Vùng bão trải rộng, nhiều người bị mất tích

(Dân trí) - Cơn bão số 1 đang đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh với cường độ ngày càng mạnh đã nhấn chìm nhiều tàu thuyền, tốc mái nhiều nhà dân. Thống kê sơ bộ đến giờ phút này đã có nhiều người bị sóng biến cuốn trôi mất tích.

*Tiếp tục cập nhật...
 
Lúc 20h, trời Hà Nội nổi cơn giông lớn, bão Conson đã bắt đầu “đổ bộ” về Thủ đô. 21h30, mưa xối xả, gió rít từng hồi trong trung tâm thành phố. Hầu khắp các tuyến đường chỉ còn lác đác người, trong mưa bão ai ai cũng vội vã trở về nhà.
 
Ở khu vực Kim Mã, Liễu Giai (quận Ba Đình) nước mưa trắng xóa, các nhà hàng đều đóng cửa kín mít. Trên phố Nguyễn Thái Học, những nhà dân ở mặt đường đều đã chuẩn bị “lá chắn” phòng nước lớn tràn vào nhà.
 
Tại khu vực Lĩnh Nam, Lạc Trung, nhiều cây xanh nghiêng ngả vì mưa to gió lớn, một số tuyến đường cây xanh bị gãy cành và quật đổ như: Tam Trinh, Nguyễn Trãi...
 
Đến 23h, theo thông báo của Công ty Thoát nước Hà Nội, lượng mưa đo được ở trạm Vân Hồ là 10mm, trên địa bàn thành phố chưa có điểm nào xảy ra úng ngập. Tuy nhiên, dự báo sáng mai bão Conson mới thực sự gây ảnh hưởng trực tiếp cho Hà Nội và sẽ có mưa to đến rất to nên khả năng xảy ra ngập úng tại các khu vực trũng.
 
Theo thông tin mới nhất mà Dân trí nhận được, tại TP Hải Phòng bão Conson đã làm 3 người bị thương (1 người bị thương do cây đổ), 97 nhà bị tốc mái. Hiện 14 người trên 4 tàu bị đắm (3 tàu du lịch và 1 tàu đánh cá) đã được cứu sống.
 
Theo dự đoán của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Hải Phòng, bão số 1 vẫn hoạt động trên địa bàn Hải Phòng ít nhất đến 23 giờ đêm nay.
 
Vào hồi 15h10, tại bến Gia Luận, chiếc tàu du lịch mang tên Bái Tử Long đã bị đắm. 4 thuyền viên trên tàu may mắn được cứu thoát. Sau đó ít giờ, hồi 18h50, hai chiếc tàu du lịch khác là Hoàn Cầu và Ánh Dương cũng bị sóng đánh chìm. Lực lượng cứu hộ đã cứu được 4 người trên tàu Hoàn Cầu và đang tiếp cận tàu Ánh Dương.
  
19h30, nước biển bắt đầu tràn vào thị trấn Cát Hải.


Vùng bão trải rộng, nhiều người bị mất tích - 1

Nước tuôn xối xả vào những con phố trũng của thị trấn Cát Hải. (Ảnh chụp lúc 20h ngày 17/7/2010. Ảnh: Tiến Nguyên)

Vùng bão trải rộng, nhiều người bị mất tích - 2

Người dân đứng canh những "con đập" trước cổng nhà

 
20h chưa có mưa nhưng gió lên, sóng mạnh, nước tràn vào thị trấn khiến nhiều tuyến đường phố ngập nước. Trên tuyến phố chính, hàng loạt cây gạo gai rơi cành ngổn ngang. Một cây lớn chắn ngang đường khiến đoàn xe của BCH PCLB huyện bị kẹt lại. Toàn huyện mất điện từ hơn 14h chiều. Hiện, gió càng lúc càng giật dữ dội.

 
Vùng bão trải rộng, nhiều người bị mất tích - 3
Người đi xe mô tô bị gió bão thổi ngã trên cầu Bãi Cháy. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)
 
15h chiều nay, mưa bão đang dần đổ bộ vào bờ gây gió lớn và mưa to tại Quảng Ninh. Tại cầu Bãi Cháy (TP Hạ Long), đã có rất nhiều trường hợp đi xe máy qua cầu bị gió thổi ngã rất nguy hiểm. Để đảm bảo an toàn cho người dân, Sở GTVT Quảng Ninh đã chính thức ban hành lệnh cấm người sử dụng phương tiện thô sơ, xe máy qua cầu Bãi Cháy tại hai đầu cầu.
 
