Xây hồ chứa nước 4.024 tỷ đồng, chuyển đổi 73ha rừng tự nhiên ở Gia Lai
(Dân trí) - Dự án hồ chứa nước Ia Thul (Gia Lai) có tổng mức đầu tư dự kiến 4.024 tỷ đồng; thời gian thực hiện dự án trong 6 năm (2023-2028). Báo cáo đánh giá tác động môi trường vừa được tham vấn cộng đồng.
Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án hồ chứa nước Ia Thul, (tỉnh Gia Lai) vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai tham vấn cộng đồng.
Hồ chứa nước Ia Thul được xây dựng trên nhánh sông Ia Thul, thuộc địa phận xã Ia Tul, huyện Ia Pa, do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 8 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm chủ đầu tư.
Theo báo cáo ĐTM, phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai có địa hình dạng lòng máng, xung quanh có các núi cao, ven sông là các vùng đất bồi tích rộng, có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp nhưng thiếu nguồn nước.
Trên 90% diện tích đất canh tác phải dựa vào nước mưa và chủ yếu canh tác vụ hè thu, vụ đông xuân gần như bỏ hoang không canh tác được.
ĐTM của dự án đã được lập năm 2018 nhưng không được phê duyệt do chưa có chủ trương chuyển đổi đất rừng tự nhiên với diện tích gần 73ha.
Tháng 11/2022, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ia Thul, trong đó cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng gần 73ha rừng tự nhiên sản xuất (nằm ngoài quy hoạch ba loại rừng) cho dự án.
Các loại cây bị thu hồi gồm dầu, bằng lăng, cà khít, căm xe, chò đen, trít, hương có kích cỡ nhỏ, chu vi trung bình 42,9cm. Trong đó 3 loại cây quý hiếm gồm chò đen 730 cây, chò nâu 365 cây, hương 1.642 cây.
"Việc thu hồi diện tích rừng chỉ làm giảm về số lượng loài do thu hồi diện tích đất cho dự án, không làm giảm tính đa dạng của các loài do các loại cây này có mặt trong hầu hết của khu rừng xung quanh trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng gần 73ha, tương ứng tỷ lệ che phủ của tỉnh giảm 0,004%, không làm giảm đáng kể tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh", báo cáo ĐTM cho hay.
Để thực hiện dự án, chỉ có 16 hộ dân thuộc các xã Ia Broăi và Kdam bị mất một phần đất ở do thu hồi đất xây dựng các tuyến kênh. Tuy nhiên các hộ gia đình này không bị ảnh hưởng nhà, công trình phụ; diện tích đất ở còn lại đảm bảo tiêu chí tách thửa nên không phải tái định cư.
Dự án sẽ làm thay đổi địa mạo, cảnh quan trên diện tích 1.003,6ha, biến khu vực đập, hồ chứa nước từ hiện trạng đất bằng tự nhiên, đất đồi núi sang đất công trình và đất mặt nước.
Báo cáo ĐTM dẫn thống kê của UNESCO cho biết, điều kiện để hồ chứa nước có khả năng gây động đất kích thích khi dung tích phải đạt trên 1 tỷ m3, độ sâu hồ lớn hơn 90m.
Trong khi đó, hồ chứa nước Ia Thul có dung tích ứng với mực nước dâng bình thường 9,46 triệu m3, cột nước cao nhất (ứng với chiều cao đập lớn nhất) là 53m nên không có khả năng gây động đất kích thích.
Chủ đầu tư cam kết, nghiêm cấm mọi hoạt động xả chất thải xuống suối Ia Thul; cam kết xử lý nước thải sinh hoạt động đảm bảo quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Đồng thời sẽ thực hiện trồng rừng trong hành lang an toàn hồ chứa để tăng vành đai cây xanh ven bờ, giảm thiểu xói mòn và tăng diện tích rừng trồng.
"Nghiêm cấm công nhân không được chặt phá cây cối ngoài phạm vi của dự án. Chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu và đơn vị thi công, công nhân xây dựng trên công trường phải cam kết không được săn bắt động vật hoang dã và không được tác động, khai thác lâm sản với bất kỳ mục đích nào", báo cáo ĐTM nhấn mạnh.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho đập, báo cáo ĐTM yêu cầu ngay từ khi xây dựng đập, chủ đầu tư cam kết thực hiện quy trình xây dựng đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng và an toàn công trình.
Thực hiện duy tu, bảo dưỡng đập, kiểm tra định kỳ hệ thống an toàn trước và sau các mùa mưa lũ; xây dựng phương án ứng cứu sự cố trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2022, Dự án hồ chứa nước Ia Thul sẽ cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho khoảng 8.600ha, nước sinh hoạt cho khoảng 28.500 người; cải thiện môi trường sinh thái; kết hợp giảm lũ cho hạ du, đảm bảo đời sống cho đồng bằng dân tộc thiểu số tại các huyện Ia Pa, Krông Pa, tỉnh Gia Lai.
Hồ chứa nước có dung tích toàn bộ khoảng 83 triệu m3 và hệ thống lấy nước, dẫn nước tưới, bao gồm các hạng mục chính: Đập ngăn sông, tràn xả lũ, cống lấy nước, đường hầm dẫn nước, hệ thống kênh và các công trình phụ trợ.
Tổng mức đầu tư dự kiến 4.024 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách nhà nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, giai đoạn 2021-2025 trên 1.721 tỷ đồng, phần còn lại bố trí trong giai đoạn 2026-2030); thời gian thực hiện trong 6 năm (2023-2028).