Vứt con mới đẻ giữa trời nắng nóng, người mẹ bị xử lý ra sao?
(Dân trí) - Theo quan điểm của luật sư, trường hợp người phụ nữ bỏ rơi con mới sinh giữa trời nắng nóng có thể sẽ chỉ bị xử lý hành chính.
Như tin đã đưa, đêm 6/6, chị P.T.T. (SN 1989, trú tại Hà Nam) trở dạ, sinh một cháu bé ở ruộng rau cạnh đền Mẫu (thôn Thanh Tiến, xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không thể nuôi được con và không muốn ai biết sự việc nên ngay sau khi sinh, chị T. đã bế con trèo vào phía sau đền Mẫu vứt bỏ.
Chiều 8/6, cháu bé được người dân phát hiện trong tình trạng không có quần áo mặc, 2 mắt, mũi, miệng, cơ thể đang bị dòi bọ bám dính, kiệt sức sau hai ngày không được ăn uống và phải chịu cái nắng 40 độ C.
Ngay sau đó, cháu bé được sơ cứu, đưa vào Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây rồi chuyển xuống Bệnh viện Xanh Pôn để cấp cứu. Cháu bé bị nhiễm trùng nặng, rối loạn đông máu, nguy hiểm đến tính mạng. Đến nay may mắn sức khỏe của cháu đã tiến triển tốt và đang được các bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn chăm sóc chu đáo.
Phân tích về vụ việc, luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - cho rằng, hành vi của người mẹ trên đáng lên án, vi phạm đạo đức, trực tiếp xâm phạm đến quyền cơ bản của trẻ em theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em.
Cụ thể, mọi trẻ em sinh ra đều có quyền được sống, được chăm sóc, nuôi dưỡng trước cũng như sau khi ra đời. “Các bậc cha mẹ là những người chịu trách nhiệm chính trong việc nuôi nấng và giáo dục con cái của mình, cung cấp cho các em cơm ăn, áo mặc…” - Công ước nêu.
Điều 4, 6 và 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định: “Trẻ em, không phân biệt gái, trai, con trong giá thú, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con riêng, con chung... đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật”; “Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật”.
Theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, cha mẹ có nghĩa vụ “thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con...”; đồng thời, luật cũng quy định cha mẹ không được “ngược đãi, hành hạ, xúc phạm con”.
Xuất phát từ các chế định pháp lý về quyền trẻ em được pháp luật bảo hộ, mọi hành vi xâm phạm đến quyền của trẻ em, trong đó có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, tùy theo mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự nếu có hậu quả chết người xảy ra.
Trong vụ việc trên, theo luật sư Tuấn, người mẹ do hoàn cảnh khó khăn, quẫn bách, có hành vi bỏ rơi đứa con mới đẻ của mình, từ bỏ quyền làm mẹ, bỏ con xuống miệng cống trong điều kiện thời tiết nắng nóng trên 40 độ C, có dấu hiệu của tội “Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ” theo Điều 124 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tuy nhiên, để thỏa mãn tội danh này, ngoài các dấu hiệu cấu thành cơ bản định tội thì dấu hiệu bắt buộc phải có là hậu quả chết người xảy ra. Trong trường hợp cụ thể này, mặc dù hành vi của người mẹ thỏa mãn đầy đủ các cấu thành của tội danh trên nhưng cháu bé may mắn được cứu sống do người dân phát hiện kịp thời (hậu quả chết người chưa xảy ra) nên chưa có đủ căn cứ khởi tố, điều tra người mẹ về tội danh theo Điều 124.
Theo đó, người mẹ trong vụ việc này có thể chỉ bị xử phạt hành chính theo khoản 1, khoản 2 Điều 22 Nghị định 144/2013/CP. Cụ thể: phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh; Cha mẹ; người giám hộ cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Điều 124 Bộ luật hình sự năm 2015
Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ
“Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.
Tiến Nguyên