Theo đó, Sở GTVT Quảng Ninh cũng đã bố trí sẵn phương tiện cần thiết để phục vụ những người dân có nhu cầu đi lại cần thiết nhất trong thời điểm mưa bão đang đổ bộ vào TP Hạ Long.
 
Ông Chu Văn Tuyển - Phó trưởng ban chỉ huy PCLB Quảng Ninh cho biết: “Tính đến hơn 16h30 chiều nay, tại TP Hạ Long đã có mưa to kèm gió giật trên cấp 6, mưa mỗi lúc một lớn. Từ hơn 15h, trên địa bàn tỉnh đã bị mất điện trên diện rộng. Hiện Ban chỉ huy PCLB đang tích cực theo dõi thông tin cơn bão để có được những sự hỗ trợ cần thiết cho từng khu vực”.
 
Theo thông tin ghi nhận ban đầu từ các cơ quan ban ngành Quảng Ninh thì sự cố mất điện trên diện rộng do mưa bão, gió lớn. Mưa bão đã làm đổ 1 cột phát sóng của Đài TTTH Vân Đồn và 1 ăng ten phát sóng tại huyện Vân Đồn.
 
 
Vùng bão trải rộng, nhiều người bị mất tích - 4


Vùng bão trải rộng, nhiều người bị mất tích - 5

Sóng càng lúc càng mạnh lên tại biển Cát Hải - Hải Phòng. (Ảnh chụp lúc 18h ngày 17/7/2010. Ảnh: Tiến Nguyên)

Vùng bão trải rộng, nhiều người bị mất tích - 6

Các lực lượng chức khẩn trương sơ tán người dân khỏi vùng bão. (Ảnh: Tiến Nguyên)
 
Từ 16h, bão số 1 đã đổ bộ vào đảo Cô Tô với sức gió giật lên cấp 12. Người dân trên đảo đã được sơ tán khỏi khu vực xung yếu. Tại thời điểm hiện tại chưa ghi nhận được trường hợp thiệt hại nào về người.
 
Ông Mai Tuấn Phượng - Phó Chủ tịch huyện Cô Tô cho biết: “Trước khi cơn bão đổ bộ vào đảo, UBND huyện đã sử dụng tàu cao tốc đi kiểm tra và yêu cầu tất cả các phương tiện hoạt động trên khu vực xung quanh đảo vào nơi trú ẩn an toàn. Để đối phó với cơn bão, địa phương đã huy động thêm một trung đội dân quân, lực lượng công an và dân phòng chuẩn bị thường trực hỗ trợ ngay khi cơn bão đổ bộ vào đảo”.


Vùng bão trải rộng, nhiều người bị mất tích - 7
Nhiều du khách hối hả rời Quảng Ninh để chạy bão. (Ảnh: Quốc Đô)
 
Phát biểu tại cuộc họp khẩn cấp vào sáng nay, ông Nguyễn Văn Đọc - Phó Chủ tich thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, theo dự báo, phạm vi ảnh hưởng của cơ bão số 1 rất rộng, có gây mưa bão lớn khó có thể nắm bắt được ảnh hưởng cụ thể.
 
Do đó, Ban Chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh đã chỉ đạo các địa phương như Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ sẵn sàng phương án di dân ở những vùng có nguy cơ sạt lở. Đồng thời, triển khai các phương án dự phòng, thường trực 24/24 để hỗ trợ những khu vực xung yếu khi bão số 1 chính thức đổ bộ vào Quảng Ninh.
 
17h30,  phóng viên Dân trí đang có mặt tại thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải, thành phố Hải phòng cho biết, ở đây gió bắt đầu mạnh hơn, sóng biển dâng cao và  mưa nhỏ. Công tác di dân vẫn đang tiếp tục được triển khai. Các cán bộ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thị trấn đang tiếp tục có mặt tại hiện trường để triển khai công tác phòng chống bão.
 
