1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vụ ngộ độc khí hầm cá: Công nhân bốc vác không dám trở lại làm việc

(Dân trí) - Vụ tai nạn ngộ độc khí hầm cá ở cảng cá Gành Hào (Bạc Liêu) đã qua 1 tuần nhưng các công nhân bốc vác thuê vẫn còn bàng hoàng, lo lắng. Trong khi nguyên nhân vụ tai nạn chưa được làm rõ, công việc này khiến họ thấy bất an.

Ngày 4/10, PV Dân trí tìm đến cảng cá Gành Hào (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) ghi nhận không khí lao động tại cảng chùng hẳn xuống. Sau vụ tai nạn khiến 2 người chết, 3 người bị thương xảy ra vào ngày 27/9, các công nhân bốc vác gần như vắng bóng. Nhiều người dân cho biết, đây là lần đầu tiên ở đây xảy ra tai nạn thương tâm như thế nên họ rất hoang mang.

PV Dân trí tìm đến nhà của anh Huỳnh Văn Vũ (41 tuổi, ngụ thị trấn Gành Hào). Anh Vũ là đội trưởng một đội bốc vác thuê ở cảng cá Gành Hào.

Anh Huỳnh Văn Vũ cho biết các công nhân rất lo lắng sau vụ tai nạn
Anh Huỳnh Văn Vũ cho biết các công nhân rất lo lắng sau vụ tai nạn

Anh Vũ bùi ngùi: “Cho đến giờ nói thật là tôi chưa tin sự việc lại xảy ra một cách đau lòng như thế và cũng chẳng biết mình có liên quan đến chuyện này hay không nữa, vì tôi là người kêu công thuê cho tàu cá đó”.

Anh Vũ kể, sau khi tàu cá KG-93870TS từ biển vào thì chủ tàu thuê đội của anh bốc hàng với giá 70.000 đồng/tấn (tổng cộng lượng cá trên tàu là 140 tấn). Anh Vũ đã gọi khoảng 30 công nhân (trong đó có 5 nạn nhân ngộ độc khí) đến tham gia bốc cá trong ngày 27/9. Cũng theo anh Vũ, ngoài số công nhân bốc vác mà anh gọi thì trên tàu còn có hơn 20 người là người của tàu cá.

Hầm cá xảy ra sự cố cũng giống như những hầm cá trước đó đã bốc hết, đó là cá bò (cá phân giá rẻ) nằm ở dưới đáy; phía trên là những loại cá có giá trị cao hơn. “Thật sự là cho đến lúc này tôi không thể hiểu được vì sao hầm cá cuối cùng lại nguy hại đến như vậy. Tôi làm nghề bốc vác, cân hàng, kêu công thuê ở cảng cá Gành Hào đã hơn 12 năm, quy trình bốc hàng anh em chúng tôi đều làm rất kỹ nên chưa bao giờ xảy ra chuyện gì không hay cả”, anh Vũ cho biết thêm.

Trước thông tin cho rằng các công nhân bất cẩn không mở nắp hầm cá trước khi bốc nên khí độc chưa thoát hết ra ngoài, gây ngộ độc, anh Vũ khẳng định: “Đội bốc vác của tôi đã mở nắp hầm cá cuối cùng này trước khi xảy ra tai nạn 3 tiếng đồng hồ chứ không phải là đến khi bốc mới mở”.

Tàu cá xảy ra ngộ độc khí hiện đang neo đậu tại cảng cá Gành Hào. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Tàu cá xảy ra ngộ độc khí hiện đang neo đậu tại cảng cá Gành Hào. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Chia sẻ với PV, anh Vũ cho biết, vụ tai nạn đã làm nhiều công nhân trong đội của anh đến giờ vẫn còn rất hoang mang, lo lắng. Cuộc sống của nhiều công nhân xáo trộn khi miếng cơm manh áo của cả gia đình đều phụ thuộc vào nghề bốc vác thủy sản ở cảng.

“Cho đến nay đã qua 1 tuần nhưng vẫn chưa có anh em công nhân nào dám trở lại làm việc hết vì thấy còn sợ lắm. Trong khi đó nguyên nhân tai nạn cũng chưa có kết luận nên anh em họ vẫn còn bất an” - anh Vũ thẳng thắn - “Sau vụ tai nạn, chắc tôi sẽ không dám kêu công bốc cá cho tàu nào ở Kiên Giang nữa”.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, số công nhân hành nghề bốc vác ở cảng cá Gành Hào có tới cả trăm người, đa số là dân tứ xứ. Khi có tàu từ biển vào, họ được thuê xuống làm việc tính tiền công theo ngày. Anh Vũ chia sẻ, anh cũng như các công nhân mong muốn ngành chức năng sớm làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn để tạo sự yên tâm cho công nhân.

Không chỉ các công nhân lo sợ trước vụ tai nạn mà nhiều hộ gia đình có người nhà làm nghề bốc vác cá cũng cho biết, họ không khỏi thấp thỏm, âu lo. Bà Phạm Thị Cúc cho biết, gia đình bà có đến 5 lao động bằng nghề bốc vác ở cảng cá từ nhiều năm nay. Sau vụ tai nạn, bà Cúc cho hay, bản thân bà cũng rất lo lắng cho người thân của mình.

Bà Cúc lo lắng vì nhà bà có đến 5 người làm bốc vác cá (Ảnh: Huỳnh Hải)
Bà Cúc lo lắng vì nhà bà có đến 5 người làm bốc vác cá (Ảnh: Huỳnh Hải)

Về tình hình công nhân bốc vác ở cảng cá, theo ông Nguyễn Ngọc Thuận - Phó Phòng Tổ chức hành chính (thuộc cảng cá Gành Hào) - hầu hết họ đến từ các vùng khác và hoạt động tự phát. Do đó, khi sự cố xảy ra, việc hỗ trợ đều do chủ tàu thực hiện.

Trao đổi với PV Dân trí vào ngày 4/10, Thượng tá Lê Minh Trung - Phó Trưởng Công an huyện Đông Hải - cho biết, cho đến lúc này, nguyên nhân vụ việc vẫn đang được điều tra. “Qua đánh giá ban đầu thì đây có thể chỉ là tai nạn chứ chưa có dấu hiệu liên quan gì đến hình sự. Do đó, cũng chưa có cơ sở quy trách nhiệm nên chưa thể buộc chủ tàu bồi thường”, ông Trung nói.

Theo ông Trung, qua xác minh thì quy trình các công nhân bốc vác bình thường. “Cơ quan chuyên môn hiện đang cho kiểm tra xét nghiệm mẫu vật trong hầm cá, nếu phát hiện có muối chất cấm thì cơ quan chức năng sẽ có hướng xử lý theo quy định”, ông Trung nhấn mạnh.

                                                                                                            Huỳnh Hải