Gian nan vận động người dân đi tránh bão
(Dân trí) - Cơn bão số 1 đang tiến vào đất liền với sức tàn phá rất lớn. Sau lệnh sơ tán hàng trăm cán bộ Ban chỉ huy PCLB thị trấn Cát Hải (Hải Phòng) thay nhau đi vận động song người dân vẫn “bình chân như vại”, chưa chịu đi tránh bão.
Đến từng hộ dân trong diện di dời để vận động.
Lúc 11h trưa nay 17/7, lệnh di chuyển, sơ tán dân được ban ra. Đối tượng tập trung sơ tán đầu tiên là những người già, trẻ nhỏ và phụ nữ. Bên cạnh đó, các hộ dân có nhà gần khu vực bờ kè, khu vực xung yếu, nhà cấp 4 không đủ vững chắc… cũng được lệnh khẩn trương sơ tán đến nơi an toàn.
Thị trấn Cát Hải đã chỉ đạo dọn dẹp trường cấp 2 thị trấn và 2 trường cấp 1, cùng nhà văn hoá và trụ sở các ban ngành trong thị trấn để làm nơi tránh bão cho nhân dân.
Ngay sau khi lệnh sơ tán dân được ban ra, các thành viên trong Ban chỉ huy PCLB & TKCN thị trấn Cát Hải đã khẩn trương “vào cuộc”, chia thành từng tốp đến vận động các hộ dân trong danh sách đã được BCH thống kê, lập từ trước đó.
Gió ngày một lớn hơn, các tốp cán bộ đến từng hộ vận động song hầu hết đều nhận được những cái xua tay. Những người dân ở đây quanh năm làm bạn với biển, đã quen với sự lên xuống của từng con nước và nhiều người từng đối đầu với hàng chục cơn bão. Thế nên, khi các thành viên BCH PCLB đến vận động, hầu hết người dân đều viện lý do con nước thấp để từ chối di chuyển.
“Tôi sống bao năm rồi, nước thấp thế này thì ngập làm sao được mà phải sơ tán” - một ông lão móm mém “mắng” lại tổ công tác.
Không giấu được sự lo lắng, ông Nguyễn Văn Ninh - Tổ trưởng tổ dân phố Hải Lộc cho biết: “Mọi người cứ chủ quan như vậy khiến chúng tôi rất lo. Như năm 2005, nước thấp, thế mà chỉ hơn 1 tiếng sau, nước đã ngập cả thị trấn. Nhiều người may mắn thoát nạn song đồ đạc, tài sản bị thiệt hại rất nhiều”.
Cũng theo ông Ninh, những năm trước, khi con nước dâng cao, nhiều người vẫn không chịu di dời, lực lượng dân quân tự vệ và bộ đội biên phòng phải hỗ trợ, “cưỡng chế” mọi người di chuyển.
Ghi nhận của PV Dân trí, nhiều hộ gia đình đã chủ động kê đồ đạc, tài sản lên cao, tránh ngập lụt, song hầu hết vẫn chưa chịu di chuyển. Một số hộ cho biết, họ sẽ sang nhà người quen để trú nên sẽ không ra nơi trú bão do thị trấn bố trí.
4 năm nay, Thượng uý Nguyễn Văn Lưu (Đồn Biên phòng Cát Hải) đã quen với việc đi vận động nhân dân sơ tán mỗi khi bão về. Năm nào, anh cũng gặp những trường hợp “cứng đầu” như năm nay. “Có năm, mọi người phải hò nhau khiêng người ta đi ấy chứ” - anh Lưu vui vẻ kể lại.
Đến 14h, thời điểm phải hoàn thành việc sơ tán, di dời dân đến nơi tránh bão an toàn, gió bắt đầu to hơn, mưa cũng có phần nặng hạt hơn song vẫn chưa đủ để “doạ” cho các hộ dân ra khỏi nhà. Các nhóm, các tốp cán bộ lại toả đi khắp thị trấn vận động một lần nữa. Lân này, với thái độ cương quyết hơn, nhiều gia đình đã đồng ý song lại “xin” nấu cơm ăn xong mới đi.
Tại đình làng Hải Lộc, nơi “tập kết” của các nhóm vận động, thi thoảng lại có một nhóm về và điều giống nhau là ai cũng lắc đầu.
Lúc 15h30, gió thêm lớn. Những cánh cửa đình tuột móc dập ầm ầm. Các nhóm lại toả đi vận động, cương quyết sẽ cưỡng chế nếu gia đình nào không chịu sơ tán…
Một số hình ảnh về cuộc vận động gian nan mà PV Dân trí ghi lại được:
Các phòng học được dọn bàn ghế gọn gàng làm nơi trú bão cho người dân.
Những người dân đầu tiên di dời đến nơi trú bão.
Huy động cả loa phóng thanh để vận động.
Dân quân tự vệ nhường áo mưa cho các cụ già.
Những cụ già neo đơn đồng ý ra nơi trú ẩn do thị trấn bố trí.
Các cán bộ BCH PCLB chia nhau đi khắp thị trấn vận động người dân sơ tán.
Nhiều hộ dân còn khá lưỡng lự, chưa muốn đi sơ tán.
Vừa đi vận động, BCH vừa phải theo dõi tình hình sóng gió.
Qua buổi trưa, thị trấn Cát Hải vắng tanh vì gió to, mưa dần nặng hạt.
Vẫn có cụ già khá cương quyết, không chịu di dời.
Tiến Nguyên