Hải Phòng:

Vụ lãnh đạo doanh nghiệp Đài Loan biến mất: Hàng trăm công nhân đội mưa đòi quyền lợi

(Dân trí) - Liên quan đến vụ ban lãnh đạo Công ty TNHH KaiYang Việt Nam “biến mất” sau khi nợ công nhân hơn 30 tỷ đồng tiền lương cùng bảo hiểm, sáng nay (28/8), hàng trăm công nhân thuộc công ty này đã bất chấp mưa to, tập trung trước cổng, mang theo băng rôn đòi quyền lợi.

Vụ lãnh đạo doanh nghiệp Đài Loan biến mất: Hàng trăm công nhân đội mưa đòi quyền lợi - 1

Công  nhân bất chấp trời mưa tập trung trước công công ty đòi quyền lợi 

Nhóm công nhân này sau đó còn kéo nhau nhau đi bộ và tập trung tại cổng UBND quận Kiến An.

Chị N.H.T. công nhân làm việc tại công ty này lâu năm cho biết: "Khi ban lãnh đạo mới tiếp quản, chúng tôi đã đặt nhiều hy vọng về việc sẽ được đi làm và được thanh toán số tiền lượng và bảo hiểm công ty nợ trước đó. Tuy nhiên vừa làm việc trở lại chưa đầy một tuần thì phía công ty đã không giữ lời hứa".

Một công nhân khác cho biết, dù ban lãnh đạo mới hứa sẽ trả số lương tháng 7 nợ công nhân theo 2 đợt vào ngày 23 và 31/8. Thế nhưng ngày 23 vừa rồi công nhân mới chỉ được nhận 4 triệu đồng/10 triệu đồng tiền công ty nợ.

Các công nhân cho biết, họ không còn hy vọng được trở lại làm việc nữa mà chỉ mong được nhận lại số tiền lương tháng 7 còn lại và công ty chốt sổ bảo hiểm để đi tìm việc làm nơi khác.

Vụ lãnh đạo doanh nghiệp Đài Loan biến mất: Hàng trăm công nhân đội mưa đòi quyền lợi - 2

Căng băng rôn đòi quyền lợi.

Thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, phía công ty mẹ bên Đài Loan đã chỉ định người đứng ra tạm thời điều hành công ty, chịu trách nhiệm xuất lô hàng đã sản xuất để có tiền thanh toán cho công nhân.

Thông tin từ Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng cũng cho biết, trước nguyện vọng của công nhân, UBND thành phố sẽ họp bàn hướng giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho công nhân.

Trước mắt, tạo điều kiện cho công ty này xuất lô hàng đã sản xuất trị giá hơn 30 tỷ (theo kế hoạch lô hàng này sẽ phải giao cho đối tác trước ngày 3/9) để trả số tiền lương còn công nhân.

Vụ lãnh đạo doanh nghiệp Đài Loan biến mất: Hàng trăm công nhân đội mưa đòi quyền lợi - 3

Các công nhân kéo nhau đi bộ từ công ty về UBND quận Kiến An và tập trung tại đây

Đối với số tiền bảo hiểm, thành phố cũng đề nghị ngành thuế sớm hoàn tất thủ tục chi trả 14 tỷ đồng tiền hoàn thuế để công ty trên đóng tiền bảo hiểm cho công nhân.

Như Dân trí đã thông tin, trước đó vào lúc 7h sáng ngày 12/8, nhiều công nhân đến Công ty TNHH KaiYang Việt Nam làm việc thì tá hỏa khi thấy nhà xưởng đóng cửa, niêm phong ngừng hoạt động. Có thông tin lãnh đạo công ty người nước ngoài đã “biến mất” khiến công nhân lo lắng.

Vụ lãnh đạo doanh nghiệp Đài Loan biến mất: Hàng trăm công nhân đội mưa đòi quyền lợi - 4

Lực lượng công an đã phải có mặt để đảm bảo ANTT

Trước vụ việc này, cơ quan chức năng thành phố vào cuộc, xác định ông Huang Shang Che (người Đài Loan), chủ doanh nghiệp đã cùng 17 người quản lý của doanh nghiệp (quốc tịch Đài Loan, Trung Quốc) rời khỏi công ty vào tối ngày 11/8.

Điều đáng nói, khi ban lãnh đạo công ty “biến mất”, số tiền nợ lương tháng 7 của hơn 2.000 công nhân lên đến hơn 21 tỷ đồng và khoản nợ tiền BHXH từ tháng 4/2019 cũng lên tới khoảng 9 tỷ đồng, chưa kể khoản nợ ngân hàng và một số đối tác làm ăn khác.

Vụ lãnh đạo doanh nghiệp Đài Loan biến mất: Hàng trăm công nhân đội mưa đòi quyền lợi - 5

Công nhân tràn ra đường khiến giao thông bị ảnh hưởng

Ngày 19/8, ban lãnh đạo mới công ty TNHH KaiYang Việt Nam đã sang Việt Nam và có cuộc làm việc với công đoàn công ty cùng toàn thể công nhân.

Tại cuộc làm việc này, ban lãnh đạo mới của công ty này cho biết, từ ngày 20/8, doanh nghiệp này sẽ hoạt động trở lại. Đồng thời cũng cam kết, các công nhân sẽ được thanh toán một nửa tiền lương của tháng 7 ngay trong tuần, phần lương còn lại sẽ được thanh toán vào tuần tiếp theo.

Vụ lãnh đạo doanh nghiệp Đài Loan biến mất: Hàng trăm công nhân đội mưa đòi quyền lợi - 6

Theo các công nhân, nguyện vọng của họ là được thanh toán số tiền lương công ty đã nợ và bảo hiểm

Ngày 20/8, các công nhân đã đến công ty làm việc. Tuy nhiên, sau một tuần trở lại làm việc, một lần nữa công nhân lại bị doanh nghiệp “bỏ rơi”.

An Nhiên