Vụ doanh nghiệp "bức tử" rừng phòng hộ: Nhà máy xi măng nói gì ?

Thế Kha

(Dân trí) - Chi nhánh Công ty TNHH Duyên Hà - Nhà máy xi măng Duyên Hà vừa có báo cáo gửi Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam phản hồi thông tin xâm phạm rừng phòng hộ khi khai thác khoáng sản.

Liên quan đến vụ khai thác khoáng sản lấn vào rừng phòng hộ của doanh nghiệp xi măng tại mỏ đá ở thành phố Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình), ông Phạm Văn Dũng, Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Duyên Hà - Nhà máy xi măng Duyên Hà vừa gửi văn bản báo cáo Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Trong báo cáo này, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, sau khi có thông tin phản ánh của báo chí liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản của nhà máy, UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản chỉ đạo các sở ngành kiểm tra, làm rõ.

Đoàn kiểm tra do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng các Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Tam Điệp đã thực hiện làm việc với nhà máy.

Vụ doanh nghiệp bức tử rừng phòng hộ: Nhà máy xi măng nói gì ? - 1

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình chậm trễ trong việc báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến Công ty TNHH Duyên Hà (Ảnh: Thái Bá).

Theo văn bản của Công ty Duyên Hà, kết quả kiểm tra cho thấy nhà máy thực hiện khai thác mỏ đúng vị trí, ranh giới theo giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hiện hoạt động khai thác đang thực hiện trong khu vực giữa mỏ, không khai thác phần giáp ranh với các cột mốc và ranh giới mỏ.

Về phản ánh của báo chí rằng việc khai thác đá tại các vị trí đã gây sạt lở xuống phía dưới, làm ảnh hưởng diện tích rừng phòng hộ đối với Giấy phép khai thác số 1417/GP-BTNMT, doanh nghiệp lý giải, đó là sự việc xảy ra từ đầu năm 2020 trở về trước, đã được các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý.

Việc thực hiện các biện pháp khắc phục diện tích rừng bị ảnh hưởng từ năm 2020 trở về trước, nhà máy đã triển khai theo chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, chủ rừng đã khắc phục tốt theo hướng dẫn. Từ tháng 3/2020 đến nay, qua kiểm tra, giám sát, công ty vẫn thực hiện chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng bị ảnh hưởng.

Liên quan đến việc có hay không chuyện "ưu ái" xin chuyển rừng cho doanh nghiệp, lãnh đạo Nhà máy xi măng Duyên Hà cho biết, năm 2020, UBND tỉnh Ninh Bình lập tờ trình và hồ sơ, tài liệu kèm theo gửi đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để làm hành lang cho hoạt động khai thác.

Tháng 3/2022, Tổng cục Lâm nghiệp đã tổ chức cuộc họp giải quyết những tồn tại, vướng mắc đối với hồ sơ dự án đang thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng. Hiện tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xem xét giải quyết theo quy định.

Như Dân trí thông tin trước đó, Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình yêu cầu xác minh phản ánh về hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty TNHH Duyên Hà.

Cơ quan này đã nhận được thông tin về tình trạng khai thác khoáng sản vào diện tích rừng phòng hộ của Công ty TNHH Duyên Hà tại mỏ đá vôi thuộc khu vực phường Tân Bình và xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp (Ninh Bình) theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 1417/GP-BTNMT do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.

Từ đó, Cục này đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình phối hợp với các sở, ban ngành liên quan để xác minh, làm rõ thông tin phản ánh nêu trên và có báo cáo trước ngày 9/4.

Tuy nhiên, thông tin với Dân trí, lãnh đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam khẳng định vẫn chưa nhận được báo cáo trên và đã có ý kiến "nhắc nhở" Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình vì quá chậm trễ trong việc báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý vụ việc này.