1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Xây sân bay Sa Pa, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Tây Bắc

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Lào Cai là địa bàn phòng thủ đặc biệt quan trọng phía Tây Bắc Tổ quốc. Việc xây dựng cảng hàng không tại khu vực này sẽ góp phần củng cố an ninh, chủ động tác chiến khi có tình huống cấp bách xảy ra.

Mới đây, hội đồng thẩm định liên ngành đã hoàn tất việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) dự án thành phần 2 - xây dựng Cảng hàng không thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sa Pa, theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Theo báo cáo nghiên cứu khả thi, việc sớm đầu tư, hoàn thành đưa Cảng hàng không Sa Pa vào khai thác có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực, tỉnh Lào Cai, hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Dự án nhằm phát huy toàn diện tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh Lào Cai trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, góp phần lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo vững chắc an ninh quốc phòng khu vực Tây Bắc của Tổ quốc.

Xây sân bay Sa Pa, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Tây Bắc - 1

Phối cảnh Cảng hàng không Sa Pa - Lào Cai (Ảnh: Bộ GTVT).

Hội đồng thẩm định nhấn mạnh, về cơ bản các thành viên hội đồng thống nhất với sự cần thiết đầu tư dự án, khẳng định Cảng hàng không Sa Pa đi vào hoạt động sẽ góp phần củng cố vững chắc an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia. Lào Cai là địa bàn phòng thủ đặc biệt quan trọng ở phía Tây Bắc Tổ quốc. Việc đầu tư xây dựng cảng hàng không tại khu vực này sẽ góp phần củng cố an ninh, chủ động tác chiến khi có tình huống cấp bách xảy ra.

"Cảng hàng không Sa Pa được xác định là một sân bay chiến lược phía Tây Bắc. Dự án cần thiết phải triển khai để phục vụ cho hoạt động của các loại máy bay tiêm kích quân sự cất - hạ cánh với hoạt động đơn chiếc khi có chiến tranh xảy ra và trong thời bình làm nhiệm vụ dự bị cho hoạt động bay của các sân bay căn cứ trong khu vực hoặc một số nhiệm vụ khác khi có yêu cầu" - báo cáo nêu rõ.

Cảng Hàng không Sa Pa đã được Bộ Quốc phòng xác định phù hợp với quy hoạch chiến lược đảm bảo phòng thủ khu vực Tây Bắc của Tổ quốc. Thành viên Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã nhất trí với nội dung báo cáo FS dự án đề xuất.

Tuy nhiên, hội đồng thẩm định vẫn đề nghị rà soát, bổ sung đánh giá tác động của dự án đến quốc gia, hệ thống phòng thủ, bảo vệ đất nước, các địa phương có liên quan.

Theo hội đồng thẩm định, Dự án Cảng hàng không Sa Pa do UBND tỉnh Lào Cai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề xuất, dự kiến xây dựng tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên (Lào Cai) công suất 1,5 triệu khách/năm với tổng mức đầu tư hơn 3,65 nghìn tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án là 50 năm, trong đó thời gian xây dựng dự kiến 3 năm, 7 tháng; thời gian vận hành, khai thác và thu hồi vốn là 46 năm 2 tháng.

Báo cáo FS cũng nêu rõ, các khoản thu của dự án gồm thu phục vụ hành khách, thu dịch vụ đảm bảo an ninh hành khách, hành lý; dịch vụ dùng chung của cảng hàng không, dịch vụ cất hạ cánh tàu bay; dịch vụ sân đậu tàu bay; dịch vụ khác… Dự kiến, sản lượng năm đầu tiên khai thác (năm 2024) dự kiến đạt 560.640 hành khách/năm, năm 2045 dự kiến đạt 4.700.016 hành khách/năm.

Theo quy định, UBND tỉnh Lào Cai sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư, không thực hiện sơ tuyển. Dự kiến, việc đấu thầu sẽ thực hiện từ quý III/2022, hiện có ít nhất 2 nhà đầu tư trong nước bày tỏ sự quan tâm đến dự án này.

Theo chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Cảng hàng không Sa Pa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 1 của dự án được triển khai ngay từ năm 2021, giai đoạn 2 thực hiện sau năm 2028. Đây là cảng hàng không cấp 4C và sân bay quân sự cấp II đạt công suất 1,5 triệu hành khách/năm.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án khoảng gần 7.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 hơn 4.180 tỷ đồng, giai đoạn 2 là hơn 2.765 tỷ đồng.

Dự kiến loại hợp đồng dự án PPP. Trong đó, dự án thành phần 1 là giải phóng mặt bằng và tái định cư, thực hiện theo hình thức đầu tư công. Dự án thành phần 2 là xây dựng cảng hàng không, thực hiện theo hợp đồng BOT.