Đến 18h, mưa ngớt, gió bắt đầu chuyển hướng đông bắc, tại khu vực bờ kè dọc thị trấn Cát Hải, sóng mạnh lên nhanh chóng. Nhiều con sóng vượt qua cả bờ kè sang bờ bên kia. Sau mỗi đợt sóng, những tảng đá bị sóng cuốn ra xa va vào nhau phát ra những tiếng kêu lớn.
 
Một số kè xung yếu thuộc địa bàn tổ dân phố Hải Lộc, thị trấn Cát Hải có nguy cơ bị vỡ. Ban chỉ huy PCLB thành phố nhận định, hiện không thể khắc phục đoạn kè này và đã yêu cầu di chuyển  người và tài sản ra khỏi khu vực.
 
Không phải là “tâm bão”, nhưng những địa phương được xác định sẽ bị ảnh hưởng bởi cơn bão Conson người dân cũng hồi hộp chờ đón bão. Bị ám ảnh bởi cơn đại hồng thủy cuối năm 2008, nhiều người Hà Nội đã tấp nập đi mua sắm, tích trữ thực phẩm.
 
Ở Hà Nội, các hoạt động đã bớt tập nập hơn, ngay từ chiều, nhiều cửa hàng đã đóng cửa từ khá sớm. Trung tâm thành phố Hà Nội không ồn ào và nhộn nhịp như những ngày cuối tuần trước đó.
 
Vùng bão trải rộng, nhiều người bị mất tích - 8
Bão chưa tới nhưng một số nơi, giao thông Hà Nội đã rối (Ảnh: Như Quỳnh)
 
Đối với người Hà Nội, những thông tin về sự ảnh hưởng của bão không khỏi khiến người dân lo sợ, bởi nỗi lo úng ngập và đặc biệt lo lắng cơn bão Conson với những ngày mưa kéo dài có thể sẽ tái diễn hình ảnh của trận đại hồng thủy lịch sử hồi cuối năm 2008.
 
Chị Hà (ở quận Đống Đa) chia sẻ: “Cứ có mưa, có bão là tôi lại ngay ngáy trong lòng. Nhà tôi ở Thái Thịnh, nghe thông tin về cơn bão số 1 mà tôi đứng ngồi không yên vì nhiều thứ phải lo: lo nhà bị ngập, lo con đi học, lo thực phẩm, lo bị chìm sâu trong nước như năm 2008… Tôi đã đi mua thực phẩm tích trữ sẵn trong nhà cho yên tâm. Cầu mong bão suy yếu và mưa ít thôi!”.
 
Tại Thanh Hóa: Đến thời điểm này các địa phương đã nghiêm túc thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa trong công tác chuẩn bị, lên phương án nhằm đối phó với diễn biến của cơn bão số 1.
 
Toàn huyện Hậu Lộc có 12km đê biển đã cơ bản được kiên cố hóa. Riêng đoạn đê tại khu vực thôn Ninh Phú, xã Đa Lộc cao trình chưa đảm bảo nên đang thực hiện dự án nâng cao cao trình để chống tràn. Hiện tại hơn 800 m đê tại đây đang được thi công, địa phương đã tiến hành phủ bạt che chắn phòng nước dâng cao cuốn trôi mặt đê. Ngoài ra, trong tổng số hơn 100 km mặt đê tại huyện Hậu Lộc cũng đã được kiểm tra rà soát kỹ.
 
Vùng bão trải rộng, nhiều người bị mất tích - 9

Gia cố đê tại Thanh Hóa. (Ảnh: Duy Tuyên)

Bên cạnh đó công tác tìm kiếm cứu nạn cũng được địa phương quan tâm, tất cả lực lượng đều được chuẩn bị tại chỗ để khi trường hợp xảy ra có thể huy động ngay.
 
Ông Nguyễn Văn Ấp, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho biết: “Ngay từ ngày 16/6, sau khi nhận được thong tin về cơn bão có khả năng đổ bộ vào Bắc Thanh Hóa, chúng tôi dừng tất cả các cuộc họp, hội nghị để lo công tác phòng chống bão”.
 
