1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Vụ tai biến tại BVĐK Hà Nội: "Làm đúng quy trình, không hiểu sao tai biến"

(Dân trí) - Liên quan đến tai biến bệnh nhân ngừng thở sau khi xịt thuốc gây tê tại chỗ, lãnh đạo BV Đa khoa Hà Nội khẳng định: Việc điều trị là đúng quy trình. Tuy nhiên các bác sĩ viện này cũng không hiểu vì sao lại xảy ra tai biến khiến bệnh nhân ngừng thở.

Vẫn đang hôn mê

Làm việc với báo chí sáng 15/11 về ca tai biến của bệnh nhân Trần Thị Tưởng dẫn đến trạng thái chết lâm sàng, PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn, Giám đốc chuyên môn BV Đa khoa Hà Nội cho biết, hiện tại, tình trạng bà Trần Thị Tưởng vẫn đang hôn mê, đang tiếp tục điều trị, thở máy tại BV Việt Đức.
 
Vụ tai biến tại BVĐK Hà Nội: Làm đúng quy trình, không hiểu sao tai biến
BV Đa khoa Hà Nội - nơi xảy ra tai biến bệnh nhân Tưởng ngừng thở sau xịt thuốc gây tê tại chỗ. Ảnh: H.Hải

Theo ông Sơn, phía bệnh viện cũng đã rà soát và kết luận quy trình khám chữa bệnh cho bệnh nhân này hoàn toàn đúng. Hiện chưa hiểu nguyên nhân vì sao bệnh nhân lại xảy ra tai biến co thắt thanh quản khiến bệnh nhân lên cơn khó thở.

“Theo tường trình của bác sĩ gây mê, sau khi xịt gây tê tại chỗ Xylocain 10% hai nhát, BS An còn hỏi đã xịt được mấy nhát và yêu cầu xịt thêm một nhát nữa. Khi vừa xịt xong thì bệnh nhân có biểu hiện khó thở, chỉ số SP02 giảm đột ngột từ 99% xuống còn 43% nên tháo càng soi tiến hành cấp cứu. Chuẩn đoán sơ bộ bệnh nhân bị co thắt thanh quản cấp, ngừng thở nên đã ngừng ngay thủ thuật và cấp cứu cho bệnh nhân”, ông Sơn nói.
 
Vụ tai biến tại BVĐK Hà Nội: Làm đúng quy trình, không hiểu sao tai biến
PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn tái hiện việc đưa càng nội soi vào miệng trước khi xịt thuốc gây tê tại chỗ cho bệnh nhân. Ảnh: H.Hải

“Trước đó hôm 30/10, khi PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An thực hiện kỹ thuật nội soi vi phẫu thanh quản cho bệnh nhân này, cũng dùng loại thuốc xịt gây tê tại chỗ này nhưng bệnh nhân không có biểu hiện gì đặc biệt. Ca phẫu thuật thành công, lấy được nang thanh quản”, ông Sơn khẳng định.

Người phụ trách chuyên môn của phòng khám cũng phân trần, bác sĩ không thể lường được tai biến xảy ra với bệnh nhân. Bởi trước đó, bệnh nhân được phẫu thuật cắt nang dây thang quản, việc xuất hiện một nang nước tại vị trí này là chuyện nhỏ, chỉ cần đưa dụng cụ vào bấm vỡ ra là xong. Vậy mà ngay sau khi xịt gây tê thì xảy ra tai biến co thắt thanh quản khiến bệnh nhân ngừng thở dù chưa kịp làm thủ thuật gì.

Ngay sau khi xảy ra tai biến, ông Sơn đã trực tiếp vào kiểm tra thì phân cấp oxy (hàm lượng oxy trong máu) của bệnh nhân đạt 98 - 99 nhưng vẫn chưa tự thở được. Ngay sau đó, ông Sơn đã trực tiếp tham vấn nhiều giáo sư về hồi sức, gây mê và quyết định chuyển bệnh nhân sang BV Việt Đức để được chăm sóc tốt hơn.

“Vì chỗ chúng tôi không có máy thở chuyên dành cho bệnh nhân, chỉ thở qua máy thở gây mê nên chúng tôi quyết định chuyển để bệnh nhân được chăm sóc tốt hơn. Từ hôm chuyển qua Việt Đức, chúng tôi cũng luôn thăm hỏi người bệnh”, ông Sơn nói.

Chưa làm việc trực tiếp với bác sĩ An

Ông Sơn chia sẻ thêm: “Với lương tâm một người thầy thuốc, bệnh nhân nặng chuyển đi, chúng tôi cũng không bao giờ hết trách nhiệm. Không có ngày nào chúng tôi không thăm hỏi tình trạng bệnh nhân. Bệnh nhân của mình hay của bất cứ ai, có tai biến là rất xót xa. Tôi vẫn thường nói với học trò, nếu thấy một người có tai biến mà không xót xa thì nên chuyển ngành khác, không nên làm ngành y nữa”.
 
Lãnh đạo BV Đa khoa Hà Nội trong buổi làm việc sáng nay với báo chí. Ảnh: H.Hải
Lãnh đạo BV Đa khoa Hà Nội trong buổi làm việc sáng nay với báo chí. Ảnh: H.Hải

Chính vì thế, ông Sơn không trách móc phản ứng có phần quá khích của gia đình người bệnh. “Cứ đặt mình vào cương vị của họ, có người thân khi đi viện thì khỏe mạnh, về có tai biến đương nhiên là bức xúc. Trong khi đó, bệnh viện là nơi để cứu người, bệnh nhân đến không may lại bị như thế, làm sao chúng tôi không xót xa. Tôi cũng luôn trăn trở đọc tài liệu để tìm nguyên nhân, vì sao đã làm đúng quy trình kỹ thuật mà lại xảy ra tai biến này”, ông Sơn phân trần.

"Về mặt quy trình, chúng tôi hoàn toàn đúng. Còn tại sao xảy ra tai biến như thế thì cần có sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn. Chúng tôi cũng đã báo cáo vụ việc lên Sở Y tế Hà Nội".

Hiện bệnh viện cũng đã thống nhất với người nhà bệnh nhân sẽ chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh tại BV cũng như chi phí tại BV Việt Đức. Về bản giải trình của BS An thì vẫn phải đợi vì tối thứ 6 tới (tối mai 16/11) BS An mới về đến Hà Nội sau chuyến công tác nước ngoài. Trong trường hợp chị Tưởng không may không qua khỏi, gia đình có quyền khiếu nại cơ quan chức năng. “Khi đó cơ quan chức năng phán quyết như thế nào chúng tôi chấp nhận thế. Nhưng mong hai bên bàn bạc để cùng giải quyết vấn đề”, ông Sơn nói.

Liên quan vụ việc này, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết: Hiện Sở Y tế đã nắm được thông tin về vụ việc trên. Sở Y tế sẽ khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng làm việc với Bệnh viện Đa khoa Hà Nội và người nhà bệnh nhân.

 Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm