Vụ bỏ rơi khách ở Thái Lan: Công ty Việt “chặt chém” người Việt!
(Dân trí) - “Vụ việc của Travel Life rõ ràng là công ty Việt “chặt chém” khách Việt, chúng ta đã tự làm hại, làm tiêu biến hoạt động du lịch Việt Nam ở nước ngoài và làm khổ cả khách du lịch Việt Nam. Ở đây vấn đề mấu chốt vẫn là do quản lý”.
Ông nghĩ gì về vụ việc Travel Life bỏ rơi khách du lịch Việt trên đất Thái Lan?
Trước tiên phải nhìn nhận rằng công ty Travel Life là không có giấy phép lữ hành quốc tế nên việc đưa 700 người sang Thái Lan là hành động không những trái pháp luật mà còn vi phạm tất cả những quy định về du lịch.
Luật đã quy định rất rõ là muốn đưa người Việt Nam đi ra nước ngoài thì phải có giấy phép lữ hành quốc tế và phải được quản lý chặt chẽ, có hướng dẫn viên có thẻ của công ty đưa ra nước ngoài cũng khách du lịch. Nhưng ở đây Travel Life không có giấy phép lữ hành quốc tế nên không kiểm soát được chi phí và dẫn đến đổ bể, Travel Life phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiệp hội Lữ hành đã thể hiện trách nhiệm của mình như thế nào trong vụ việc này?
Vấn đề của Travel Life đã rõ, còn ở góc độ quản lý thì theo ông cần bàn luận gì khi sự việc này xảy ra?
Tình trạng và hoạt động du lịch của các công ty không có giấy phép tràn lan ở Hà Nội và TPHCM từ lâu nhưng không có cơ quan nào đứng ra quản lý và xử lý cả, sự buông lỏng đó khiến cho các công ty làm chui nhìn thấy rằng họ không bị kiểm soát, không bị xử lý và tự cho mình cái quyền được kinh doanh du lịch theo ý mình.
Lâu nay chúng ta thiếu một hệ thống quản lý hoạt động đưa khách du lịch ra nước ngoài mà chỉ chú trọng đến việc thu hút khách du lịch nước ngoài về Việt Nam. Việc đưa khách du lịch trong nước ra nước ngoài không được quan tâm đúng mức nên mới xảy ra vụ việc cả đoàn 700 người đi Thái Lan bị Travel Life bỏ rơi mà không ai biết gì cả, và lúc này các cơ quan quản lý mới nháo nhào đi tìm hiểu về công ty Travel Life xem ở đâu và hoạt động như thế nào… Đó là hệ quả rõ ràng khi người ta quên đi việc một năm cũng có vài triệu người Việt Nam ra nước ngoài du lịch.
Theo ông, phải truy trách nhiệm và xử lý những ai liên quan trực tiếp đến vụ việc 700 hành khách Việt bị bỏ rơi ở Thái Lan?
Vụ việc của Travel Life rõ ràng là công ty Việt “chặt chém” khách Việt, chúng ta đã tự làm hại, làm tiêu biến hoạt động du lịch Việt Nam ở nước ngoài và làm khổ cả du lịch Việt Nam nữa. Ở đây vấn đề vẫn là do quản lý.
Cũng phải nói thêm rằng, Công ty Herbalife tổ chức hội nghị ở nước ngoài và đưa tới 3.000 người Việt Nam ra nước ngoài, riêng Travel Life dẫn khoảng 700 khách và xảy ra sự cố này, vậy thì 2.300 người nữa do những công ty nào dẫn sang Thái Lan và liệu những công ty đó có giấy phép lữ hành quốc tế hay không? Trong việc này Herbalife có một phần trách nhiệm.
Nhiều ý kiến cho rằng thị trường du lịch Việt Nam hiện nay khá lộn xộn vì sự hoạt động của những công ty không phép và nạn “chặt chém” du khách mà Travel Life là một điển hình, quan điểm của ông như thế nào?
Hiện nay đang có tình trạng các công ty du lịch không có giấy phép và giấy phép lữ hành quốc tế vẫn công khai quảng cáo rầm rộ trên Internet. Trước Travel Life chúng tôi cũng đã xử lý rất nhiều trường hợp tương tự, tại Hà Nội cũng có rất nhiều công ty du lịch không phép như Travel Life và vẫn ngang nhiên tồn tại, thậm chí họ sử dụng giấy phép của doanh nghiệp khác, có những công ty du lịch thì thành lập hàng loạt những trung tâm để kinh doanh trái phép nên dẫn tới tình trạng lộn xộn.
Xảy ra những sự vụ này là vì cơ quan quản lý về du lịch không còn đủ sức để quản lý hoạt động này nữa kể cả Trung ương lẫn địa phương. Ở Tổng cục Du lịch hiện không còn có lực lượng Thanh tra nữa mà đã sáp nhập vào thành Thanh tra văn hóa, vì thế không còn bộ phận chuyên trách để đi thanh kiểm tra, chăm sóc, chăm lo và quản lý hoạt động này; còn ở địa phương cũng tương tự như vậy, hoạt động thanh tra đã tách rời khỏi các Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, hoạt động quản lý lữ hành ở các Sở rất ít nên thiếu công cụ để quản lý, bản thân bộ phận lữ hành của các sở nếu có cũng yếu tới mức không có khả năng để kiểm soát.
Rõ ràng là cơ quan quản lý du lịch ở Việt Nam hiện nay không đủ năng lực, nguồn lực để kiểm soát hoạt động này.
Cần phải có những giải pháp nào để xử lý tình hình này một cách triệt để và hiệu quả, thưa ông?
Ở Việt Nam cứ mỗi khi có sự cố gì là người này đổ lỗi cho người kia và không có ai đứng ra chịu trách nhiệm cả, vì vậy an ninh an toàn của du khách sẽ thế nào? Nói là trách nhiệm thuộc về địa phương nhưng tổng thể thì cần phải có một lực lượng chuyên nghiệp có trách nhiệm là cảnh sát du lịch, phải có tổ chức ra quyền hạn và có đủ phương tiện để triển khai công tác du lịch và cần phải nhanh chóng thành lập lực lượng này để hỗ trợ du khách, giúp du khách tránh khỏi nạn bị “chặt chém”.
Phải xử lý ngay từ gốc, tổng kiểm tra tổng thể tất cả các công ty lữ hành trên cả nước để loại bỏ những đơn vị không có giấy phép lữ hành quốc tế về kinh doanh du lịch, lập các trạm kiểm tra quản lý ở cửa khẩu để kiểm soát người đi du lịch ra nước ngoài thì mới có thể lập được trật tự cho hoạt động du lịch.
Xin cảm ơn ông!
Châu Như Quỳnh (thực hiện)