Vụ xử hình sự chủ quán cà phê: Nhiều câu hỏi vẫn "lơ lửng"!
(Dân trí) - Cho đến thời điểm này, phía UBND huyện Bình Chánh, TP HCM mới chỉ có thể ghi nhận các câu hỏi dư luận đặt ra xung quanh sự việc anh Nguyễn Văn Tấn chủ quán cà phê “Xin chào” bị khởi tố vì tội chậm có giấy phép kinh doanh sau 5 ngày. Trong khi đó, Công an huyện này cũng "lỗi hẹn" việc trả lời báo chí...
Phải báo cáo vụ việc trước ngày 30/4
Sau khi báo giới lên tiếng vụ việc anh Nguyễn Văn Tấn chủ quán cà phê “Xin chào” bị khởi tố vì tội chậm có giấy phép kinh doanh sau 5 ngày, chiều 20/4 UBND TPHCM đã có văn bản chỉ đạo Công an Thành phố và đề nghị VKSND thành phố kiểm tra vụ việc.
Trong văn bản, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm yêu cầu Giám đốc Công an TP khẩn trương kiểm tra vụ việc khởi tố anh Nguyễn Văn Tấn vì chậm có giấy phép kinh doanh mà báo chí đã phản ánh, báo cáo UBND TP trước ngày 30/4/2016.
Ông Lê Thanh Liêm cũng đề nghị Viện trưởng VKSND TP phối hợp với Công an TP kiểm tra vụ việc nêu trên, thông tin cho UBND TP trước ngày 30/4/2016 để báo cáo Thường trực Thành ủy.
Sau khi có kết quả kiểm tra từ Công an, VKSND, UBND TPHCM sẽ xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Công an huyện “né” báo chí!
Chiều 20/4, nhiều phóng viên đã có mặt tại trụ sở Công an huyện Bình Chánh (TPHCM) để tìm hiểu kỹ hơn về việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với anh Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê “Xin chào” ở C12/26 khu phố 3, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh về hành vi “Kinh doanh trái phép”. Mặc dù đã có “lịch làm việc” với báo giới, nhưng đến giờ hẹn, lãnh đạo Công an huyện Bình Chánh không “đăng đàn” để trả lời những vấn đề liên quan đến vụ việc. Trong một diễn biến khác của vụ việc thì UBND huyện Bình Chánh cũng chỉ ghi nhận các câu hỏi của truyền thông và hẹn trả lời sau.
Rất nhiều phóng viên đứng đợi trước phòng tiếp dân trụ sở công an huyện chiều 20/4
Vụ chủ quán cà phê bị khởi tố: Lãnh đạo Công an huyện Bình Chánh từ chối gặp phóng viên
Trước đó, Đại tá Nguyễn Văn Quý - Trưởng Công an huyện Bình Chánh đã hẹn làm việc trực tiếp với giới truyền thông vào 14h ngày 20/4 nhằm mục đích thông tin những vấn đề liên quan đến việc khởi tố anh Tấn. Tuy nhiên, chiều 20/4, hàng chục phóng viên đã đợi ở trụ sở công an huyện mà không một ai tiếp, còn đại tá Quý không xuất hiện và điện thoại của ông thì không hồi âm…
Tuy nhiên, cho đến chiều cùng ngày, trao đổi qua điện thoại với PV Dân trí, đại tá Quý cho biết vụ việc sẽ được Công an TPHCM thông tin đến báo chí còn ông không thể trả lời vì chưa có sự chấp thuận của cấp trên.
Gần 15h cửa phòng mới được mở
Những câu hỏi chưa có lời đáp!
Ông Huỳnh Văn Phạm Hồng - Chánh Văn phòng UBND huyện cho biết, ngay khi báo chí đăng tin sự việc của anh Tấn (chủ quán cà phê Xin Chào), ông Võ Văn Quận - Chủ tịch UBND huyện đã có văn bản khẩn đến Trưởng công an huyện yêu cầu rà soát, báo cáo nội dung vụ việc.
Tại buổi làm việc, phóng viên các báo đã đặt ra nhiều câu hỏi như: Theo biên nhận, anh Tấn nộp xin cấp Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm ngày 4/9/2015. Ngày 20/9/2015, anh Tấn được trả hồ sơ nhưng không nêu lý do trả, nghĩa là anh Tấn chưa được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Xác minh qua Phòng Y tế thì Phòng Y tế trả lời là do đương sự tự nguyện nhận lại hồ sơ, trong khi anh Tấn khẳng định không có sự “tự nguyện” này?
Hơn nữa, theo kết luận điều tra của vụ án, ngày 10/9/2015, phòng Tài nguyên & Môi trường lấy mẫu nước ở quán anh Tấn. Ngày 21/9/2015 có kết quả. Phòng Tài nguyên & Môi trường mời anh Tấn lên lập biên bản vi phạm về việc mẫu nước không đảm bảo tiêu chuẩn nhưng trong thời gian đó hồ sơ đã chuyển xử lý hình sự. Vì sao một hành vi mà bị xử lý 2 lần?
Phóng viên cũng yêu cầu làm rõ những lần kiểm tra hành chính quán của anh Tấn, UBND huyện Bình Chánh có thành lập tổ hay đoàn kiểm tra liên ngành như trong hồ sơ vụ án nêu hay không? Trong khi đó, tại các bút lục trong hồ sơ, biên bản kiểm tra hành chính chỉ thể hiện thành phần kiểm tra là 2 cán bộ công an của huyện.
Một vấn đề quan trọng khác, trong giấy đăng ký kinh doanh do UBND huyện Bình Chánh cấp cho hộ kinh doanh của anh Tấn ngày 19/8/2015 có ghi ngành nghề: bán ăn uống, cà phê, nước giải khát (không kinh doanh rượu; chỉ hoạt động kinh doanh sau khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao)…
Tuy nhiên, cụm từ “kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao” hết hiệu lực từ năm 2013 nhưng không hiểu vì sao năm 2015, UBND huyện Bình Chánh vẫn dùng cụm từ này trong giấy phép kinh doanh. Điều đó, dẫn đến việc công an “vin” vào như một trong những yếu tố cấu thành tội hình sự cho anh Tấn.
Ngày 2/10/2015, Phòng Kinh tế huyện xác nhận phần ghi chú “Chỉ hoạt động kinh doanh sau khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao” chỉ nhằm mục đích thông tin cho hộ kinh doanh, còn việc kinh doanh của anh Tấn là đúng.
Vụ việc có dấu hiệu sai sót ngay từ khâu cấp giấy đăng ký kinh doanh, vậy UBND huyện Bình Chánh có động thái gì để sửa chữa không? Việc cấp giấy đăng ký kinh doanh có đảm bảo đúng quy định pháp luật hiện hành tại thời điểm đó hay không?
Chánh văn phòng UBND huyện Bình Chánh đã ghi nhận lại các câu hỏi của phóng viên và hứa sẽ trả lời vào ngày 22/4 tới.
Nhóm PV