Vừa lao đao vì sạt lở lũ quét, Khánh Hòa lại cuống cuồng lo bão số 9
(Dân trí) - Kiên quyết cưỡng chế các hộ dân trong diện di dời sơ tán và tăng cường kiểm tra sau di dời, không để người dân quay trở lại vùng nguy hiểm; khẩn trương triển khai các phương án ứng phó với cơn bão số 9 - Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh nhấn mạnh.
Cương quyết cưỡng chế dân sơ tán khỏi vùng nguy hiểm
Sáng 22/11, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đợt mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét kinh hoàng xảy ra hôm 18/11 trên địa bàn TP Nha Trang đã khiến 19 người chết, 28 người bị thương, 4 tàu cá bị chìm cùng nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng. Mưa lớn kỷ lục trong vòng 6 giờ đồng hồ đạt mức 300mm.
Trước tình hình cơn bão số 9 có khả năng sắp đổ bộ vào khu vực Nam Trung Bộ, Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh cho biết đã triển khai các phương án ứng phó với mưa bão.
Trước mắt, tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, phổ biến thông tin về cơn bão kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh, chằng chống nhà cửa.
Hiện nay tại Khánh Hòa có hơn 910 địa điểm xung yếu, với 280.000 dân, 44.000 lồng bè... cần sơ tán. Tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các địa phương tập trung theo dõi diễn biến cơn bão, căn cứ phương án của tỉnh, huyện và xã để chỉ đạo quyết liệt trong việc di dời, sơ tán người dân ra khỏi những khu vực xung yếu trước khi có thiên tai xảy ra, đặc biệt các vị trí dễ có lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, các khu vực nuôi trồng lồng bè trên biển.
“Kiên quyết cưỡng chế các hộ dân trong diện di dời sơ tán và tăng cường kiểm tra sau di dời, không để người dân quay trở lại vùng nguy hiểm”, ông Lê Đức Vinh nhấn mạnh.
Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa cũng bố trí lực lượng chốt chặn tại các vị trí xung yếu, ngầm tràn để không cho người dân, phương tiện đi qua các khu vực này; yêu cầu các dự án xây dựng nhanh chóng chằng chống, tháo dỡ các phương tiện xây dựng mất an toàn.
Người dân nháo nhào lo chằng chống nhà cửa
Theo ghi nhận, vào sáng 22/11, hàng chục người dân Nha Trang đã đổ xuống bãi biển phía đông đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng để lấy cát cho vào bao tải, chằng chống nhà cửa chống bão số 9.
Anh Nguyễn Văn Tý (phường Ngọc Hiệp, TP Nha Trang), một người dân lấy cát ở bãi biển phía đông đường Trần Phú cho biết: kinh nghiệm xương máu này được rút ra sau khi nhiều nhà cửa bị tốc mái, đổ sập trong cơn bão “con Voi” vào mùa đông năm ngoái.
“Năm ngoái nhà cửa chúng tôi bị sập vì bão nên giờ này lo lắng lắm, phải lấy cát chằng chống nhà cửa”, anh Tý nói.
Người dân Nha Trang đổ xô ra biển lấy cát chằng chống nhà cửa trước bão số 9 có thể đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa
Ông Bùi Cao Pháp, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng, cửa ngõ phía nam Nha Trang cho biết, trong đợt mưa lũ, gây sạt lở đất ven núi khiến xã này bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Hiện nay, xã này đã có 9 người chết, 1 người mất tích do sạt lở đất, lũ quét.
Nói về phương án đối phó với bão số 9 có thể đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa, ông Pháp cho biết đang triển khai các phương án di dời khoảng 500 hộ dân ra khỏi các vùng ven núi, ven đồi, có nguy cơ bị sạt lở đất cao như thôn Thành Đạt, Thành Phát, Phước Lộc...
Các hộ dân sẽ được di dời đến những nơi an toàn như nhà văn hóa thôn, trạm biên phòng, trường học...
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, 14h chiều 22/11, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 9 năm 2018.
Hồi 14h, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,4 độ Vĩ Bắc; 115,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 130km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm bão.
Vị trí và hướng di chuyển của bão số 9 (Ảnh: NCHMF).
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13h ngày 23/11, vị trí tâm bão ở khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 112,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Nam Trung Bộ khoảng 340km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90 km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 180km tính từ tâm bão.
Thủy Nguyên