 nước sạch từ nguồn này về để đáp ứng nhu cầu của thành phố. Ông Dũng cũng “gật đầu” với hướng lựa chọn vật liệu làm ống bằng kim loại (gang, thép dẻo…) thay cho chất liệu sợi thủy tinh như hiện nay để không lặp lại những sự cố vỡ đường ống liên tiếp như vừa qua. Bộ Xây dựng sẽ có ý kiến thêm với Chính phủ và Hà Nội để cùng tháo gỡ những khó khăn về nguồn vốn đầu tư cho dự án.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng lưu ý thêm việc chống thất thoát lãng phí nước trong quá trình vận hành, khai thác. Ông Dũng tính toán, với tỷ lệ thất thoát 25 - 28% như hiện nay, lượng nước mất đi bằng công suất của 6 nhà máy nước cỡ nhỏ và gần tương đương với lượng nước cung cấp của nhà máy nước sông Đà.
P.Thảo