Xây dựng phải có sổ đỏ: Hợp lí, nhưng cần linh hoạt
(Dân trí) - Mới đây Hà Nội đã ban hành quyết định 79/QĐ-UB, trong đó qui định phải có “sổ đỏ” mới được cấp phép xây dựng. Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Sỹ Liêm, PCT Tổng hội Xây dựng về qui định đang gây nhiều tranh luận trên của Hà Nội.
Thưa ông, Hà Nội vừa đưa ra qui định, phải có sổ đỏ mới được cấp phép xây dựng, thực hiện từ 01/01/2008. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Giấy phép xây dựng là một công cụ để tổ chức thực thi quy hoạch đô thị đã được thông qua. Nếu không có giấy phép thì làm sao biết người dân xây dựng đúng hay không đúng quy hoạch. Nhưng muốn được xây dựng thì phải có tư cách chủ sở hữu công trình của mình.
Hiện nay, nhiều người dân muốn chứng minh quyền sở hữu thường lấy biên lai nộp thuế đất từ những năm trước ra với lý lẽ, có là chủ đất thì mới nộp thuế đất. Như vậy, nếu giờ người ta cũng lấy giấy phép xây dựng ra thay cho giấy nộp thuế bảo tôi có là chủ sở hữu tôi mới có được giấy phép xây dựng. Như thế về mặt pháp lí rất không rõ ràng.
Cho nên việc quy định muốn được cấp giấy phép xây dựng phải trình quyền sở hữu là rất đúng, rất cần thiết. Nhưng một điều đúng cũng phải xét trong hoàn cảnh nào. Hiện chúng ta đang còn lấn cấn giữa giấy đỏ, giấy hồng và tỷ lệ cấp cũng không đáng được bao nhiêu mà lại đòi cứng nhắc thì không được. Vậy phải có một giải pháp linh hoạt nào đó trong giai đoạn này.
Tôi lấy ví dụ, nếu chủ công trình đi xin phép xây dựng rồi nhưng chưa được cấp sổ đỏ thì ít nhất cũng phải chứng minh là đã đi xin rồi. Cơ quan chức năng cũng có thể cấp với điều kiện hẹn anh bao giờ có giấy tờ chính thức thì mang nộp lại. Nếu hết thời hạn “nợ” mà vẫn không có, cơ quan cấp phép sẽ kiểm tra và có quyền phạt.
Làm như thế là bởi vì cuối cùng ai cũng phải có sổ đỏ, nếu không việc sổ đỏ kia nhà nước cứ quy định nhưng muốn làm hay không muốn làm là quyền ở anh và vì không có ích lợi gì, không ai cần, không ai hỏi đến nó thì không ai nghĩ tới việc làm nó cho tốn kém.
Có ý kiến cho rằng, quy định này của Hà Nội là trái với các nghị định, các văn bản pháp quy về cấp phép xây dựng?
Xin nói rằng, pháp luật xây dựng bao gồm các văn bản pháp luật của nhà nước, văn bản pháp quy của Chính phủ và văn bản pháp quy của địa phương. Các địa phương cũng có quyền ban hành những văn bản pháp quy trong tầm của mình. Không phải cái gì cũng phải dựa ở trên, có cái gì hướng dẫn mới làm… miễn là làm không trái với những quy định của cấp trên.
Nếu cấp trên chưa quy định nhưng địa phương quy định thì không có gì là trái. Cấp trên nếu thấy việc quy định của chính quyền địa phương chưa hợp lý thì có thể hướng dẫn, trao đổi, chứ không thể nói thế là hoàn toàn sai.
Nhưng đưa ra quy định như Hà Nội vẫn thiếu căn cứ, thưa ông?
Có căn cứ chứ. Căn cứ cụ thể nhất là Luật Xây dựng đã quy định muốn xây dựng thì phải có giấy phép. Bộ Xây dựng có hướng dẫn về các điều kiện cấp phép như thế nào, Hà Nội có làm ngược lại không? Còn việc nếu Bộ chưa quy định thì Hà Nội được quyền có những bổ sung thêm cho phù hợp tình hình địa phương. Còn nếu Bộ xây dựng cảm thấy những quy định bổ sung đó chưa hợp lý thì Bộ có thể trao đổi lại.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Xây dựng cho biết sẽ sớm làm việc với Bộ Tư pháp kiểm tra việc ban hành quyết định 79/QĐ-UB và đề nghị Hà Nội bãi bỏ qui định này?
Như thế là “găng” nhau rồi. Bộ xây dựng là một cơ quan cấp trên, về văn bản quy phạm pháp luật, anh hoàn toàn có thể đến trao đổi với Hà Nội về vấn đề thuộc lĩnh vực thuộc mình phụ trách. Cũng có thể Bộ Xây dựng đã có ý kiến nhưng Hà Nội không đồng tình nên mới phải tính tới việc đưa Bộ Tư pháp. Tôi thấy đó là việc bất đắc dĩ thôi.
Tôi nghĩ là không biết có phải Bộ Xây dựng nói chưa hết ý không, nhưng đề nghị bãi bỏ là vô duyên. Quy định đó không có gì sai, chỉ có điều chưa linh hoạt thì bổ sung thêm những quy định cho linh hoạt trong thời kỳ mà mọi người chưa phải ai cũng có “sổ đỏ” thôi.
Hiện tại, việc cấp sổ đỏ bị chậm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu bây giờ có qui định đòi hỏi khắt khe hơn mới được cấp phép xây dựng, nhiều người lo ngại tình trạng xây dựng trái phép lại gia tăng?
Xây dựng là phải có phép, còn trái phép phải nghiêm trị. Trường hợp oan ức vì bị gìm, ép, không cấp phép thì phải kêu, phải đi kiện chứ không thể cứ oan là tự ý làm bừa, không có giấy phép vẫn cứ xây thì thành loạn cả.
Với một quy định như trên của Hà Nội mà kín kẽ hơn nữa sẽ góp phần giữ gìn trật tự xây dựng, hạn chế xây dựng sai phép, thưa ông?
Cái chính là cái qui hoạch phải được thực hiện và việc cấp phép xây dựng là công cụ để đạt được mục đích đó.
Xin cảm ơn ông!
Mạnh Cường - Phương Thảo
(Thực hiện)