Xây dựng khung pháp lý để cải cách tiền lương từ 1/7/2024
(Dân trí) - Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, khu vực tại TPHCM và Đà Nẵng; rà soát, sắp xếp bộ máy; xây dựng phương án cải cách tiền lương từ 1/7/2024… là những nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ đề ra.
Chiều 23/10, Quốc hội làm việc ở hội trường nghe các báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Kinh tế đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế ở TPHCM, Đà Nẵng
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sau nửa nhiệm kỳ, nước ta cơ bản vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện.
Quy mô, tiềm lực của nền kinh tế không ngừng được mở rộng. Theo giá hiện hành, GDP năm 2021 đạt gần 8,5 triệu tỷ đồng (khoảng 366 tỷ USD); năm 2022 ước đạt hơn 9,5 triệu tỷ đồng (khoảng 408 tỷ USD); năm 2023 ước đạt hơn 10 triệu tỷ đồng (khoảng 435-439 tỷ USD).
Trong nửa nhiệm kỳ, theo ông Dũng, Chính phủ đã tập trung xử lý các vấn đề bộc lộ, mới phát sinh của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…
Các chỉ tiêu an toàn nợ công, nợ Chính phủ 3 năm được kiểm soát thấp hơn giới hạn, ngưỡng cảnh báo, góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
"Hệ thống kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư khi khởi công đồng loạt nhiều dự án cao tốc. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã đưa vào khai thác 659km đường cao tốc, nâng tổng số km đường cao tốc đưa vào sử dụng là 1.822km", theo báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.
Ông cũng nêu nhận định chính sách an sinh xã hội, bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới giảm từ 4,03% năm 2022 xuống 2,93% năm 2023.
Dù vậy, theo nhận định của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế gặp nhiều thách thức, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc do chịu tác động của các yếu tố bên ngoài. "Áp lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm (6,5-7%) rất lớn", Bộ trưởng Dũng nói.
Dự báo thời gian tới khó khăn, thách thức còn rất lớn, Chính phủ xác định sẽ tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Một trong những giải pháp được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề cập là nghiên cứu và phát triển các ngành công nghiệp mới, công nghệ cao; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đặc biệt, Chính phủ hướng đến xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, khu vực tại TPHCM và Đà Nẵng.
Một giải pháp khác được ông Dũng nhấn mạnh là rà soát, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý đồng bộ để triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024.
Đạt mục tiêu tăng trưởng là "vô cùng khó khăn"
Từ góc độ cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề cập một số vấn đề nổi lên về kinh tế - xã hội trong 3 năm 2021-2023.
Trong đó, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp Nhà nước vẫn chậm; tình trạng sở hữu chéo tại một số tổ chức tín dụng chưa được giải quyết dứt điểm.
"Tín dụng tăng trưởng thấp, nợ xấu tăng cao do khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn yếu. Hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn cả về pháp lý, vốn, chi phí đầu vào; việc thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp", theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế.
Ông cũng đánh giá thủ tục hành chính của nhiều ngành, lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, nhiều "giấy phép con" liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp... gây khó khăn, tăng chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp.
Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng tăng trưởng kinh tế năm 2024-2025 có thể được phục hồi tốt hơn so với năm 2023, nhưng để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân khoảng 6,5%-7% và cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020 (6,25%) là "nhiệm vụ vô cùng khó khăn".
Nhiều nhiệm vụ, giải pháp được cơ quan thẩm tra nhấn mạnh. Trong đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị, Chính phủ chủ động phân tích, dự báo diễn biến các thị trường quốc tế để có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp.
Cơ quan thẩm tra lưu ý việc đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, tháo gỡ rào cản, chú trọng khâu thực thi; chú trọng thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt công trình trọng điểm như chuẩn bị dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, phát triển hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng…
Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy lùi tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy.