1. Dòng sự kiện:
  2. Đường mới xây bị sụt lún như động đất ở Tây Ninh
  3. Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV

Vụ kè tiền tỷ vỡ tan sau một năm sử dụng: Yêu cầu khắc phục trước mùa mưa

Nhật Anh

(Dân trí) - Liên quan đến công trình kè chống xói lở tại Quảng Trị vừa đưa vào sử dụng đã vỡ tan hoang, chính quyền địa phương yêu cầu các đơn vị có trách nhiệm, khắc phục trước mùa mưa bão năm 2025.

Ngày 20/5, lãnh đạo UBND huyện Hải Lăng (Quảng Trị) cho biết, địa phương đã có báo cáo gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường về tình trạng hư hỏng hệ thống kè chống xói lở tại thôn Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng.

Theo báo cáo, nguyên nhân khiến công trình bị hư hỏng là do đoạn kênh tại thôn Mỹ Thủy nằm cuối tuyến và gần biển, lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về lớn đã cuốn trôi phần cát ở đáy kênh, gây xói lở.

Ngoài ra, dòng nước chảy xiết tạo thành xoáy mạnh còn cuốn trôi các ống bê tông làm chân móng, khiến nhiều đoạn bờ kè bị sạt lở. Thêm vào đó, nguồn nước từ các khe nhỏ và khu dân cư đổ vào tuyến kênh, kết hợp với ảnh hưởng của các đợt mưa bão lớn cũng làm hệ thống kè bị hư hỏng nghiêm trọng.

Vụ kè tiền tỷ vỡ tan sau một năm sử dụng: Yêu cầu khắc phục trước mùa mưa - 1

Kè chống xói lở bờ kênh tại Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị hư hỏng (Ảnh: Nhật Anh).

Chính quyền huyện Hải Lăng đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Đồng thời, yêu cầu xây dựng phương án xử lý và khắc phục kịp thời đoạn kè hư hỏng, nhằm đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão năm 2025.

Như Dân trí phản ánh, hệ thống kè chống xói lở tại thôn Mỹ Thủy được khởi công từ tháng 7/2023, hoàn thành, bàn giao vào tháng 9/2023. Công trình có chiều dài 380m, do UBND xã Hải An làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí hơn 3,3 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phần đối ứng của địa phương.

Tuy nhiên, chỉ sau hơn một năm đưa vào sử dụng, hệ thống kè đã xuất hiện nhiều điểm sụt lún nghiêm trọng; mái kè bê tông bị sạt trượt thành từng mảng, kéo tụt xuống mép nước, để lộ lớp đất bên trong.

Vụ kè tiền tỷ vỡ tan sau một năm sử dụng: Yêu cầu khắc phục trước mùa mưa - 2

Hệ thống thanh giằng bê tông trên mặt thân kè và dưới đáy kè cũng bị xô lệch, kéo sụt xuống kênh (Ảnh: Nhật Anh).

Ngoài ra, hệ thống thanh giằng bê tông ở mặt và đáy kè cũng bị xô lệch, tụt xuống lòng kênh, có nơi bị sạt trượt cách mặt đường 0,5-1m. Hệ thống cống bê tông, vốn được thiết kế để chịu áp lực nước ở chân kè, cũng bị hư hỏng nặng, nhiều ống bê tông đã rời ra, nằm ngổn ngang giữa lòng kênh.

Chứng kiến công trình bị hư hỏng nghiêm trọng, người dân địa phương lo ngại mùa mưa bão sắp tới sẽ gây thiệt hại lớn, đặc biệt là đối với các hộ nuôi trồng thủy sản.