1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM:

Vụ bé 3 tuổi bị bạo hành: Cháu Đức bị cậu cho hít “keo chó”?

(Dân trí) - Người dân cho biết vẫn thường thấy hai anh em cháu Đức - Đạt bị cậu ruột dẫn đi ăn xin và thậm chí cho hít “keo chó” để có gương mặt đờ đẫn, ngây dại, dễ xin tiền. Trong khi đó, chính quyền địa phương vẫn nói “chưa đủ cơ sở xử lý”.

Ép đi ăn xin cũng là tái phạm

Thông tin cháu Trịnh Nguyễn Thành Đức (3 tuổi, ngụ P.Tân Hưng, Q.7, TPHCM) bị người thân bạo hành và ép đi ăn xin gây phẫn nộ trong dư luận. Nhiều người bày tỏ mong muốn cháu Đức và anh trai là cháu Đạt có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng những ngày qua, sự việc đang “dẫm chân tại chỗ” khi anh em cháu Đức vẫn tiếp tục bị cậu dắt đi ăn xin.

Tại chùa Giác Nguyên nằm cuối đường 41 thuộc P.8, Q.4, TPHCM, người dân cho biết họ nhìn thấy anh em cháu Đức bị cậu ruột là Trịnh Đắc Hòa cho hít “keo chó” là một loại chất gây nghiện, sinh ảo giác, dẫn đến phê thuốc rồi nằm lăn ra ngủ trên ghế đá. Khi phóng viên tìm đến thì anh em Đức đã bị Hòa đưa đi. Người dân phán đoán, Hòa cho hai đứa trẻ hít "keo chó" để khuôn mặt ngây ngây, dại dại, lờ đờ, dễ lấy được sự thương cảm của người đi đường. 

Không chỉ “mưu sinh” tại chùa Giác Nguyên, Hòa còn bị bắt gặp dắt hai cháu lang thang xin ăn dọc các tuyến đường Hoàng Diệu (thuộc P.2 và P.6, Q.4). Hai cháu nhỏ thường phải đi trong tình trạng trần truồng, đen nhẻm. Có người nhận ra cháu Đức và Hòa đã chạy đến níu áo Hòa hỏi “mày lại ép cháu mày đi ăn xin phải không” thì Hòa nói là Đức và Đạt đang đi với mẹ chứ không đi theo mình.

Vụ bé 3 tuổi bị bạo hành: Cháu Đức bị cậu cho hít “keo chó”?
Sáng 4/11, nhiều người dân xung quanh nhà trọ mẹ con Đức thuê ở cho biết, vì thấy cháu bé bị ngược đãi thời gian dài, thương cảm quá nên họ mới tố cáo để cứu cháu bé

Chúng tôi đem câu chuyện cháu Đức lại bị ép đi ăn xin phản ánh đến Công an P.Tân Hưng, công an chỉ ghi nhận những thông tin báo chí cung cấp và hứa sẽ phối hợp với công an các phường thuộc địa bàn Q.4 làm rõ.

Trung tá Nguyễn Thành Tài - Trưởng công an phường Tân Hưng - cho biết, theo Điều 10, Nghị định 110/2009/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình thì đối với trường hợp của Hòa, công an chỉ lập hồ sơ sự việc để cảnh cáo răn đe. Chỉ đến khi nào phát hiện Hòa tái phạm thì mới lập hồ sơ đưa vào trường giáo dưỡng. Trung tá Nguyễn Thành Tài cho biết: “Hành vi ép cháu Đức đi ăn xin cũng là tái phạm”. Tuy nhiên, do chưa bắt quả tang nên chưa có cơ sở xử lý.
 
Dư luận đặt câu hỏi, tại sao dân luôn "bắt được quả tang" mà công an thì không thấy? Một đứa trẻ 3 tuổi, một đứa trẻ 5 tuổi, bị đánh đập đến mức ấy, bị ép đi ăn xin, thậm chí có thể bị ép hít "keo chó", đến bao giờ chính quyền địa phương mới có cơ sở xử lý?

Đủ cơ sở xử lý người cậu

Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Giám đốc hãng luật Giải Phóng (Đoàn luật sư TPHCM) - cho biết, trong vụ án này, người cậu Trịnh Đắc Hòa chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi cố ý gây thương tích hoặc hành hạ người khác. Để có căn cứ khởi tố tội cố ý gây thương tích, cơ quan điều tra cần tiến hành giám định thương tích cho đa trẻ bị đánh. Đối với tội hành hạ người khác, mức cao nhất của khung hình phạt của tội này chỉ đến 3 năm tù, nên người cậu sẽ không bị xử lý vì chưa đủ tuổi theo luật định. Tuy nhiên, qua thông tin báo chí, có nhiều khả năng người mẹ tên Nở và bà ngoại tên Nguyệt cũng có hành vi cùng Hòa bắt cháu Đức, Đạt đi ăn xin, nên cơ quan điều tra cũng cần sớm xác minh làm rõ điều này. Nếu người mẹ, bà có hành vi ép buộc con, cháu mình đi ăn xin, người mẹ, bà hoàn toàn có thể bị khởi tố về hành vi hành hạ người khác hoặc cố ý gây thương tích quy định tại Bộ luật hình sự (BLHS).
 
Luật sư Nguyễn Thành Công, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng, khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải có xử sự phù hợp theo chức năng và nhiệm vụ được giao. Cụ thể trong trường hợp này, công an P.Tân Hưng phải lập hồ sơ xử lý Trịnh Đắc Hòa và Đặng Tấn Cường. Vì Hòa dưới 16 tuổi nên có thể lập hồ sơ đưa đi trường giáo dưỡng theo thủ tục. Ngoài ra, với mức độ vi phạm này, UBND phường Tân Hưng phải phối hợp với công an phường để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Quyết định này là cơ sở để xử lý tiếp nếu có tái phạm.

Người dân mong mỏi tách 2 cháu khỏi đối tượng Hòa để các cháu có cuộc sống tốt hơn

Người dân mong mỏi tách 2 cháu khỏi đối tượng Hòa để các cháu có cuộc sống tốt hơn

Theo khoản 2 Điều 69 BLHS, nếu tỉ lệ thương tật của bé Đức dưới 30% (dưới 11% ứng với tội ít nghiêm trọng - khoản 1 Điều 104 BLHS; từ 11%-30% ứng với tội nghiêm trọng-khoản 2 Điều 104 BLHS) thì Hòa sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn nếu tỉ lệ thương tật của bé Đức từ 31% trở lên, ứng với tội rất nghiêm trọng, nếu thấy cần thiết có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Hòa. Vì vậy, cơ quan công an cần phải cho giám định pháp y thương tích của cháu Đức. Nếu thương tích chưa đủ xử lý theo luật mà đối tượng bị xử phạt hành chính thì việc tái phạm sẽ được xử lý nghiêm hơn.

Cần tránh tình trạng đánh giá sai tính nguy hiểm của sự việc mà có thể gây nên sự vi phạm nghiêm trọng hơn. Theo quan sát mức độ tăng dần của các hành vi mà Hoà thực hiện với cháu Đức đồng thời theo lời khai của Hoà, nguyên nhân việc thực hiện hành vi này là do kích thích từ việc hít “keo chó” thì chưa biết được hậu quả đối với cháu Đức sẽ còn đến mức độ nào. Rất cần thiết địa phương phải có hành động phù hợp nhằm ngăn chặn hành vi nguy hiểm hơn xảy ra như cách ly, thậm chí củng cố hồ sơ đưa Hoà vào trường giáo dưỡng”, luật sư Công nói.

Công Quang