1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hải Phòng:

Vào nơi tâm bão sắp... đổ bộ

(Dân trí) - Bến phà vắng lặng, những chiếc phà đã về nơi trú đậu an toàn. Huyện đảo Cát Hải - nơi được dự báo sẽ là nơi tâm bão đi qua - “nóng bừng” không khí chuẩn bị đón cơn bão đầu mùa.

Vào nơi tâm bão sắp... đổ bộ - 1
Bến phà Đình Vũ đã ngừng việc chở khách từ chiều qua, 16/7.
 
7h sáng nay, 17/7, bến phà Đình Vũ vắng hoe, chỉ còn những cán bộ Ban quản lý túc trực, theo dõi tình hình mưa bão. Trước lối xuống bến, một biển báo được dựng lên, thông báo tạm dừng hoạt động các chuyến phà do thời tiết xấu. Theo các cán bộ, nhân viên tại đây, ngay từ chiều qua, những chuyến phà cuối cùng đã khá vắng người qua lại. Đến sáng nay, toàn bộ những chiếc phà đã được đưa về nơi neo đậu an toàn.

7h30, nắng vẫn rạng rỡ khắp bờ biển. Những hàng phi lao bắt đầu vi vút gió. Thi thoảng, nhưng hạt mưa nhỏ vẫn đổ xuống trong chốc lát.

Nhận định tình hình mưa bão có thể diễn biến rất phức tạp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hải Phòng Lê Văn Hiến đã trực tiếp ra huyện đảo Cát Hải, nơi được dự báo tâm bão sẽ đi qua và cũng là nơi nhiều năm qua phải chịu thiệt hại nặng nề nhất của Hải Phòng trong các cơn bão.
 
Vào nơi tâm bão sắp... đổ bộ - 2
PV Dân trí và ông Lê Văn Hiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT trên đường ra huyện đảo Cát Hải, nơi được dự báo sẽ là nơi tâm bão đổ bộ.

Tất cả các chuyến phà đều phải dừng lại, Công ty giao thông đường thuỷ Hải Phòng phải điều động một xuồng cao tốc đưa lãnh đạo Sở NN&PTNN ra đảo, chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão.

Ngồi trong chiếc xuồng cao tốc, ông Hiến - người đã có kinh nghiệm mấy chục năm phòng chống lụt bão phóng tầm mắt về phía biển xa, đăm chiêu suy nghĩ. Theo nhận định của ông Hiến, nếu bão Conson đổ bộ vào Cát Hải trong thời điểm này thì sẽ rất “căng”. Sóng biển có thể đánh cao đến 4-5m, đảo Cát Hải có thể ngập tới 1m.

Gió bắt đầu thổi mạnh. Chiếc xuồng chở chúng tôi ngày càng dập dềnh, lắc lư mạnh. Ông Hiến nhớ lại năm 2005, những cơn bão đã tàn phá nặng nề huyện đảo Cát Hải. Ông vẫn chưa quên hình ảnh một ông cụ kiên quyết bám trụ với bè cá của gia đình. Đến khi bão về, triều dâng cao, bè cá trôi dạt ra ngoài khơi, lực lương cứu hộ phải huy động rất đông người và tàu cứu nạn mới kéo được bè cá cùng ông lão về.
 
Vào nơi tâm bão sắp... đổ bộ - 3
Anh Nguyễn Thế Toàn, cán bộ văn hoá thông tin thị trấn Cát Hải liên tục đọc thông báo trên loa phát thanh.

Cùng thời điểm chúng tôi đang trên xuồng ra đảo, tại huyện đảo Cát Hải đang diễn ra một cuộc họp khẩn để triển khai công tác sơ tán dân. Theo kế hoạch được đề ra, nếu bão vào, triều thấp, toàn huyện đảo phải sơ tán khoảng 1.900 dân; nếu triều cao sẽ phải di dân ra khỏi đảo. Song theo đánh giá, mực nước biển đang ở mực thấp, việc xảy ra ngập lụt nặng ở đảo là không cao nên tất cả đang tập trung triển khai phương án di dân tại chỗ, đưa người dân ở những vùng xung yếu đến nơi an toàn ngay trên đảo.

