1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vụ xe khách đâm xe cứu hỏa: Chuyên gia giao thông nói gì?

(Dân trí) - Theo một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu về an toàn giao thông đường bộ, có nhiều giả thiết dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) giữa xe cứu hỏa và xe khách trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ chiều 18/3, có thể có những phần lỗi của cả 2 tài xế.

Có phần lỗi của cả 2 tài xế?

Chuyên gia nêu quan điểm, xe cứu hỏa là xe được ưu tiên được quy định trong Luật Giao thông. Trong quá trình đi cứu nạn chiều 18/3, xe cứu hỏa đã bật đèn tín hiệu thực hiện quyền ưu tiên khi từ đường dẫn nhập vào cao tốc, điều này có nghĩa là xe cứu hỏa được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào.

Từ hình ảnh video về vụ TNGT, chuyên gia này phân tích, xe khách đã không có dấu hiệu giảm tốc độ hoặc động thái kiểm soát tình huống nguy hiểm cận kề. Nói cách khác, tài xế lái xe khách đã không quan sát để xử lý kịp thời xung đột giao thông, vì thế đã tông trực diện vào chiếc xe cứu hỏa, gây ra TNGT nghiêm trọng.

“Luật giao thông quy định, khi thấy tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường, không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên. Trường hợp này, xe khách đã vi phạm Luật giao thông.” - chuyên gia cho hay.

Hình ảnh xe khách tông trực diện xe cứu hỏa (ảnh cắt từ clip)
Hình ảnh xe khách tông trực diện xe cứu hỏa (ảnh cắt từ clip)

Xe cứu hỏa có trách nhiệm tiếp cận hiện trường vụ việc để cứu hộ, cứu nạn một cách nhanh nhất, vì thế việc sử dụng quyền ưu tiên để chọn lưu thông ngược chiều không phải là điều khó hiểu trong trường hợp này. Tuy nhiên, một giả thiết được chuyên gia giao thông đặt ra là tại sao tài xế không lựa chọn làn đường trong cùng bên trái - nơi có lượng xe ít hơn? Vì sao làn đường người lái xe cứu hỏa hướng tới để tiếp cận lại là làn có lượng phương tiện lưu thông nhiều nhất và chạy tốc độ cao nhất?

Vị chuyên gia này cũng đặt vấn đề, khi tham gia giao thông thì tài xế lái bất kỳ loại xe nào, kể cả xe ưu tiên cũng phải có ý thức quan sát tốt nhất và có trách nhiệm kiểm soát nguồn nguy hiểm cao độ có thể xảy ra, phải đảm bảo an toàn giao thông.

“Xe khách sai vì gây cản trở đối với hoạt động của xe ưu tiên và gây tai nạn, nhưng người lái xe cứu hỏa dường như cũng bị hạn chế quan sát. Tôi cho rằng ở đây có lỗi hỗn hợp của cả 2 tài xế. Để có được những đánh giá đầy đủ nhất về vụ TNGT cần có trích xuất dữ liệu từ hộp đen của xe khách và kết luận của cơ quan điều tra.”- chuyên gia giao thông nói.

"Xe ưu tiên cũng không được phép chạy ẩu!"

Dưới góc độ độc giả, nhiều bạn đọc báo Dân trí đã bày tỏ ý kiến trái chiều về vụ TNGT giữa xe cứu hỏa và xe khách trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Anh Bùi Tuấn (ở Hà Nội) nêu quan điểm: “Đồng ý là xe khách phải nhường đường cho xe cứu hỏa, nhưng ở đây xe cứu hỏa phải chạy vào làn đường khẩn cấp mới đúng. Ngoài ra, cần xem lại việc nhiều thực tế có nhiều người tham gia giao thông không có ý thức về làn đường khẩn cấp và cố tình cho xe chạy vào làn đường này, làm mất tác dụng của làn đường khi thực hiện cứu hộ, cứu nạn”.

Nhiều người cho rằng vụ TNGT có lỗi của cả 2 phương tiện, dù xe cứu hỏa là xe ưu tiên
Nhiều người cho rằng vụ TNGT có lỗi của cả 2 phương tiện, dù xe cứu hỏa là xe ưu tiên

Bạn đọc Hoangha nêu quan điểm: “Xe khách đi ẩu, không quan sát đường. Đã thấy xe ưu tiên là phải nhường đường chứ”.

Tuy nhiên, bạn đọc Lê Văn Lãng lại có quan điểm khác: “Dù xe cứu hỏa có được ưu tiên thì tài xế cũng phải quan sát, không thể chạy ẩu, tính mạng con người đâu phải chuyện ngồi tranh luận đúng, sai. Nay người chết thì ai chịu trách nhiệm đối với gia đình họ?”.

Đưa ra phân tích về lỗi vi phạm giao thông, bạn đọc Hoang Anh Vu cho rằng: “Quy định nào đi chăng nữa cũng không được gây nguy hiểm cho tính mạng con người. Về mặt kỹ thuật, người lái xe trên đường cao tốc với tốc độ 100 km/h không thể phản ứng được với 1 chướng ngại vật cố định, chưa nói đến chướng ngại vật di chuyển ngược chiều”.

Bạn đọc Hoang Anh Vu cũng cho rằng quy định xe nhường đường “về bên phải” trong trường hợp này là không phù hơp, khi xe ưu tiên đi bên phải (của xe phải nhường đường) mà xe nhường nép về bên phải (theo quy định) thì sẽ tai nạn... và tai nạn đã xảy ra.

Châu Như Quỳnh