Còn tại huyện Nga Sơn, địa phương được cho là cách trung tâm bão không xa về hướng Đông Bắc của tỉnh Thanh Hóa cũng đã có phương án chuẩn bị đối phó với cơn bão số 1.

Tại huyện Tĩnh Gia, sáng 17/7, do chủ quan khi bão chưa vào nên có một trường hợp khách du lịch đã bị sóng to cuốn trôi khi đang tắm biển tại khu vực biển xã Hải Hòa, đến thời điểm này vẫn chưa tìm thấy nạn nhân này. Nạn nhân được xác định là nữ (SN 1982) trú ở Sơn Tây, Hà Nội.
 
 
Vùng bão trải rộng, nhiều người bị mất tích - 10

Người dân đang chèo chống nhà cửa và chặt cây cối phòng bão đến. (Duy Tuyên)
 
Nghệ An, chúng tôi có mặt tại xã ven biển Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An với hàng ngàn tàu thuyền lớn nhỏ đã được neo đậu dây an toàn. Tại cảng Lạch Quèn, Quỳnh Thuận hầu hết các phương tiện tàu thuyền nơi đây đã được chằng chéo, neo buộc an toàn. Tuy nhiên, một nghịch lý là, hiện tại số tàu thuyền về nơi trú ẩn quá đông đúc, các tàu thuyền lại được cột, néo đậu quá gần nhau nên nhiều ngư dân e ngại khi xảy ra bão có thể bị ảnh hưởng như hư hỏng bởi va đập.
 
Một số ngư dân vừa đi biển về chiều ngày 16/7 cho biết, sau khi nhận được thông tin báo bão khẩn cấp nên hầu hết các ngư dân kéo lưới và quay trở về đất liền. Hầu hết các tàu thuyền đều đầy cá, nhưng đến khi về bến thì số lượng người mua giảm hẳn. Bởi một lúc hàng ngàn chiếc tàu chở cá đều cập bến.

Vùng bão trải rộng, nhiều người bị mất tích - 11

Thành phố Vinh vắng lặng vì mưa bão (Ảnh: Nguyễn Duy)
 
Tại thị xã Cửa Lò, Cửa Hội, Diễn Châu ngay trong sáng nay BPCLB Nghệ An cũng đã tiến hành diễn tập phòng chống ứng cứu thiên tai. Các phương án sẵn sàng cho việc tác chiến ứng cứu trong lúc mưa bão xảy ra được chuẩn bị chu đáo, đến nơi đến chốn và có mặt mọi nơi mọi lúc khi sự cố xảy ra.
 
Theo thường trực Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Ngãi, cho đến trưa 17/7, đã có 71/77 ngư dân trên 6 tàu đánh cá bị chìm khu vực quần đảo Hoàng Sa do ảnh hưởng bão Conson được cứu.
 
Tuy nhiên, tàu đánh cá mang số hiệu QNg- 55940-TS của ngư dân Nguyễn Văn Tấn ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) với 10 thuyên viên đã bị chìm. Chỉ 4 lao động trên tàu may mắn đã được tàu của ngư dân khác cứu vớt còn 6 lao động vẫn chưa tìm thấy.
 
Tại Thái Bình, đến 19h ngày 17/7, siêu bão Conson đã gây mưa to trên diện rộng, kèm theo đó là các trận gió lớn giật tới cấp 8 - 9 nhiều nơi bị mất điện.
 
Vùng bão trải rộng, nhiều người bị mất tích - 12
Một số tuyến phố của Thái Bình đã bị ngập lụt: (ảnh, CTV)
 
Nước mưa không kịp thoát nên khoảng 20h tối nay tại TP Thái Bình đã xảy ra tỉnh trạng ngập úng trên một số tuyến phố.
 
Hiện tại chưa có con số thống kê chính xác về thiệt hại tại Thái Bình do bão gây ra. Tuy nhiên nếu mưa lớn, khả năng bị thiệt hại về nuôi trồng thủy sản tại các xã ven biển của tình này là khá cao cho dù các chủ đầm nuôi trồng thủy hải sản đã chủ động phòng chống.
 
Nhóm phóng viên 
 
*Độc giả có thông tin, ảnh và video về cơn bão Conson ở các địa phương, xin gửi vào địa chỉ email dantri@dantri.com.vn. Trân trọng cảm ơn!