5 tổ công tác được thành lập với thành phần là các cán bộ huyện, thị trấn, xã, lực lượng công an và bộ đội biên phòng. Trong buổi sáng nay, công việc chủ yếu của các tổ công tác là vận động người dân thu dọn nhà cửa, chuẩn bị sẵn sàng di chuyển đến nơi an toàn khi bão đổ bộ vào.

Trung tá Trần Đức Bảo - Phó Trưởng Công an thị trấn Cát Hải, phụ trách một tổ công tác - cho biết, phương án di dân cụ thể của từng xã, thị trấn đã được địa phương lập rất chi tiết và đã triển khai đến người dân từ đêm qua. Người dân trong đảo cũng có khá nhiều kinh nghiệm đối đầu với bão lũ nên đã chủ động, tự giác di chuyển tài sản đến nơi an toàn trước và mua các nhu yếu phẩm cần thiết. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều “nước đến chân mới nhảy” (theo đúng nghĩa đen), khi nào triều dâng, nước ngập mới chạy.

Địa bàn thị trấn Cát Hải là nơi tập trung đông dân cư nhất với 6.000 dân trên tổng số 14.000 dân của toàn huyện đảo, trong đó, số dân cần sơ tán là khoảng 800 người. Thị trấn đã chủ động chuẩn bị các nơi cao để người dân sơ tán như trụ sở các ban ngành, trạm y tế, trường học…
 
Vào nơi tâm bão sắp... đổ bộ - 4
Từng ngõ ngách trong thị trấn đều được thông báo với sự năng nổ, nhiệt tình của các dân quân tự vệ.

Tại trụ sở UBND thị trấn Cát Hải, các cán bộ uỷ ban đang khẩn trương hoàn thành các công tác chuẩn bị đối phó bão. Người theo dõi tin tức, người đi mua đồ nhu yếu phẩm, vận chuyển phao cứu hộ, người tham gia tổ công tác đi xuống từng khu dân cư thông báo… Trong phòng phát thanh, anh Nguyễn Thế Toàn - cán bộ văn hoá thông tin của xã liên tục đọc các thông báo mới nhất của Ban chỉ đạo PCLB thành phố về diễn biến tình hình cơn bão để người dân chủ động hơn.

Tổ dân phố Hải Lộc là nơi thấp nhất của thị trấn Cát Hải. Nơi đây có tới 100/270 hộ phải di chuyển đến nơi cao hơn để tránh bão. 9h sáng, hai đồng chí dân quân tự vệ thị trấn vừa đi một vòng quanh tổ dân phố, vác loa thông báo việc di chuyển tới từng ngõ ngách.

Một đám cưới đã ấn định ngày đang được tổ chức tại nhà văn hoá của thị trấn. Đã hơn 9h song mới chỉ có gia đình cô dâu, chú rể có mặt. Rất có thể, đám cưới này sẽ được tổ chức chóng vánh để chạy bão. Một kỷ niệm cho ngày cưới của đôi uyên ương.

Dọc đường phố thị trấn, nhiều hộ dân chủ động chặt những cây sát nhà đề phòng đổ gẫy. 9h30, gió lớn dần, những cơn mưa bắt đầu nặng hạt hơn. Người dân Cát Hải đang “nín thở” chờ cơn bão đầu tiên…
 

Lúc 11h trưa 17/7, Trưởng ban Phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn huyện Cát Hải - Hải Phòng đã ban hành lệnh sơ tán nhân dân. BCH yêu cầu khẩn trương tổ chức sơ tán nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm ở các vùng ven biển, vùng trũng và các khu nhà xung yếu không đảm bảo an toàn theo phương án đã đề ra. Toàn bộ công việc sơ tán nhân dân của các xã thị trấn khu vực Đôn Lương phải hoàn thành trước 14h ngày 17/7.

 
 
Tiến Nguyên
 
*Độc giả có thông tin, ảnh và video về cơn bão Conson ở các địa phương, xin gửi vào địa chỉ email dantri@dantri.com.vn. Trân trọng cảm ơn!