1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ tài xế taxi bị đánh đến tử vong: Báo động văn hóa tham gia giao thông

Hải Nam

(Dân trí) - Theo luật sư, thay vì giải quyết mâu thuẫn va chạm bằng cách giải quyết nhẹ nhàng hoặc gọi cho cơ quan chức năng, nhiều người chọn phương thức giải quyết "tự xử", mang tính cực đoan.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tây Hồ, Hà Nội, đã khởi tố vụ án hình sự Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, ra quyết định tạm giữ hình sự Trần Duy Quang (21 tuổi, quê Thanh Hóa) để điều tra về hành vi hành hung tài xế taxi. Nạn nhân sau đó bị chấn thương sọ não và tử vong.

Trao đổi với phóng viên Dân trí sáng 7/3, luật sư Hà Thị Khuyên (Văn phòng Luật sư Nhân Chính) nhận định, hiện tượng dùng vũ lực giải quyết va chạm giao thông thể hiện "văn hóa tham gia giao thông" của một bộ phận người dân rất đáng báo động.

"Thay vì giải quyết mâu thuẫn va chạm bằng cách giải quyết nhẹ nhàng hoặc gọi cho cơ quan chức năng, nhiều người chọn phương thức giải quyết "tự xử", kiểu giải quyết mâu thuẫn mang tính cực đoan này có thể dẫn tới hậu quả đau lòng là các vụ án hình sự như: Giết người, Cố ý gây thương tích, Gây rối trật tự công cộng…", luật sư Khuyên nói.

Vụ tài xế taxi bị đánh đến tử vong: Báo động văn hóa tham gia giao thông - 1

Cảnh sát lấy lời khai Quang (Ảnh: Công an Hà Nội).

Luật sư Khuyên cho rằng, người dân cần hết sức bình tĩnh giải quyết mâu thuẫn khi va chạm giao thông, thượng tôn pháp luật, không vi phạm các quy định pháp luật khi tham gia giao thông, các quy tắc ứng xử khi tham gia giao thông, nâng cao ý thức và đảm bảo văn hóa khi tham gia giao thông.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định "Hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, hành vi khác gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ" là một trong những hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 23 Điều 8.

"Khi tham gia giao thông, nếu có va chạm, các bên cần bình tĩnh, nhẹ nhàng giải quyết. Nếu những va chạm có thể tự thỏa thuận và thương lượng được thì tự thỏa thuận.

Nhưng nếu qua vụ va chạm giao thông mà một trong các bên có va chạm có dấu hiệu không kiềm chế được cảm xúc và hành vi xâm phạm tài sản, sức khỏe, tính mạng... hoặc vụ việc nghiêm trọng, phức tạp thì tốt nhất nên báo cơ quan chức năng để can thiệp kịp thời, giữ nguyên hiện trường để cơ quan chức năng xác định yếu tố lỗi của mỗi bên", luật sư Khuyên cho hay.

Đối với vụ án này, theo luật sư, ban đầu cơ quan điều tra xác định tội danh của Trần Duy Quang là Tội cố ý gây thương tích, với tình tiết định khung là "Làm chết người", khung hình phạt quy định là 7 đến 14 năm tù.

Tuy nhiên, bà Khuyên nhận định, nếu qua điều tra cơ quan điều tra xác định được ý thức chủ quan của đối tượng lấy mũ bảo hiểm tấn công vào đầu là vùng trọng yếu của lái xe nhằm mục đích tước đoạt tính mạng của lái xe, thì cơ quan điều tra hoàn toàn có thể chuyển tội danh sang tội Giết người, quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tại trụ sở điều tra, Quang khai khoảng 16h ngày 4/3, xe taxi do anh T. điều khiển đã va chạm với xe máy của Quang lái, chở theo bạn gái, làm thanh niên này loạng choạng. Hai bên sau đó xảy ra tranh cãi.

Anh T. mở cốp ô tô lấy một vật tày dài khoảng 40cm đuổi đánh Quang. Quang dùng tay đỡ rồi đấm vào mặt đối phương, sau đó tiếp tục cầm mũ bảo hiểm đập vào đầu anh T.